Một người làm sai hai người bị oan

03/03/2012 11:02 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Hóa ra, người chịu trách nhiệm trong vụ đạo văn này lại là một người trẻ và không có hiểu biết thấu đáo về mỹ thuật ở Sài Gòn - TP.HCM.

Trên báo TT&VH ra ngày 7/1 có bài Sách mỹ thuật ở Sài Gòn - TP.HCM: Một phần bị cho là đạo văn! phản ánh bức xúc của ông Phạm Hoàng Quân khi nội dung các câu hỏi đáp số 059, 061 và 063 của ông bị nhóm tác giả Uyên Huy, Trương Phi Đức, Lê Bá Thanh “chôm”. Họa sĩ, Nhà giáo Nhân dân Uyên Huy rất bức xúc phản hồi “Nói chúng tôi đạo văn thật là oan”(TT&VH ngày 3/2).

TT&VH vừa nhận được công văn của NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM (nơi in cuốn sách 100 câu hỏi đáp về mỹ thuật ở Sài Gòn - TP.HCM) giải thích về vụ đạo văn, nội dung ghi lại ý kiến của các bên liên quan. Cũng xin thêm, cuốn sách này nằm trong bộ sách khoảng 30 cuốn dưới dạng hỏi đáp nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản, khái quát về sự hình thành và phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế của Sài Gòn - Gia Định xưa và TP.HCM hiện nay do ông Cao Tự Thanh là Tổng Chủ biên.

Đạo văn do “lỗi kỹ thuật”?

Liên quan đến ba câu hỏi đáp 059, 061, 063 bị cho là đạo văn, ông Cao Tự Thanh khẳng định: Là chủ biên bộ sách trong đó có những vấn đề liên quan với nhau, những nhận định khác nhau về một hay nhiều lĩnh vực, nhóm chủ biên có quyền điều chỉnh, sắp xếp, bổ sung hoặc thay đổi một số nội dung của từng cuốn sách cũng như của cả bộ, chẳng hạn câu 001 là do chính ông Thanh viết, xuất phát từ yêu cầu của cuốn sách.

100 câu hỏi đáp về mỹ thuật ở Sài Gòn - TP.HCM bị cho là đạo văn do “lỗi kỹ thuật”?

Do đó, việc không sử dụng ba câu mà ông Uyên Huy biên soạn là nằm trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của nhóm chủ biên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyển sách, nhóm chủ biên chỉ liên hệ với ông Lê Bá Thanh là người thường thông tin qua lại giữa nhóm chủ biên và nhóm tác giả. Khi nhận được phần ông Uyên Huy viết, có ba câu nhóm chủ biên thấy cần bổ sung nên có trao đổi với Lê Bá Thanh đề nghị ông Uyên Huy viết lại.  Ông Lê Bá Thanh trả lời rằng việc này khó lắm, ông Uyên Huy sẽ không viết lại đâu. Vì thấy khó khăn nên ông Cao Tự Thanh mời ông Phạm Hoàng Quân viết. Lúc đầu ông Phạm Hoàng Quân nhận lời, nhưng sau đó lại từ chối, nên nhóm chủ biên rất bị động khi thời gian hoàn tất bản thảo đang gấp rút.

Vài ngày sau, ông Lê Bá Thanh có đưa cho ông Cao Tự Thanh nội dung của ba câu hỏi đáp nêu trên và nói: “Thời gian gấp quá, cháu phải biên soạn và dùng tài liệu của Phạm Hoàng Quân thôi”. Khi thực hiện việc tập hợp, dàn trang bản thảo trên vi tính để gửi cho NXB, ông Lê Bá Thanh có chú thích ở mỗi câu là sử dụng nguồn tư liệu của ông Phạm Hoàng Quân, nhưng do sơ suất kỹ thuật, những chú thích này đã bị mất đi (trước khi gửi cho NXB).

Họa sĩ Uyên Huy và nhà giáo Trương Phi Đức bị oan

Như vậy vụ đạo văn này đã rõ thủ phạm đó là ông Lê Bá Thanh “copy” sách của ông Phạm Hoàng Quân theo sự đồng ý của ông chủ biên Cao Tự Thanh, nhưng vì lỗi kỹ thuật không dẫn nguồn tư liệu. Xét trên góc nhìn của người đọc thông thường, họ chỉ biết rằng cuốn sách này đã đạo văn của ông Phạm Hoàng Quân do nhóm tác giả Uyên Huy, Trương Phi Đức và Lê Bá Thanh đứng tên. Tuy nhiên, nếu không có sự giải thích, thì rõ ràng vì sự sơ suất của một mình Lê Bá Thanh mà ông Uyên Huy và ông Trương Phi Đức chịu tiếng oan. Họa sĩ Uyên Huy cho biết: “Một mình anh Lê Bá Thanh làm, nhóm chủ biên không hỏi ý kiến nhóm tác giả, khiến sự vụ lùm xùm như vậy thật là buồn. Một người làm sai mà hai người là tôi và thầy Trương Phi Đức phải bị oan uổng”.

Theo ông Uyên Huy, ông Lê Bá Thanh còn rất trẻ và hiểu biết không nhiều về mỹ thuật Sài Gòn - TP.HCM. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhóm chủ biên lại thường liên lạc với một người ít hiểu biết mà không liên lạc với ông Uyên Huy hay nhà giáo Trương Phi Đức - Phó Hiệu trưởng phụ trách ĐH Mỹ thuật TP.HCM? Rất tiếc, chúng tôi chưa liên lạc được với người “gây ra” vụ đạo văn này để xác tín thông tin rằng Lê Bá Thanh có copy sách của ông Phạm Hoàng Quân và có dẫn nguồn hay không hay là người khác tự ý làm việc này, vì Lê Bá Thanh hiện đang đi học ở Trung Quốc.

Với tư cách là chủ biên, chịu trách nhiệm nội dung bản thảo cho bộ sách 100 câu hỏi đáp về mỹ thuật ở Sài Gòn - TP.HCM, ông Cao Tự Thanh thừa nhận trong quá trình thực hiện cuốn sách Mỹ thuật ở Sài Gòn - TP.HCM, nhóm chủ biên có hai sơ suất: Một là không liên hệ với tất cả các tác giả, mà chỉ thông qua ông Lê Bá Thanh, nhất là khi bản thảo trong giai đoạn hoàn thành, chuẩn bị xuất bản; Hai là thời gian quá gấp rút nên nhóm chủ biên đã không kiểm tra lại nên không phát hiện sơ suất của ông Lê Bá Thanh trong thư mục sách tham khảo của ông Phạm Hoàng Quân.

Tuy nhiên, ông Uyên Huy khẳng định rằng, ông Lê Bá Thanh không hề liên lạc với ông như cách ông Cao Tự Thanh trình bày. Họa sĩ Uyên Huy khẳng định thêm: “Bên chủ biên chỉ làm việc với ông Lê Bá Thanh mà không trao đổi với ông và ông Trương Phi Đức là sai phương pháp làm việc”.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm