Đã rõ giọng điệu thơ haiku Việt?

18/02/2012 06:58 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Hôm qua 17/2 tại báo Tuổi Trẻ TP.HCM, cuộc thi thơ haiku Nhật - Việt lần thứ ba đã trao giải. Cuộc thi dành cho những người yêu thích loại thơ ngắn nhất thế giới sáng tác bằng ngôn ngữ Nhật hoặc Việt, do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM và ĐH KHXH&NV TP.HCM tổ chức.

Có 608 người từ khắp các tỉnh thành dự thi với 1.675 bài thơ haiku bằng tiếng Việt và 110 bài bằng tiếng Nhật. Kết quả, tác giả Tôn Thất Thọ đã đoạt giải Nhất thơ haiku phần thi tiếng Việt với bài Con ong và quả mướp: Quả mướp dài/ Con ong vụt đến/ Đâu người tình xưa? Giải Nhất haiku sáng tác bằng tiếng Nhật thuộc về tác giả Mạnh Thị Lệ Chinh, bản dịch Việt ngữ của bài này: Gieo mầm/ Giấc mơ con trẻ/ Hạnh phúc cuộc đời.

Lễ trao giải cuộc thi thơ haiku Nhật - Việt lần 3

Thơ haiku chỉ giới hạn có 17 âm tự để diễn đạt tất cả những gì người viết muốn thể hiện. Chính vì sự giới hạn độ dài này khiến bài thơ phải càng cô đọng, xúc tích và nói lên được nhiều ý nghĩa càng hay.

Về cuộc thi haiku lần này, nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu - Trưởng Ban Giám khảo nhận định: “Đến lần thứ ba, cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật - Việt dường như đã tìm ra được giọng điệu của mình. Tìm được cái hồn riêng có thể tự trình hiện trong biển thơ haiku của thế giới. Hay nói cách khác, nó biết làm cái vỏ ốc có thể uống vào mình thứ biển thơ dường như xa lạ đó rồi vang lên giọng điệu riêng trong một ngôn ngữ đầy nhạc tính là tiếng Việt và với những hình ảnh rất Việt Nam không dễ tìm thấy ở nơi nào khác”.

Ví dụ như bài của nhà thơ Hồ Trường ở Bến Tre đoạt giải Ba lần này: Mưa ruớc cá/ Mải rơi trên cánh đồng/ Biệt tăm bóng cá. Hồ Trường giải thích: “Mưa rước cá là tên gọi những cơn mưa cuối mùa ở miền Nam, thường vào Tiết Mang Chủng tháng 10 âm lịch, cũng là lúc các loại cá trên đồng tìm đường ra sông. Ngày nay sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu, nhiều cánh đồng không còn cá nữa”.

Thanh Kiều

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm