15/12/2011 10:29 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Hôm nay 15/12, Hội Nhà văn (NV) TP.HCM kỷ niệm 30 năm thành lập tại Nhà hát Bến Thành, Q.1. Đây là sự kiện quan trọng của một hội nghề nghiệp và cũng là dịp nhìn lại chặng đường phát triển văn học của TP.HCM trong những năm qua.
Đáng chú ý trong lễ kỷ niệm này là phần trao bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM cho những “nhà văn tiêu biểu”, có đóng góp trong sự phát triển văn học và công tác xây dựng Hội. Các nhà văn được vinh dự đón nhận bằng khen này, gồm: Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Lê Văn Thảo, Trần Thanh Giao và cố nhà thơ Chim Trắng.
30 năm chỉ là “cái cớ”?
Sự ghi nhận của UBND TP.HCM với các nhà văn nói riêng và các nghệ sĩ nói chung nhân sự kiện 30 năm thành lập các hội chuyên ngành (1981 - 2011) trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM khiến nhiều người vui mừng. Tuy nhiên, riêng lĩnh vực văn học, bằng khen của UBND TP.HCM vẫn còn bỏ sót rất nhiều nhà văn, mà lẽ ra họ xứng đáng và phải được “ghi công” trong dịp này.
Trong 30 năm phát triển của văn học TP.HCM, việc chỉ có 5 nhà văn được UBND TP.HCM ghi nhận công lao đã khiến giới cầm bút và cả dư luận cho là quá ít, chưa phản ánh đầy đủ sự đóng góp của lực lượng nhà văn.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thuộc “thế hệ vàng” của 30 năm văn học TP.HCM (1981 - 2011),luôn có tác phẩm được đông đảo người đọc đón nhận.
Xét về uy tín tác phẩm của 5 nhà văn được khen thưởng nhân dịp 30 năm, ta thấy rằng tất cả họ đều đã thành danh từ thời chiến tranh. Trong đó có người đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức; có người đang được đề nghị trao Giải thưởng Hồ Chí Minh như nhà văn Lê Văn Thảo; có người đang được đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước như Chim Trắng. Nếu lấy cái mốc 30 năm như một “cái cớ” để vinh danh họ thì điều này cũng hợp lý, nhưng đây là dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội NV TP.HCM thì không thể bỏ sót những nhà văn trưởng thành từ sau 1975. Chính lực lượng này đã đồng hành cùng thời điểm Hội được thành lập và họ đã góp phần xứng đáng làm nên diện mạo văn học TP.HCM từ sau ngày thống nhất đất nước mà không ai có thể phủ nhận.
Với danh sách “nhà văn tiêu biểu” như trên rõ ràng nó không phản ánh đúng thực lực sáng tác tại TP.HCM trong 30 năm qua. Hoặc nếu muốn vinh danh 5 nhà văn trên trong dịp này, thiết nghĩ cần phải là một tên gọi khác nhằm tránh sự hiểu nhầm rằng, trong suốt 30 năm qua tại TP.HCM chỉ có 5 năm “nhà văn tiêu biểu” mà hầu hết đóng góp của họ có được là… từ trước ngày thành lập Hội!
“Quên” nhà văn Sơn Nam: “Không thể chấp nhận”
Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập các hội chuyên ngành trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM đã tặng bằng khen cho 14 tập thể và 35 cá nhân. Trong 35 cá nhân này, chỉ riêng Hội Mỹ thuật TP.HCM có đến 14 họa sĩ được vinh dự nhận bằng khen - nhiều nhất trong tất cả các hội.
Theo nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc, nếu chọn những nhà văn đã thành danh từ trước năm 1975 như trên thì nhìn qua danh sách đó đã thấy có một sự “bỏ sót rất lớn” khi không có tên nhà văn Sơn Nam - một cây đại thụ của văn học không chỉ ở TP.HCM và Nam bộ, mà còn của cả nước.
“Theo tôi đó là một thiếu sót không thể chấp nhận” - Lê Minh Quốc bức xúc và anh phân tích: “Một trong những dấu ấn lớn mang tầm vóc quốc gia tại TP.HCM cho đến nay vẫn là sự kiện văn hóa 300 năm Sài Gòn - TP.HCM. Thời điểm đó hầu hết các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam đều được tái bản, trong đó có rất nhiều tác phẩm viết sau năm 1975, không chỉ phục vụ công chúng mà còn cho cả giới nghiên cứu. Nói cách khác, bên cạnh nhiều công trình nghiên cứu, nhiều lễ hội được tổ chức… thì những tập sách đồ sộ và công phu của nhà văn Sơn Nam đã đóng góp không nhỏ cho sự kiện trọng đại này. Gần như ông là hội viên duy nhất của Hội NV TP.HCM đeo đuổi đề tài khám phá văn hóa Sài Gòn và Nam bộ nói chung. Thời gian đã chứng minh tác phẩm của ông là một thành tựu tiêu biểu, một đóng góp quan trọng của văn học TP.HCM mà chúng ta phải ghi nhận. Thế thì, tại sao trong danh sách “Tặng thưởng các nhà văn tiêu biểu” của Hội NV TP.HCM lại bỏ sót tên ông?”.
Không chỉ “người trong giới” Lê Minh Quốc bức xúc về điều này, Nhà giáo Nhân dân - họa sĩ Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng: “Sự kiện 30 năm văn học TP.HCM mà nhà văn Sơn Nam không được vinh danh, thật không thể hiểu nổi”.
Quên luôn cả một “thế hệ vàng”
Như vừa nêu trên, nếu không lấy cái mốc 30 năm làm “cái cớ” để tôn vinh các nhà văn có đóng góp cho văn học TP.HCM, mà xem như một cuộc “nhìn lại” văn học TP.HCM trong 30 năm qua, thì danh sách “Tặng thưởng cho các nhà văn tiêu biểu” còn bỏ sót rất nhiều.
Những ai theo dõi sự phát triển của văn học TP.HCM sẽ nhận thấy, TP.HCM đã sản sinh ra một “thế hệ vàng” trong văn học ngay sau ngày đất nước thống nhất. Có thể kể ra một danh sách dài các nhà văn thuộc “thế hệ vàng” này, như: Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc, Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Thái Dương, Đoàn Vị Thượng, Lê Thị Kim, Nhật Chiêu, Huỳnh Như Phương, Cao Vũ Huy Miên, Phạm Sỹ Sáu, Lý Lan, Lưu Thị Lương, Thanh Nguyên, Trương Nam Hương, Đỗ Trung Quân, Phạm Thị Ngọc Liên, Trần Hữu Dũng, Võ Phi Hùng… Thời gian họ trưởng thành và đóng góp cho văn học của TP.HCM đều nằm trong cột mốc 30 năm thành lập Hội NV TP.HCM. Vậy tại sao họ không được vinh danh trong dịp này? Khi nhìn lại 30 năm qua, nếu thiếu đi “thế hệ vàng” này thì liệu nó có phản ánh đúng diện mạo và thành tựu của văn học TP.HCM trong tiến trình phát triển văn học của cả nước?
Trần Hoàng Nhân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất