Võ Phi Hùng, đời có tên anh!

18/11/2011 11:11 GMT+7 | Đọc - Xem

 (TT&VH) - Ngoài tài năng văn chương, nhà văn Võ Phi Hùng là người sống rất tử tế, nên sự vắng mặt vĩnh viễn của ông trên cuộc đời này đã để lại nhiều xót thương trong đồng nghiệp và bạn đọc.

TT&VH nhận được bài viết của nhà văn Trần Nhã Thụy và Tiến Đạt - hai nhà văn thế hệ đàn em của Võ Phi Hùng - chia sẻ những kỷ niệm về ông.

1.  Tôi quen với Võ Phi Hùng khi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn. Đó là khoảng năm 1993, tôi còn đang học ĐH Tổng hợp TP.HCM và thỉnh thoảng có cộng tác bài vở với Tuần báo Văn nghệ TP.HCM, Võ Phi Hùng lúc bấy giờ là biên tập viên truyện ngắn.

Thời tuổi trẻ, bọn tôi sống cũng khá bạt mạng, lại chơi với “nhà văn giang hồ” Võ Phi Hùng nên lúc nào cũng “khí khái” mặc dù sống khá nghèo. Nhà văn Võ Phi Hùng lúc này đã nổi tiếng, không phải ở văn chương mà ở kịch bản phim. Cầu thang tối, Giã từ dĩ vãng, Chim phóng sinh...  là những bộ phim truyền hình hấp dẫn được chấp bút bởi Võ Phi Hùng.

Mỗi khi ngồi cà phê hay bia bọt với Võ Phi Hùng, anh hay nói: “Em viết báo văn nghệ như vầy, sống nổi không? Hay là viết kịch bản phim đi em, lâu lâu vô một cái, cũng đỡ vất vả!”. Rồi một hôm anh lôi tôi ra góc tòa soạn nói nhỏ: “Có mối này ngon lắm em!” Mối ngon mà anh nói đó là chuyện viết tin “xe cán chó” cho báo Công an TP.HCM. Anh bảo anh quen với nhà thơ Từ Kế Tường (lúc này là Thư ký tòa soạn Công an TP.HCM), anh sẽ dắt tôi qua đó làm quen, nếu không viết được thì nhận sô biên tập, tức xào nấu tin “xe cán chó”.

Thời đó, mỗi cái tin bằng hộp diêm, báo Công an TP.HCM trả chừng hai trăm ngàn đồng. “Anh với em vô được mối này là ấm luôn”- Võ Phi Hùng cười khà khà. Sau đó thì anh dắt tôi qua gặp Từ Kế Tường, nhưng kết quả buổi “làm việc” lại không “có hậu”. Dạo sau, chính tôi lại “dắt mối” cho Võ Phi Hùng viết bài cho tập san An ninh trật tự của NXB Công an Nhân dân.

Có những tập toàn bài của hai anh em. Lúc đó tôi nghĩ hay là mình bỏ tiền ra làm tập san loại này, vừa viết bài, vừa lo in ấn, phát hành. Nghe tôi bàn chuyện “mần ăn” lớn, anh vỗ đùi đánh bốp: “Hay. Được. Anh sẽ góp vốn. Làm đi em, mình làm trọn gói, chuyến này anh em mình ấm rồi!” Và, anh góp vốn thật, nhưng chỉ đâu chừng một triệu, làm sao đủ, tôi thì ý tưởng vậy, chứ cũng đâu có tiền. Thế là chuyện làm sách vụ án của hai anh em không thành. Tôi và anh sau này còn bày ra vài chuyện viết lách nữa, nhưng cũng chưa tìm được chữ “Ấm”. Đời anh cũng mãi đi tìm một chữ “Ấm”, cuối cùng lại tan hoang!



2. Tôi từng viết một bài về Võ Phi Hùng (in trong tập Chuyện lạ văn nghệ sĩ, NXB Văn nghệ 2005). Đó cũng là khoảng thời gian tôi ít gặp anh. Võ Phi Hùng vốn không ở cố định một nơi, anh em chỉ biết anh có nhiều “phòng”, nay ở “phòng” này mai ở “phòng” kia. Anh lại không xài điện thoại di động, nên cũng khó mà í ới gọi nhau. Dạo sau, nghe tin anh hay ngồi quán cà phê “xóm đường ray” đường Thích Quảng Đức (Phú Nhuận), thỉnh thoảng tôi có tạt qua, nhưng lại không có duyên gặp.

Thỉnh thoảng tình cờ gặp nhau ngoài đường, hoặc trong một buổi ra mắt sách nào đó. Hỏi: “Dạo này anh làm gì anh Hùng ơi?!”, anh vẫn cười tươi: “Anh ngồi rờ đầu gối viết văn”. Thì ra anh vẫn viết, còn biết làm gì hơn là viết? Nhưng tại sao là “rờ đầu gối”, câu này anh hay nói, mà đến giờ tôi vẫn chưa giải mã được. Tôi cũng chưa có dịp để hỏi cặn kẽ về chuyện đời anh. Nghe nói hồi nhỏ tên anh là “thằng Xo”, không biết nguyên quán là đâu, nhưng bị bỏ rơi ở Buôn Ma Thuột nên coi đó là quê nhà. Rồi “thằng Xo” trôi dạt về Sài Gòn, được cưu mang và khai sinh lại bằng cái tên Võ Phi Hùng (Võ Phi là tên người cha nuôi)...

Những chuyện đó bao nhiêu là thực? Giờ thì tôi không còn cơ hội để hỏi anh nữa. Nhưng những chuyện đó có quan trọng không? Chắc là không quan trọng gì lắm. Dù sao thì anh cũng đã sống một cuộc đời, dẫu buồn, đơn độc, nhưng lương thiện. Dù sao thì “Đời có tên tụi mình”và đời vẫn có tên anh!
Nhà văn Trần Nhã Thụy

Âm thầm nâng đỡ người viết trẻ

Nhà văn Võ Phi Hùng là người anh, người thầy đầu tiên đưa tôi vào con đường văn chương. Tôi trực tiếp gặp anh vào khoảng năm 1994, sau khi có khoảng vài truyện ngắn thuở ban đầu đăng trên tuần báo Văn nghệ TP.HCM. Lúc đó, anh Hùng phụ trách biên tập viên văn xuôi. Anh luôn dành tình cảm đặc biệt và âm thầm khuyến khích, nâng đỡ anh em viết trẻ, nhất là những anh em thăng trầm trong cuộc sống và không mượn văn chương làm thứ trang sức, hoặc thần thánh hóa chữ nghĩa.

Văn chương đối với anh vì chuyện cơm áo, tính sẻ chia thân phận, cảnh đời bất hạnh (như chính anh) chứ không vì chạy theo giải thưởng, vì danh, có chân trong hội nghề nghiệp, hoặc văn chương mang sứ mệnh gì đó cao cả. Anh phải cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa để viết đủ thứ từ thúc bách cơm áo của đời sống: báo, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim... nghiêm túc, chất lượng (trong số đó kịch bản phim Cầu thang tối do diễn viên Hồng Ánh thủ vai chính tạo tiếng vang lớn trong dư luận), cho đến những chuyện vụ án, diễm tình “trời ơi đất hỡi” cho các đầu nậu sách.

Tiến Đạt (nhà văn)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm