"Quý bà" đi tìm "A Mỵ" (Kỳ 2 & hết)

07/10/2011 13:09 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Trong cuộc trò chuyện với ông Đinh Tôn, người được cho là nguyên mẫu nhân vật A Châu trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, nữ ký giả xinh đẹp Hoàng Hường được ông Tôn cho biết vợ chồng ông Lầu A Phử và bà A Mỷ - cặp vợ chồng nguyên mẫu trong truyện Vợ chồng A Phủ, vẫn còn sống, hiện ở bản Lung Tang, cũng thuộc Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La).

Để tới được Lung Tang, ký giả Hoàng Hường, từng là ứng viên ấn tượng trong cuộc thi “Hoa hậu Quý bà”, phải thuê xe ôm kiêm phiên dịch, mua xăng dự trữ, đi qua một con sông, băng qua hơn... 10 trái núi với những cung đường đôi khi phải gập mình xuống như một con sâu đo và bò bằng “tứ chi”...

Tài sản lớn nhất của A Mỵ là cái cối đá

"Quý bà" Hoàng Hường

Mặc dù “cán bộ A Châu” khẳng định “chắc như đinh đóng cột” rằng vợ chồng A Phủ vẫn còn sống hoặc chí ít còn để lại hậu duệ nhưng Hoàng Hường vẫn tỏ ra hoài nghi, vì lâu nay, nhiều người vẫn đồn vợ chồng A Phủ đã mất.

Sau khi vượt qua những cung đường lầy lội với một bên là núi cao, một bên là vực sâu “bồng bềnh mây trắng”, Hoàng Hường đã đến được Lung Tang và bắt đầu cuộc tìm kiếm vợ chồng A Phủ với sự hỗ trợ của của người thông dịch viên kiêm xe ôm mà chị đã thuê được ngoài thị trấn huyện. Gần hết chiều, “quý bà” Hoàng Hường may mắn gặp được “quý tử” của vợ chồng A Phủ tên là Lầu A Lia.

Hoàng Hường kể: “Sau một hồi trò chuyện, Lầu A Lia bảo hai người chị tìm là bố mẹ tôi. Nghe vậy tôi mừng khôn tả, nhưng khi tôi hỏi: Bố anh còn sống không? Anh nói với tôi: Bố tôi chết rồi. Chết từ ngày con gái đầu của tôi nó thấp bằng con dao. Bây giờ con cháu nó lấy vợ, lấy chồng, đẻ con, đẻ cái hết rồi. Tôi hỏi thế cháu anh được mấy tuổi rồi thì Lầu A Lia cũng chỉ nói: Không biết mấy tuổi, chỉ biết là đẻ từ mùa rẫy trước. Bà thì còn sống, đang xay ngô trong nhà”.

Mừng quá, tôi chạy thẳng vào nhà. Đến cửa, đập vào mắt tôi là một cụ bà mà theo tôi là rất đẹp và phúc hậu. Nhìn cụ tôi đoán có khi cụ cũng phải xấp xỉ trăm tuổi. Cụ vẫn minh mẫn, tay trái cầm một bát sắt to như chiếc mũ bảo hiểm đụng đầy hạt ngô, tay phải đang bón ngô vào trong lòng cối cho đứa cháu xay mèn mén. Nhà cụ rất nghèo và thiếu thốn đủ thứ. Thậm chí, tôi nghĩ cái cối đá chính là tài sản lớn nhất, có giá trị nhất đối với gia đình cụ. Không có cái cối đá ấy, hẳn gia đình cụ còn khổ hơn rất nhiều”.

Người được cho là nguyên mẫu A Mỵ làm “quý bà” Hoàng Hường hết sức xúc động ấy tên thật là Mùa Thị La. Cụ không nói được tiếng Kinh nên qua người thông dịch, Hoàng Hường chỉ biết “A Mỵ” xưa kia ở xã Háng Chú (Bắc Yên) rồi đi sang Háng Dia, nhưng ở đó có nhiều dịch bệnh, ốm đau nên sau giải phóng thì chuyển về ở Tà Sùa. Cụ và Lầu A Phử (trong truyện tên là A Phủ - PV) từng ở nhà ông thống lý Mùa Chống Lầu. Giữa cụ và A Phử là chỗ thân quen, gặp nhau vào dịp chơi tết. Sau này “hai cái bụng ưng nhau” nên A Phử rủ anh em đến đón cụ về làm dâu, từ đó thành vợ, thành chồng! Có với nhau được cả thảy 6 người con, lo gia thất được cho 4 người thì đổ bệnh nhưng không rõ là bệnh gì mà chỉ biết “đau cái bụng”. Sau một thời gian thì ông khuất núi!...”

Cụ Mùa Thị La, tên thường gọi là A Mỷ (tức A Mỵ) ở bản Lung Tang

Tìm được nhân vật có cuộc đời nô lệ còn hơn cả Mỵ

Câu chuyện mà cụ A Mỵ kể lại chừng như đơn giản hơn so với những gì mà Mỵ trong Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài mà nhiều người đã biết. Nhưng cũng thật tình cờ, trong chuyến đi tìm vợ chồng A Phủ, Hoàng Hường còn vô tình “chộp” được một nhân vật không phải bước ra từ văn học nhưng có chặng đời lại thật như nhân vật A Mỵ đến nỗi khó tin, ở xã Chiềng Công, huyện Mường La, cách xa Hồng Ngài cả trăm km.

Nhân vật này nguyên là nữ thẩm phán người dân tộc Mông đầu tiên của tỉnh Sơn La. Theo đó, năm 12 tuổi, bà Lý bị bán về làm dâu nhà tào phán (thống lý = chủ tịch xã; tào phán = trưởng thôn) Mùa A Mang, làm vợ con trai tào phán là Mùa Súa Tình khi đó cũng 12 tuổi. Những năm bà Lý làm nô lệ, bà không có quyền ăn, không có quyền nói. Nhà chồng ăn thì bà phải vào buồng. Đến lúc bà ăn thì chỉ ăn bí đỏ nấu không bỏ hạt với canh rau chua trộn cơm ngô sền sệt như ăn cám lợn. Không chỉ liên tục phải ngồi trong buồng “nhìn qua cái lỗ vuông vuông bằng bàn tay” mà bà Lý còn liên tục bị chồng cho ăn no đòn. Đánh, đánh thừa sống thiếu chết. Đánh mà không vì cái tội gì cả. Đặc biệt, cú phi cả một cây củi vào mạng sườn của ông chồng “trẻ con” đến giờ mỗi khi trái gió, trở trời lại khiến bà Lý mếu máo vì đau. Thậm chí, mỗi khi nhớ lại những trận đòn thù của “người xưa”, bà không ngần ngại “chửi vọng”: “Thằng chó chết, mày ác. Mày chết đã hơn 40 năm rồi, xương mày đã bị mối ăn hết rồi mà chỗ mày đánh tao vẫn còn đau”.

Bà Lý làm vợ, hay nói cho đúng hơn là làm nô lệ cho cái gia đình “chó chết” đó được 8 năm. Đến năm 1955, thành lập Khu Tự trị Thái Mèo, bà mới được giải phóng khỏi cuộc đời nô lệ, được cho đi học và trở thành “bà thẩm phán”.


Hang A Phủ - Ảnh: Internet

“Vợ chồng A Phủ” đã trở thành “di sản” 

Bây giờ, những thống lý không còn nữa, những dinh thự gắn với những cơn ác mộng của những người nô lệ đã thành quá khứ, nhưng tập tục cổ xưa của người Mông như bắt vợ gán nợ như Mỵ trong Vợ chồng A Phủ thì vẫn còn, nhưng trên tinh thần thỏa thuận đàng hoàng và sòng phẳng chứ không “cướp giật” theo nghĩa đen.

Hoàng Hường cho biết: “Ông chủ tịch xã nói với tôi; hiện nay, tập tục ấy vẫn giữ, nhưng giữa đôi bên “thông gia” hoặc đôi nam nữ đã “nháy” nhau trước rồi chứ không “cưỡng chế” như xưa nữa. Điều đó chứng tỏ nhận thức đã làm cho người Mông ở nơi đây tiến bộ hơn rất nhiều! Có chăng, cái tồn tại lâu nhất vẫn chưa xóa được ấy là cái nghèo, cái khổ, cái khó của bà con vẫn còn đeo đẳng lấy họ mà thôi”

Theo “quý bà” Hoàng Hường cho biết thì hiện nay, những vùng đất của “thống lý Pá Tra” xưa vẫn ngút ngàn và màu mỡ. Cách trung tâm thị trấn Bắc Yên khoảng 8km, hang A Phủ (xã Hồng Ngài, Bắc Yên, Sơn La) vẫn còn “hoang sơ như thời tiền sử”. Hang này được cho là nơi trú ẩn của A Phủ và Mỵ sau khi cùng nhau chạy trốn khỏi nhà thống lý và sau này cũng là nhà trú ẩn của bộ đội trong khi hành quân để tăng cường cho chiến dịch Tây Bắc 1952. Nếu cái hang này trở thành một “vệ tinh” trong bản đồ, xin tạm gọi “theo dấu chân A Phủ” thì đó sẽ là một trong những chặng dừng chân ý nghĩa khi đến với miền đất và những con người như bước ra từ văn học...

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm