Thần đồng thơ nói về “Thần đồng tiểu thuyết”…

03/10/2011 13:52 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - “Ngày trước, mình làm thơ nhưng suy nghĩ còn đơn giản, có bài vẫn nguyên lối nghĩ trẻ con. Còn Bình thì không có chút tư duy trẻ con nào... Tôi thấy Bình thật sự là một tài năng đặc biệt. Một “Thần đồng” theo đúng nghĩa đấy” - nhà thơ Trần Đăng Khoa sau nhiều lần hò hẹn đã chịu chia sẻ về cậu bé viết văn mà ông biết.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa biết cậu bé Nguyễn Bình từ nhỏ, vì ông chơi thân với bố cậu bé. Lặng lẽ dõi theo và trò chuyện với Bình mỗi lần đến chơi nhà, nhưng ông cũng thật sự bất ngờ khi cầm trên tay bản thảo dày dặn tiểu thuyết của Bình. Vốn tính cẩn trọng, phải nhiều lần hò hẹn ông mới chịu chia sẻ về cậu bé viết văn mà ông biết. Rồi khi vào chuyện, ông lại không giấu được cảm xúc ngạc nhiên và thán phục với một “Thần đồng”, như cách người ta vẫn thường gọi ông, từ hồi còn là cậu bé làm thơ với Góc sân và khoảng trời nức tiếng...

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng Nguyễn Bình là một tài năng đặc biệt

* Anh biết Nguyễn Bình từ khi nào và cảm giác của anh khi đọc bản thảo cuốn sách này?

- Tôi biết Bình từ khi cậu bé mới sinh. Bình kém con gái đầu lòng của tôi một ngày tuổi. Bố Bình với tôi lại là bạn thân. Chuyện cậu bé này ra đời, còn nhiều điều tôi chưa thể nói được. Nhưng dần dà rồi sẽ nói. Khi mới lên bốn tuổi, Bình đã tự học chữ Hán. Thầy dạy cậu là cái máy vi tính của bố. Khi ngồi uống trà với tôi bên quán nước vỉa hè, bố cậu nhận được tin nhắn của con trai. Cả tôi và anh bạn tôi đều kinh ngạc về hành văn của cậu bé. Tôi bảo bạn: “Con ông là một đứa trẻ đặc biệt. Ông cũng nên quan tâm đến việc dạy cháu”. Tôi vẫn biết Bình là cậu bé đặc biệt, nhưng đến khi cầm cuốn bản thảo tập tiểu thuyết đầu tay của cậu, do chính cậu tự trình bày, mi trang, tôi vẫn thấy kinh ngạc.

Tôi không thể cắt nghĩa được hiện tượng này, nói chung rất kỳ lạ. Tôi có cảm giác như bản thảo được viết bởi một nhà văn nước ngoài với lối tư duy của người nước ngoài. Điều ấy cũng hợp lý. Vì nhân vật là người nước ngoài. Câu chuyện cũng xảy ra ở nước ngoài. Nó như cuốn sách dịch. Có thể đặt lẫn vào hàng ngũ tác phẩm của các nhà văn ngoại quốc. Không ai nghĩ đây là tập tiểu thuyết đầu tay của một cháu bé đang còn học tiểu học. Nhìn ở góc độ thể loại, đây là một dạng tiểu thuyết giả tưởng, văn hiện đại (kiểu văn điện tín), tư duy mạch lạc. Các nhân vật thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về đời sống hiện đại và cả sự từng trải.

Bình đã không phản ánh hiện thực mà sáng tạo ra một hiện thực mới trong thế giới của riêng mình với các nhân vật và bối cảnh như một tác phẩm cần phải có. Bối cảnh và xã hội đó chỉ có trong trí tưởng tượng của người viết nhưng lại rất chân thật và sống động. Đặc biệt, những thông tin truyền tải trong đó cực kỳ chân xác...

Tôi cứ nghĩ, 10 tuổi là bằng tuổi con gái mình mà biết Philadelphia ở nơi nào và các vùng văn hóa trên thế giới từ cổ chí kim ra sao thì thật lạ kỳ... Với những trang viết đó, có thể coi Nguyễn Bình như một... quái kiệt, nếu như không nói đó là một trường hợp đặc biệt và không thể lý giải nổi...

* Những thông tin người viết đưa vào sách và nền tảng kiến thức như anh nói, đều có thể tích lũy được từ việc đọc nhiều và... chăm chỉ vào Google chứ?

- Chỉ kiến thức sách vở không thôi thì không đủ đâu. Người 20 tuổi đọc nhiều, biết nhiều vẫn khó có thể viết được như thế. Những câu chuyện liên quan đến đĩa bay, chiến hạm hay âm nhạc cổ điển... đòi hỏi người viết phải có kiến thức rất sâu rộng. Nếu không hiểu sâu sắc và đầy đủ sẽ không cắt nghĩa nổi các hiện tượng như vốn xảy ra, chưa nói đến việc đưa vào sách để chuyển tải thành suy nghĩ và hành động của các nhân vật nhuần nhuyễn đến vậy. Tôi đã cẩn trọng bỏ ra mấy ngày để thẩm tra, bằng cách lọc tư liệu, vào Google xem cu cậu có cóp nhặt ở đâu không? Rồi kiểm tra lại các địa danh trên thế giới mà cuốn sách đề cập. Nếu như tôi không nhầm, thì đây hoàn toàn là sự sáng tạo của cháu bé.

* Anh có nhận ra sự hồn nhiên, ngây thơ trong sách của Bình, giống như những trang viết của thiếu nhi bấy nay?

- Hầu như không. Chẳng có gì là trẻ con cả. Dấu hiệu trẻ con duy nhất chỉ có ở việc cu cậu liệt kê tiểu sử các nhân vật, rất trẻ con, thêm nữa, nhân vật của truyện đều rất bé, cùng sinh năm 2005. Câu chuyện giả tưởng xảy ra năm 2015, tức là khi nhân vật 10 tuổi, bình thường thì sẽ nghĩ rằng nhân vật không thể suy nghĩ và hành động như nhân vật Bình viết được. Nhưng có thể nhà văn nhí nghĩ rằng, ở tuổi đó là có thể làm được tất cả những điều kỳ diệu... Bình 10 tuổi mà tạo ra được một thế giới nhân vật như vậy thì 10 tuổi đi khám phá thế giới có gì lạ. Ngày trước, mình làm thơ nhưng suy nghĩ còn đơn giản, có bài vẫn nguyên lối nghĩ trẻ con. Còn Bình thì không có chút tư duy trẻ con nào. Thật là một hiện tượng!

* Vậy theo anh, chúng ta nên cư xử như thế nào với một hiện tượng văn chương như Nguyễn Bình?

- Ngày trước, thời của tôi, mọi việc đơn giản hơn nhiều. Tôi không biết mình là người nổi tiếng, chỉ thấy có nhiều người đến chơi và hỏi chuyện rồi sát hạch. Thời đại bùng nổ thông tin bây giờ thì nổi tiếng kèm theo nhiều hệ lụy khó lường. Đôi khi, điều đó dễ tạo ảo tưởng cho người ta lắm.

Với trẻ con lại càng bất lợi. Vậy nên cứ để mọi việc diễn ra bình thường, không nên làm ầm ĩ quá. Điều quan trọng nhất bây giờ là tìm được người giỏi kèm cặp, động viên và môi trường phù hợp để cháu phát triển tự nhiên và đi đúng hướng. Mà nói thật, cũng chẳng ai dạy được cậu ấy đâu. Bởi chính cu cậu cũng đã tìm ra được ông thầy của mình. Ông thầy ấy chính là “con ma xó” vi tính và một biển kiến thức khổng lồ trên Internet đã có sẵn ngay trong xó nhà cậu.

* Chỉ với một bản thảo, liệu đã có thể coi Bình là một tài năng văn chương?

- Tôi thấy Bình thật sự là một tài năng đặc biệt. Một “Thần đồng” theo đúng nghĩa đấy. Tôi cũng chưa thể nói gì thêm về cuốn tiểu thuyết này. Vì đây mới là tập đầu tiên, mà Bình còn dự kiến viết tám tập nữa. Con đường Bình đang đặt bước chân đầu tiên là một con đường bão táp. Tôi chỉ xin chúc cháu vẫn cứ hồn nhiên như một đứa trẻ. Chính sự hồn nhiên ấy sẽ cho cháu những phép nhiệm màu...

* Xin cảm ơn nhà thơ!

Tùng Sơn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm