30/09/2011 10:53 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Những nhà văn trưởng thành sau năm 1975 gọi ông là anh Ba, sinh sau đẻ muộn như chúng tôi gọi ông là chú Ba. Anh Ba, chú Ba là cách gọi thân mật dành cho nhà thơ Chim Trắng. Ông có gương mặt rất nghiêm, ánh nhìn sắc lẹm và trực tính, khiến người ngại giao tiếp thì bảo ông khó gần, còn người gần gũi với ông rồi thì bảo ông dễ mến, hóm và chân tình. Nhưng kể từ nay, chú Ba - nhà thơ Chim Trắng đã vĩnh viễn rời xa những bạn văn và người yêu thơ vì bệnh ung thư gan.
Đồng nghiệp hiện đang làm quan chức văn nghệ tại TP.HCM cũng có mặt ngay trong ngày 29/9 để viếng anh Ba: Nguyễn Chí Hiếu - Tổng Biên tập báo Văn nghệTP.HCM, Lê Quang Trang - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM... Nhưng cảm động nhất là trường hợp nhà văn Lê Văn Thảo, dù đang đau yếu, mới sáng sớm đã từ TP.HCM đến Bình Dương viếng anh Ba - Chim Trắng khi vừa hay tin ông qua đời. Ai cũng bùi ngùi thương tiếc nhà thơ Chim Trắng và nhiều kỷ niệm về ông được ôn lại trong nước mắt.
Đàn anh của một thế hệ cầm bút
Hôm qua, 29/9, nhiều nhà văn thế hệ đàn em đã đến nhà riêng của chú Ba - Chim Trắng ở Bình Dương để viếng ông: Lê Thị Kim, Phan Ngọc Thường Đoan, Thu Nguyệt, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Trần Hữu Dũng, Ý Nhi, Lê Thiếu Nhơn... Những ai thân với chú Ba sẽ thấy, các đồng nghiệp nữ lại càng yêu quý ông nhiều hơn. Chắc có lẽ chú Ba đẹp người, đã từng đóng phim Thám tử tư và rất ga-lăng chị em?!
Nhà thơ Lê Thị Kim đã khóc nức nở khi hay tin anh Ba - Chim Trắng qua đời. Lê Thị Kim nghẹn ngào chia sẻ: “Anh Ba, một người anh lớn trong thế hệ chúng tôi, luôn luôn yêu quý, dìu dắt, chở che chúng tôi. Anh Ba cùng báo Văn Nghệ TP.HCM tạo thành cái nôi, bệ đỡ cho thế hệ trẻ chúng tôi, thế hệ của một thời trưởng thành sau năm 1975 non dại. Cùng anh, chúng tôi đã vững bước trên con đường văn thơ của mình. Bây giờ đau đớn thay anh đã ra đi! Không chỉ tôi mà các bạn văn thơ trẻ anh đã từng yêu mến anh: Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Thanh Nguyên, Lưu Thị Lương, Nguyễn Thái Dương, Trần Hữu Dũng, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Trọng Chức, Lê Tú Lệ, Tôn Nữ Thu Thủy, Lý Lan... đều sững sờ, đau đớn khi hay tin anh đã ra đi”.
Tin nhà thơ Chim Trắng qua đời không chỉ làm xúc động các nhà văn ở TP.HCM mà còn khiến các nhà văn ở đồng bằng sông Cửu Long nhấp nhổm đứng ngồi. Nhiều nhà văn ở đồng bằng cứ mong lễ tang chú Ba tổ chức ở tỉnh Bến Tre quê hương ông để đi viếng cho gần.
Một người trực tính yêu thích tự do
Nhà thơ Chim Trắng qua đời lúc 19h15 ngày 28/9 tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ ngày 29/9 tại nhà riêng (Biệt thự 17 đường 18, P.Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Lễ động quan lúc 10h ngày 1/10, sau đó hỏa táng tại nghĩa trang Chánh Phú Hòa, Bến Cát, Bình Dương.
Nhiều người quen biết nhà thơ Chim Trắng đều nhận định ông là người trực tính và đôi lúc nghĩ ông còn là người “lập dị”. Vì tuy có gia đình nhưng ông vẫn thích ở một mình và không muốn làm phiền ai.
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan kể hồi anh Ba còn làm Tổng Biên tập báo Văn nghệ TP.HCM, có một tuần liền không thấy ông đến cơ quan làm việc. Sau này mới biết nhà thơ Chim Trắng bệnh nằm liệt giường suốt một tuần nhưng không thông báo cho bất cứ ai vì ông không muốn làm phiền người khác.
Nhà thơ Trần Hữu Dũng kể: “Cách đây một tháng, tôi biết anh Ba đang nằm bệnh viện nhưng ông giấu không cho ai biết. Nhân dịp tôi mới in tập thơ nên mượn cớ điện thoại mời ông đi ăn sáng để tặng sách nhằm thăm hỏi sức khỏe ông ra sao. Vậy nhưng anh Ba nói ông đang ở Bình Phước nên tôi không gặp được, vì nếu cố tình tìm gặp thì thế nào cũng bị ông rầy một trận. Anh Ba là vậy, khi bệnh tật hoặc có chuyện buồn là ông né hết mọi người”.
Chị Như - cô con dâu rất được nhà thơ Chim Trắng quý kể lại về những phút cuối cùng trên giường bệnh của ông: “Cha phát hiện ung thư gan khoảng 3 tháng trước khi mất. Hôm cuối cùng đưa ông vào bệnh viện, ông còn rất tỉnh táo thế nhưng chỉ một giờ sau là hôn mê. Trước khi ông hôn mê, bác sĩ dùng dây cột ông để chích thuốc do ông bị cơn đau hành. Nhưng ông đã không cho cột dây và nói: Tôi là người tự do, người tự do thì không thể bị trói. Nói rồi ông lịm đi”.
Chú Ba - Chim Trắng dường như đã lo toan hết cho hậu sự của mình. Nhà thơ Lâm Xuân Thi kể: “Lần gặp mới đây chú Ba nói ông sống khoảng vài tháng nữa là cùng”. Trong khoảng thời gian đó, ông đã dặn dò gia đình hình thức tổ chức lễ tang ông. Ông muốn lễ tang diễn ra tại nhà riêng ở Bình Dương chứ không tổ chức ở Nhà tang lễ TP.HCM, vì ở nhà riêng tuy xa, nhưng ai có yêu quý ông thì sẽ đến viếng. Ông cũng chuẩn bị sẵn một tiểu sành nhỏ xíu để sau khi hỏa táng ông bỏ một phần tro cốt vào, phần còn lại đem thả xuống biển. Chú Ba cũng dặn gia đình không nhận phúng điếu và không đọc điếu văn gì hết.
Từ trái qua: Nhà thơ Chim Trắng, Lê Thị Kim, chị Kusugeong - người dịch thơ Chim Trắng sang tiếng Hàn Quốc và nhà báo Thúy Nga trong buổi ra mắt tập thơ "Cỏ khóc dưới chân tôi" năm 2008 |
“Khi cần khóc xin thơ cứ khóc”
Nhà thơ Chim Trắng sinh năm 1938, quê ở huyện Châu Thành, Bến Tre. Giấy khai sinh mang họ Hồ và tên là Văn Ba. Còn bút danh Chim Trắng được ông lý giải là “loài chim biểu tượng hòa bình”. Ông tham gia cách mạng năm 1955, vào Đảng năm 1964, đoạt giải A duy nhất của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1981 với tập thơ Những ngả đường. Tác phẩm đầu tay Có đâu như ở miền Nam (1966), Chim Trắng in chung với Lê Anh Xuân, Viễn Phương. Tập thơ mới nhất Cỏ khóc dưới chân tôi in cuối năm 2008, đến nay nhà thơ Chim Trắng đã có hơn 10 tập thơ đã xuất bản.
Năm 2007 ông về hưu khi đang làm Tổng Biên tập báo Văn nghệ TP.HCM.
Năm 2011 này, nhà thơ Chim Trắng được đề cử giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Sinh thời, Chim Trắng quan niệm về thơ: “Tôi thuộc thế hệ các nhà thơ kháng chiến chống Mỹ. Tôi không thích làm một cuộc so sánh thơ thời ấy với thơ bây giờ. Và nếu như tôi (thơ) có đối lập, cũng không sao, miễn thơ tôi động được lòng người đọc đương đại. Loài người đã và đang chịu đựng bao đau khổ với bao hiểm họa, tiếng cười ít hơn tiếng khóc. Thơ thường xuyên phải là nước mắt (đôi khi phải được giấu đi). Vô duyên là câu thơ cứ mãi tươi cười. Khi cần khóc xin thơ cứ khóc”.
Trần Hoàng Nhân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất