26/09/2011 10:13 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Mới đây, trên các nhà sách xuất hiện tiểu thuyết dã sử Mặt nạ thâm cung (NXB Thanh niên) với tên tác giả rất lạ Trần Hoàng Trúc. Hỏi ra mới biết, đây là tác phẩm đầu tay của cô gái sinh năm 1978.
Có những nhà văn càng viết càng hay, cũng có những ngòi bút lại thành danh ngay từ tác phẩm đầu tay mà trường hợp nhà văn Bảo Ninh với tiểu thuyết đầu tay Nỗi buồn chiến tranh là một ví dụ. Nhưng trước khi sáng tác tiểu thuyết, nhà văn Bảo Ninh đã “thử sức” ở thể loại “nhẹ sức” hơn: truyện ngắn.
Trần Hoàng Trúc mới ra mắt làng văn đã “chơi” ngay tiểu thuyết, lại là tiểu thuyết dã sử. Nhiều người cho rằng tác giả này khá “bạo gan”, bởi viết tiểu thuyết giống cuộc chạy ma-ra-tông nên không phải ai cũng đủ sức để “thi tài”.
Mặt nạ thâm cung dày hơn 350 trang in khổ 14,5x20,5cm được tác giả viết theo kiểu chương hồi. Chưa bàn đến nội dung, chỉ cần nhìn vào số chữ của một tác phẩm đầu tay, đã thấy sức viết của cô gái sinh năm 1978 này đang rất “sung”.
Theo nhiều nhà văn, rằng cứ viết đi sau đó hãy bàn đến chất lượng tác phẩm. Vì nếu cứ quẩn quanh nghĩ đến chuyện chất lượng mà không viết, thì không biết đến bao giờ có tác phẩm chứ đừng nói chuyện tác phẩm chất lượng. Hiểu theo ý này thì Trần Hoàng Trúc tuy mới xuất bản tiểu thuyết đầu tay, nhưng cô đã trang bị cho mình thái độ viết chuyên nghiệp: “Cứ viết những gì mình thích, còn hay hay không tùy người đọc quyết định”.
Khác với nhiều tác giả thế hệ 7X khác, Trần Hoàng Trúc không chọn đề tài hiện đại gần gũi với những gì chị đang sống. Mặt nạ thâm cung là tiểu thuyết dã sử, với lối kể chuyện lôi cuốn, cùng một cái kết giàu tính nhân văn. Tác giả đã đưa người đọc vào một không gian sinh động và đầy bí ẩn của một vương triều phương Đông.
Trong chốn cung đình, ẩn sau vẻ yên bình, hào nhoáng là bao thủ đoạn, tham vọng ngấm ngầm sôi sục. Cuộc đua đến ngai vàng giữa ba vị hoàng tử mang theo nhiều bí mật tăm tối. Và trên đường đi của tham vọng, tình yêu trở thành vật hy sinh. Bao trò giả trá được ngụy trang bằng những chiếc mặt nạ đạo đức, uy quyền trong chốn cung đình khiến những con người không còn là người nữa.
Mặc dù chia tiểu thuyết theo kiểu chương hồi, nhưng Mặt nạ thâm cung lại rất hiện đại khi tác giả bố cục từng phần truyện ngắn gọn và “chuyển cảnh” liên tục như một cuốn phim. Chính vì cách viết giàu chất điện ảnh này, Mặt nạ thâm cung khiến người đọc không thấy ngán bởi những dòng văn dài lê thê.
Với tiểu thuyết đầu tay Mặt nạ thâm cung, hy vọng làng văn có thêm một tác giả mới “trường lực” trong số các tác giả quen thuộc hiện nay. Bởi làng văn đã từng xuất hiện hai “ông lão - nhà văn trẻ” như Ngô Phan Lưu và Mạc Can viết rất khỏe, thì không có lý gì lại không hy vọng vào một nhà văn trẻ thực sự như Trần Hoàng Trúc.
Sinh tại Huế, Trần Hoàng Trúc tốt nghiệp ĐH Marketing TP.HCM nhưng cô lại thích sáng tác nhạc, làm thơ và đặc biệt mê truyện lịch sử. Có lẽ vì không khí của cố đô Huế cổ kính luôn chảy trong người, nên chị đã viết tiểu thuyết dã sử đầu tay Mặt nạ thâm cung?
Thanh Kiều
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất