Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trở thành… nhà thơ trẻ

12/07/2011 12:51 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Ở ta có diễn viên xiếc - hài - ảo thuật Mạc Can (sinh năm 1945) đến gần cuối đời bỗng dưng trở thành “nhà văn trẻ”. Mới đây, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1955) cũng bỗng dưng trở thành “nhà thơ trẻ” khi ra mắt tập thơ đầu tiên: Dã quỳ tím…

“Nhà thơ trẻ” Huỳnh Dũng Nhân

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mới in tập thơ mang tên Dã quỳ tím (NXB Trẻ) khi đang ở tuổi 56. Ông tặng thơ và nói vui với bạn bè: “Tôi xin tặng thơ của nhà thơ trẻ Huỳnh Dũng Nhân”. Sở dĩ ông nói mình là “nhà thơ trẻ” vì nhiều người biết đến Huỳnh Dũng Nhân như một nhà báo kỳ cựu. Ông hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM kiêm Tổng Biên tập tạp chí Nghề báo và là giảng viên thính giảng môn Phóng sự ở khoa Báo chí và Truyền thông - ĐH KHXH&NV, TP.HCM. 

Đến nay, Huỳnh Dũng Nhân đã trình làng khoảng 15 đầu sách văn học, phóng sự, tản văn, giáo trình nghiệp vụ môn phóng sự và nhận khoảng 20 giải thưởng văn học, báo chí. Nhưng in một tập thơ như Dã quỳ tím là việc đầu tiên trong đời của “nhà thơ trẻ” 56 tuổi này.

Huỳnh Dũng Nhân “tự thú” về việc “in thơ”: “Có người khi đọc thơ tôi, bảo là thơ tôi hiền lành, đèm đẹp. Có người khi đọc thơ tôi bảo: Không biết tôi làm thơ tự lúc nào. Có người lại nói tôi làm báo, viết phóng sự, viết văn, đi dạy... thì ai cũng biết, nhưng làm thơ thì mới thấy, còn lạ lắm. Lại có người la ầm lên hoặc cười đầy bí hiểm: Ông mà cũng làm thơ à? Vì những lẽ đó mà tôi muốn in tập thơ này”.

Còn đây là “tự thú” về việc “mần thơ”: “Tôi chả biết nói thế nào về thơ tôi cả. Chỉ biết là khi không viết được văn, không viết được báo, không vẽ được, không hát múa được, không la lên với thiên hạ rằng tôi yêu, tôi buồn, tôi nhớ, tôi thương... được, thì tôi muốn làm thơ. Thế thôi. Như một chút riêng tư. Như một chút gì để tặng mọi người. Kỷ niệm một lần được sống trên đời”. Nói thì nói thế, nhưng thơ Huỳnh Dũng Nhân qua góc nhìn của nghề báo vẫn đầy tính thời sự. Ngày 8/6/1979, Huỳnh Dũng Nhân viết về Con đường Thi Sách nằm gần sông Sài Gòn (Q.1, TP.HCM) nơi ông ở: ... Bộ đội Hải quân đi qua/AK nối dài hàng một/Tiếng còi tàu chào dõng dạc/Tất cả phố tôi đều nghe... Tiền tuyến nay thành hậu phương/Vẫn tự coi là tiền tuyến/Tiếng súng diệt quân bành trướng/Tất cả phố tôi đều nghe... Bài thơ Gửi Hà Nội ngàn năm của tôi viết năm 2010 là bài dài nhất với nhiều nỗi niềm nhất trong Dã quỳ tím: Thế là tôi cũng có lúc lang thang vào cái ngày Hà Nội ngàn năm tuổi/Không nắng không mưa không kỷ niệm đong đầy/Tôi chỉ có tôi những ngày ngơ ngác cũ/Cứ thương mình sao đơn chiếc nơi đây.../Thương miền Trung mùa này trắng xóa dưới cánh bay/Lật đò, trôi xe, tắc đường, mất tích/Em gái miền Trung vẫn vọng nhìn Thủ đô với yêu thương tha thiết/Hà Nội mùa này đẹp lắm phải không?

Bìa tập Dã quỳ tím

Với sinh viên khoa Báo chí, Huỳnh Dũng Nhân là một “ông thầy” nghệ sĩ và giỏi nghề. Với nghề báo, Huỳnh Dũng Nhân đã chứng minh năng lực qua hàng chục năm cầm bút. Còn với thơ, “nhà thơ trẻ” Huỳnh Dũng Nhân có... biết làm thơ không? Câu hỏi này xin dành cho bạn đọc.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm