“Nước thơ” cũng khủng hoảng thơ

24/05/2011 07:07 GMT+7 | Đọc - Xem

Thơ đang sống kiểu gì

Khoảng một thập niên qua, trên thế giới và tại Việt Nam, thơ đang “sống” (sáng tác, phát hành…) như thế nào là một câu hỏi thật khó trả lời rốt ráo. Nhưng có thể nhìn thấy một điểm chung: đang sa sút.

Tại Việt Nam, có hơn 1.000 nhà thơ là hội viên từ trung ương đến địa phương, trong đó Hội Nhà văn Việt Nam có khoảng 300 nhà thơ. Đó là chưa nói những nhà thơ không là hội viên, càng đông hơn gấp bội. Thế nhưng, làm sao để kìm hãm sự khủng hoảng của thơ và xốc lại vị thế của nhà thơ trong xã hội hiện nay là một vấn đề nan giải.

Chuyên đề này đề cập vài nét đến đời sống của thơ/nhà thơ tại Việt Nam, Mỹ và Pháp.

Tổ chức chuyên đề: VĂN BẢY


(TT&VH Cuối tuần) - Việt Nam lâu nay, dù không chính thức, vẫn được xem là “nước thơ”, vì gần như ai cũng có khả năng đọc một câu thơ để bày tỏ quan điểm, tình cảm, cách nhìn... của mình. Hơn nữa, với khoảng 24 triệu học sinh các cấp và gần 1/3 dân số đang đi học (theo thống kê năm 2010), phải học văn, thuộc thơ là chuyện đương nhiên. Nền tảng là như vậy, nhưng thử nhìn lại đời sống của nhà thơ và tác phẩm thơ hiện nay, có vẻ như đang khủng hoảng trầm trọng.

Thừa thơ, thiếu người đọc

Trong vai trò Phó chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, Inrasara thẳng thắn rằng trong khoảng 300 nhà thơ là hội viên, “tôi chỉ đọc được 15 người. Khoảng 15 người nữa tôi có đọc nhưng đã… quên. 270 nhà khác, tôi hoàn toàn chưa đọc. Vì không có cơ hội đọc”.

Không phải ngẫu nhiên, mà 15 năm qua, kể từ khi nữ sĩ Wislawa Szymborska (Ba Lan) thắng giải Nobel năm 1996 về thơ, dù đề cử năm nào cũng khá nhiều nhà thơ, nhưng Nobel vẫn cứ làm lơ với thơ. Năm 2005, giải từng trở lại với Harold Pinter, nhưng ở địa hạt kịch nghệ, trong diễn văn, họ tuyên dương các vở kịch, không đề cập đến các bài thơ của văn sĩ này.

Rất đông người tới hội thơ nhưng mua thơ thì… không !
(Ảnh tư liệu tại Hội thơ Ngàn năm Thăng Long)

Ngay sau giải Nobel, trong khi các nhà văn (chủ yếu là tiểu thuyết) sẽ được dịch ồ ạt ra các thứ tiếng, tiền bản quyền mà tác giả thu về là rất nhiều; thì với các nhà thơ, việc dịch diễn ra chậm chạp, nhỏ lẻ, vì thơ khó dịch một chuyện, vì khó tìm độc giả lại là chuyện khác, thực tế hơn.

Năm 2007 có hơn 1.000 tập thơ được cấp phép ở các nhà xuất bản tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có 3 tập thơ ra đời. Phần lớn thơ này là để tặng người quen và để bán giao hữu, vì “kênh” và “đất” dành cho việc phát hành thơ ngày càng thu hẹp. Đây được xem là một biểu hiện của khủng hoảng thừa.

Đầu tiên, sự khủng hoảng được nhìn thấy ngay từ các tờ báo Xuân (vốn hay in văn thơ), mấy năm gần đây, thơ cũng dần dần bị loại ra khỏi mục lục. Những nhật báo trước đây có chuyên mục dành cho thơ, bây giờ cũng dẹp luôn. Ngay cả đài phát thanh, truyền hình… thì cũng năm thì mười họa, vì rất khó tìm kiếm khán thính giả cho chương trình đọc thơ. Các báo, tạp chí văn học của các hội thì số lượng phát hành rất ít và ngày càng ít hơn, chủ yếu phát cho các hội viên và độc giả cũ, tìm độc giả mới rất khó.

Các nghiên cứu về thơ cho thấy, môi trường lý tưởng để ươm mầm, nuôi dưỡng thơ chính là sự rảnh rỗi về thời gian và các biến cố về tâm hồn.

Ngay cả các nhà thơ cũng ít khi nào mua thơ, nên cũng ít khi nào đọc thơ của người khác, nhất là những phong cách thơ khác mình. Khi đi các tiệm sách cũ, thấy rất nhiều quyển thơ được tặng (với tên người nhận là văn nghệ sĩ nổi tiếng) nằm ở đó, đủ hiểu phần nào tình hình đọc thơ hiện nay.

Đa phương tiện lèo lái

Các nghiên cứu về thơ cho thấy, môi trường lý tưởng để ươm mầm, nuôi dưỡng thơ chính là sự rảnh rỗi về thời gian và các biến cố về tâm hồn. Xã hội tiêu dùng thì có vẻ như đi ngược lại hai yếu tố đó, khi mọi nhu cầu bề nổi luôn được đáp ứng, các giá trị thực dụng thì “ru ngủ”, đúng hơn xô kéo, khiến tâm hồn đứng ra ngoài quỹ đạo và mối ưu tư của nó.

Kỷ nguyên mạng và tiện ích như website, các diễn đàn, blog, các trang xã hội, các liên kết, thậm chí điện thoại di động… đã làm cho các giá trị về sáng tạo và thưởng lãm thay đổi cực độ. Điều này dễ dàng được nhìn thấy thông qua việc một bài thơ “độc”, bài văn “lạ”, ca khúc “hiểm”, video “khủng”… sau khi được post lên mạng, các liên kết đã mau chóng được xác lập, có khi lên đến cả chục nghìn, thậm chí cả triệu page-view hưởng ứng. Thơ sống trong bối cảnh này, đương nhiên phải chịu những ảnh hưởng nhấn định; đương nhiên phải thay đổi cả phương cách sáng tác, xuất bản và phát hành, nếu không, sẽ lạc “rơ”.

Sự lạc lõng cũng dễ nhìn thấy ở cách ứng xử với việc công bố tác phẩm, trong khi nhiều tác giả bảo thủ thì ra sức bảo vệ cách xuất bản truyền thống (sách in), thì các tác giả trẻ lại chọn hướng trực tuyến, liên mạng. Nhìn lại dư luận thơ 5 năm qua, phần lớn các nhà thơ trẻ định hình tên tuổi của mình từ trực tuyến; sau khi cọ xát đủ đầy, họ chọn ra những bài ưng ý để in thành sách. Việc xuất bản vốn tốn kém, trong khi việc phát hành thì gần như vô vọng, các tác giả trẻ, vì ít quan hệ, chọn xuất bản online cũng là đúng thời cuộc.

Chính hấp lực của thời đa phương tiện, trong mấy năm qua, thơ Việt cũng đã cựa quậy bằng nhiều hình thức, từ trình diễn cho đến tự xuất bản. Mà trình diễn, đâu chỉ có nhà thơ trẻ, những thế hệ tiền bối như Dương Tường, hoặc thế hệ U70, U60… đều có tham gia sôi nổi. Việt Nam cũng đã lập nên Ngày thơ, với mong ước dành cho thơ một ngày riêng và hy vọng thơ lấy lại được phong độ của mình. Ngay cả các tác giả đã thành danh như Trần Dần, Hoàng Cầm, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Phan Thị Vàng Anh… thì các tuyển tập thơ được xuất bản trên giấy vẫn “ồn ào” trên mạng nhiều hơn.

Một vấn đề khác cũng cần đề cập, là dù còn được bao cấp một phần với các hội liên hiệp, với các quyền lợi cụ thể, nhưng vai trò và vị thế của các nhà thơ (đang là hội viên) cũng đã thay đổi rất nhiều. Ngày trước, khi trí thức còn được đồng nghĩa với thơ văn, thì vị trí nhà thơ trong xã hội còn được nể trọng. Ngày nay, khi có quá nhiều giới “sĩ” xuất hiện, tại các quan hệ cộng đồng, ca sĩ, nhạc sĩ (viết ca khúc), nghệ sĩ biểu diễn… đã lấn át vị thế của nhà thơ. Đến mức, việc xưng danh mình là nhà thơ đã không được chính những người làm thơ trẻ thường xuyên thể hiện.

Cho nên, thật khó để trả lời xác đáng câu hỏi: Vị thế của nhà thơ trong cuộc sống hiện thời như thế nào? Nhưng có thể thấy, thời hoàng kim của thơ đã tạm thời đi qua và có vẻ như, còn lâu mới quay trở lại.

Ra đời tháng 4/2008, sau hai năm hoạt động, giải thưởng thơ Bách Việt đã nhận được gần 1.000 tập thơ dự thi. Lê Thanh Huy (GĐ Bách Việt) chia sẻ: “Chúng ta nên có cái nhìn thực tế và phân biệt được rằng: đời sống của một loại hình văn hóa (thơ) không nhất thiết đồng nghĩa với đời sống thương mại của sản phẩm văn hóa đó.

Tôi nghĩ trong đời sống hiện đại, người ta có nhiều thứ phải quan tâm hơn nên sự ưu ái dành cho thơ không còn được như trước, chứ không hẳn thơ đã mất đất sống. Ngay từ phía người sáng tác, cũng là tính chuyện viết một cuốn sách, nhưng người ta sẽ nghĩ đến truyện ngắn hay tiểu thuyết nhiều hơn, vì dễ in hơn, nhuận bút cũng khá hơn. Còn viết một tập thơ, không ai đảm bảo là viết nhanh, lại dễ xuất bản hoặc nhận được nhuận bút, hoặc có số lượng bản in nhiều.

Đó là chưa kể tình trạng “người người làm thơ”, ai cũng có thể vỗ ngực xưng danh là nhà thơ, có tiền là in thơ, gây nhiễu loạn. Tôi đã gặp không hiếm tình trạng “thơ phường”, “thơ tổ hưu”… gửi đến Bách Việt “đòi” xuất bản vì đã được in trên một vài tờ báo địa phương, báo ngành. Tình trạng này dần dần làm mất sự chú ý của độc giả với thơ chân chính, vì cái cảm giác dễ dãi, vàng thau lẫn lộn. Điều này cũng khiến họ dè chừng, “khắt khe” hoặc dửng dưng với thơ, khi mà họ hay gặp “hàng dỏm”. Trước tình thế như vậy, tôi nghĩ về lâu dài, thơ cũng nên thay đổi “chiến lược” của mình”.

Bài 2 - Chuyện nước Mỹ: Ai dám vỗ ngực mình nhà thơ?

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm