(TT&VH) - Đúng hẹn lại lên, tiếp theo Lễ hội Lục bát Kỷ Sửu năm ngoái, ngày 12/9 tới đây (tức ngày 5/8 AL), Lễ hội Lục bát lại được tái xuất tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội. Năm nay, BTC không dám chọn ngày “đẹp” (ngày lục - bát tức 6/8 Âm lịch) mà phải làm sớm lên một ngày để tránh ngày thứ Hai đầu tuần. Dầu vậy, Lễ hội Lục bát năm nay hứa hẹn nhiều hoạt động lý thú.
Lễ hội Lục bát bắt đầu từ năm 2009 do website lucbat.com khởi xướng và vận động tổ chức nhằm tôn vinh một thể thơ được coi là “hồn vía của dân tộc”, là “cội nguồn” của thi ca Việt Nam, góp phần tôn vinh truyền thống văn hóa Việt Nam. Đưa thể thơ lục bát vào hội
Bìa tập thơ Lộc phát Canh Dần |
Còn nhớ trong lễ hội năm ngoái nhà thơ Đặng Vương Hưng, người khởi xướng đã bày tỏ đề xuất đưa lục bát thành “quốc thơ” và vận động để đưa “quốc thơ” lục bát trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại! Năm nay ý tưởng táo bạo ấy vẫn tiếp tục được duy trì và đưa vào... kịch bản chương trình hẳn hoi. Cụ thể, trong lễ hội sẽ có màn các thiếu nữ áo dài mời đại biểu, các tác giả, khách quý lưu niệm chữ ký vào một băng rôn dài 6,8 mét, để ủng hộ việc tôn vinh lục bát là “quốc thơ” và vận động để thơ lục bát là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lễ hội Lục bát Canh Dần diễn ra trong ngày 12/9. Nhưng từ tối hôm trước 11/9, không gian triển lãm Vân Hồ đã đậm đặc không khí lục bát với các hoạt động giao lưu bên lề của các tác giả thơ lục bát. Cổng chào cho Lễ hội Lục bát sẽ được dựng lên tại triển lãm. Từ cổng chào vào sân đặt các poster thơ của các tác giả lục bát. Năm nay, sẽ có một “màn trình diễn sắp đặt” lớn về di sản văn hóa lúa nước, thông qua các “lục bát quán” của nhà sưu tầm Trần Thế Kôi với không gian tre trúc, trang trí thêm hoa cỏ, rơm vàng, cối đá, thóc gạo, bánh đa... Lễ hội sẽ thực sự “xôm tụ” với hàng loạt các hoạt động sử dụng thơ lục bát. Chẳng hạn, 68 “chiếu thơ lục bát” cho các tác giả, người yêu thơ giao lưu; CLB Thơ Việt Nam sẽ tổ chức cuộc thi thơ lục bát tứ tuyệt tại chỗ (thi buổi sáng, buổi chiều tổng kết trao giải); Tổng kết trao thưởng cuộc thi thơ về Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội của CLB Thơ Việt Nam. Lễ hội còn trưng bày cuốn sách độc bản khổ lớn Tinh hoa lục bát của tác giả Đậu Phi Hùng và nhóm thư pháp đến từ Cam Ranh (Khánh Hòa). “Lộc” của thơNhưng Lễ hội Lục bát hàng năm không chỉ là để tôn vinh thơ mà cái chính là tôn vinh hồn dân tộc! Dự kiến, tâm điểm của Lễ hội Lục bát năm Canh Dần - 2010 sẽ nghi lễ... dâng hương thơ thơ lục bát. Nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết, lễ dâng hương thơ lục bát sẽ có sự tham gia của đội nữ tế, đội nam tế Thủ đô... trong 2 người chủ trì có một vị là cao tăng; có kiệu rước với phường bát âm từ sân khấu đến nhà thờ tổ Vân Hồ và ngược lại. Có phần đọc văn tế thiên địa và tiên tổ. Tiếp theo đó là lễ phát lộc thơ lục bát cũng có sự tham gia của đội nữ tế, đội nam tế, phường bát âm Thủ đô... do các vị cao tăng chủ trì; tiến hành phát lộc tượng trưng cho một số khách mời tiêu biểu. Năm nay, từ hàng ngàn bài thơ lục bát đã được trang web lucbat.com giới thiệu năm qua trong chuyên mục “Lục bát mỗi ngày”, BTC đã biên soạn thành tập Lộc phát Canh Dần (gọi theo dân gian thì lục bát cũng là “lộc phát”) để góp phần “xã hội hóa” Ngày thơ lục bát. Tập thơ còn được nhiều vị cao tăng, đại đức cho chữ pháp danh nhà Phật; nhiều văn nghệ sĩ và trí thức ký tên... nhằm “lấy lộc” trước khi chính thức phát hành. Điều đặc biệt hơn là Lộc Phát Canh Dần chỉ được phát hành đúng 68 tập sách. Và chỉ những người có công đóng góp tinh thần, vật chất, những nhà tài trợ cho Lễ hội Lục bát, cho sự phát triển và trường tồn của thơ lục bát mới được sở hữu những tập sách trên.
* * *
BTC Lễ hội Lục bát tiếp tục khẳng định mong muốn xây dựng lễ hội này thành một “thương hiệu thơ và văn hóa” được tổ chức vào dịp mùng 6/8 Âm lịch hàng năm. Đương nhiên, một lễ hội mới để khẳng định được chỗ đứng trong đời sống văn hóa, bên cạnh sự “xôm tụ” của các màn diễn, cũng cần phải có sự chắt lọc và “kiểm định” của thời gian. Hy vọng Lễ hội Lục bát sẽ làm được điều đó.
Nguyễn Mỹ