Canada: Ngâm thơ Lý Bạch bằng 10 thứ tiếng!

23/05/2010 14:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhiều bài thơ của Lý Bạch (701-762) vừa được tôn vinh tại Vancouver (Canada) khi các tác phẩm của bậc thầy văn chương này đã được ngâm bằng 10 thứ tiếng. Sự kiện này là một phần trong Tháng Di sản châu Á đang diễn ra ở Vancouver.

Các bài thơ của Lý Bạch được trình bày bởi World Poetry Extravaganza, một tổ chức chuyên thúc đẩy sự tôn vinh các nhà thơ vĩ đại trên thế giới. Trong khi đó, câu chuyện cuộc đời của Lý Bạch trong đời Đường (618-907) - thời kỳ hoàng kim của thơ Trung Hoa - cũng được nêu bật tại Richmond, thành phố láng giềng của Vancouver, nơi người Trung Quốc chiếm gần 50% trong tổng số dân 193.000 người.

Nhờ sức tưởng tượng phong phú và kỳ diệu, Lý Bạch thường dùng những phép ẩn dụ để thể hiện những điều không thể giải thích. Ông đã làm tổng cộng tới hơn 20.000 bài thơ, nhưng làm bài nào vứt bài đó. Thơ của ông được biết đến là nhờ dân gian ghi chép. Sau loạn An Lộc Sơn thơ của ông bị mất rất nhiều. Đến khi ông mất năm 762 thì người anh họ Lý Dương Lân thu thập lại, nhưng chỉ còn không tới 1/10 so với người ta truyền tụng. Sang năm 1080, Sung Minh Chiu (Hàn Quốc) mới thu thập lại được 1.800 bài. Đến nay thì thơ Lý Bạch còn trên dưới 1000 bài, bài nào cũng được đánh giá rất cao, nhưng nổi tiếng nhất là Tương Tiến Tửu, Hiệp khách hành, Thanh Bình điệu, Hành lộ nan...

Trong khi những tác phẩm của nhà thơ này được gìn giữ sống động trong nhiều thế kỷ qua ở Trung Quốc, thì phải đến năm 1862 chúng mới đến được với công chúng phương Tây sau khi có một bản dịch tiếng Pháp. Năm 1901, H.A. Giles đã phát hành một bản dịch tiếng Anh và năm 1915 Ezra Pound, nhà thơ Mỹ nổi tiếng tung ra một bản dịch tiếng Nhật.

Jan Walls, tiến sĩ về văn học Trung Hoa, cho biết lần đầu tiên ông đọc thơ

Lý Bạch khi còn là một sinh viên. Ông đã giải thích cho khán giả về thú mê “tửu” của ông và tương truyền rằng trong một đêm rằm, Lý Bạch đang say trên bờ sông, thấy trăng in đáy nước đẹp quá, liền nhảy xuống ôm trăng mà chết đuối. Tiến sĩ 70 tuổi Walls nói rằng ông bị các bài thơ của nhà thơ đời Đường này cuốn hút và ông đánh giá Lý Bạch là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất Trung Quốc cùng với Đỗ Phủ và Vương Duy. “Các chủ đề trong thơ của Lý Bạch mang tính toàn cầu. Chúng tả cảnh thiên nhiên tươi đẹp và đề cập đến những điều mà ai cũng thấy gần gũi: niềm vui sum họp, nỗi buồn chia ly, núi non hùng vĩ, biển cả bao la, sinh, lão, bệnh, tử và mọi khía cạnh của cuộc sống”.
 
Tại sự kiện này, các bài thơ của Lý Bạch đã được ngâm bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Hàn, Tây Ban Nha, Anh, tiếng Hoa, Tagalog (ngôn ngữ Philippines), Romania, Hy Lạp và Croatia. Nhưng tiến sĩ Hadaa Sendoo, một Đại sứ Thơ Thế giới, đã có màn trình diễn gây ấn tượng nhất khi ông ngâm thơ Lý Bạch bằng tiếng Mông Cổ. “Lý Bạch và các bài thơ của ông tượng trưng cho văn hóa và nền văn minh huy hoàng của Trung Quốc. Đó chính là lý do tại sao tôi lại chọn Lý Bạch để giới thiệu trong Tháng Di sản Văn hóa châu Á này”, ông Sendoo cho biết.

Lawrence Lim, người Singapore có nguồn gốc ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), nói ông cảm thấy vô cùng vinh dự khi các bài thơ của Lý Bạch được tôn vinh khắp thế giới, qua đó cho thấy sự ghi nhận quốc tế đối với truyền thống và văn hóa Trung Hoa. “Lý Bạch viết về con người và cảnh vật xung quanh, về sự sáng tạo và thiên nhiên. Các bài thơ của ông ra đời từ cách đây hàng ngàn năm, nhưng giờ ngắm những dãy núi vẫn thấy một màu xanh như thế. Lý Bạch có khả năng siêu phàm trong việc mô tả cảm xúc của con người trước cảnh vật thiên nhiên”.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm