Kể chuyện Phi công Mỹ ở Việt Nam

09/05/2010 10:12 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Một trong 2 “đứa con tinh thần” đang còn thơm mùi mực của nhà văn Đặng Vương Hưng vừa chính thức được ông tổ chức giới thiệu đến đông đảo bạn bè yêu văn chương vào ngày hôm qua (7/5) là cuốn Phi công Mỹ ở Việt Nam (NXB CAND).

Đây là đề tài từ lâu đã được dư luận Mỹ và cả thế giới đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do khách quan, nên mảng đề tài “nhạy cảm” này còn chưa được đề cập đến nhiều.

Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc một số thông tin “hậu trường”, góp phần “giải mã” cho những bí mật về đề tài này, nhà văn Đặng Vương Hưng đã dành hơn 10 năm tâm huyết để hoàn thành cuốn sách.

Có rất nhiều những chuyện còn ít biết về tù binh phi công Mỹ, những chi tiết đời thường thú vị, nhưng mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc trong cuốn sách như: Bác Hồ với những phi công Mỹ đầu tiên ở Việt Nam; Sự thật về cuộc tập kích cứu phi công Mỹ tại Sơn Tây năm 1970; Cuộc trao đổi tư liệu Việt - Mỹ xung quanh “Vụ tập kích Sơn Tây”; Cuộc quyết đấu lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” đã diễn ra như thế nào? Tù binh Mỹ ở Hỏa Lò, chuyện bây giờ mới kể; Cơ cấu tổ chức của trại tù binh phi công Mỹ ở Hỏa Lò hồi ấy như thế nào? Có phải tù binh phi công Mỹ tại Hỏa Lò được ăn uống theo chế độ “đặc táo” (ăn vượt tiêu chuẩn)? Họ được tạo điều kiện chơi thể thao, thưởng thức văn nghệ, tham quan danh lam thắng cảnh của thủ đô ra sao? Những tù binh phi công Mỹ nào đã được mời tham gia đóng phim cho Việt Nam? Và cả chuyện một nữ tù binh duy nhất ở Hoả Lò, xinh đẹp, đỏng đảnh với bức thư gửi ông trưởng trại để xin... nuôi một con mèo!

Khôi Nguyên

“Mãi mãi tuổi 20” - Buồn vui ai biết

Cũng trong buổi ra sách nói trên, nhà văn Đặng Vương Hưng còn cho ra mắt cuốn Mãi mãi tuổi 20 - Buồn vui ai biết cung cấp thêm cho bạn đọc một số chi tiết thuộc dạng “hậu trường xuất bản” và những chuyện “bếp núc biên tập”, những kỷ niệm buồn vui còn còn ít người biết... về tập sách Mãi mãi tuổi 20 nhân dịp tròn 5 năm tập sách này ra đời.

5 năm qua, tập sách này đã lập kỷ lục là một trong những cuốn sách bán chạy nhất nước ta trong nhiều thập kỷ qua. Ở cuốn sách mới “Mãi mãi tuổi 20” - Buồn vui ai biết tác giả sẽ kể chuyện ông đã phát hiện ra bản thảo cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc như thế nào? Tên sách Mãi mãi tuổi 20 xuất phát từ đâu mà có? Việc thuyết phục NXB in sách và để có thêm “sức nặng” với báo chí, nhà văn đã tìm cách mời bằng được chị Phạm Thị Như Anh, người bạn gái năm xưa của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, một “nhân chứng sống” từ Cộng hòa Liên báng Đức về Việt Nam ra sao?... tất cả những câu trả lời đều có trong “Mãi mãi tuổi 20” - Buồn vui ai biết.

Hoàng Mai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm