Việt Nam sẽ được đánh giá cao về việc đọc sách ở châu Á

15/03/2010 11:42 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Mấy năm trở lại đây, sách nước ngoài xuất hiện trên thị trường Việt Nam ngày một nhiều, phần lớn trong số đó có công sức “cầu nối” mua bản quyền từ công ty Tuttle-Mori Agency tại Thái Lan. Nhân Hội chợ sách TP.HCM lần thứ VII sắp khai mạc (từ 15 đến 21/3), giám đốc điều hành Tuttle-Mori Agency, bà Pimolporn Yutisri, trong chuyến sang làm việc tại Việt Nam, đã có cuộc gặp gỡ với TT&VH Cuối tuần.


 Bà Pimolporn Yutisri
* Từ đâu mà Tuttle-Mori Agency lại trở thành một cầu nối bản quyền giữa các Nxb và các tác giả quốc tế, thưa bà?


- Tuttle-Mori Agency Co., Ltd. được hình thành bởi ông Tom Mori, một người Nhật yêu quý đất nước Thái Lan. Vào năm 1992, ông đã tin rằng trong vòng 10 năm, người Thái sẽ đọc sách nhiều hơn nữa. Và đến nay, niềm tin của ông đã thành hiện thực. Trở lại 15 năm về trước, sách lậu là vấn nạn lớn ở Thái Lan. Cho đến nay ý nghĩ mua bản quyền vẫn còn gây tranh cãi, nhưng hầu hết mọi người dân Thái Lan đều hiểu và tôn trọng hơn về sở hữu trí tuệ. Tuttle-Mori Agency Co., Ltd. được xem như là cầu nối giữa người sở hữu và NXB. Chúng tôi liên kết họ với nhau để có được một sản phẩm trí tuệ. Chúng tôi tin tưởng vào việc giáo dục qua các các thể loại sách khác nhau như văn học, phi văn học, sách học làm người... Bạn càng đọc nhiều, bạn càng thông minh hơn!

Chúng tôi đang cố hết sức để làm việc một cách chặt chẽ cùng với các NXB ở Thái Lan, sau đó là các NXB ở Indonesia, Việt Nam (VN) và Malaysia.

* Ở VN “cây cầu” của công ty bà đã “bắc” được tới những đâu rồi?

- Chúng tôi bắt đầu làm việc với các đơn vị xuất bản ở VN cách đây bốn năm. Tới nay, chúng tôi đã cấp phép cho hơn 400-500 tựa cho các đơn vị xuất bản ở Việt Nam. Chúng tôi làm việc với khoảng 20 đơn vị xuất bản như Nhã Nam, NXB Trẻ, Công ty Phương Nam, Công ty Chibooks, Alpha Books, Hà Giang Comcul, First-New Trí Việt, NXB Kim Đồng, NXB Văn học… Con số bản quyền chúng tôi cấp phép trong một tháng dao động từ 1 đến 10 tựa cho mỗi đơn vị.

* Tại thị trường sách VN bà thấy có những điểm khó khăn và thuận lợi gì trong việc mua bán bản quyền so với những nước khác cùng khu vực?

- Ngoài VN, chúng tôi còn làm việc với các NXB ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Tôi gặp nhiều thuận lợi khi làm việc với các đơn vị xuất bản ở VN. Tôi cũng rất đánh giá cao thị hiếu của độc giả Việt Nam. Các độc giả VN đa dạng hơn nhiều so với độc giả Thái Lan. Có một số tác phẩm văn học hoặc hồi ký rất khó bán ở Thái Lan, nhưng lại dễ dàng bán ở VN hay Indonesia. Ngoài ra, vì các bạn đã ký kết Công ước Bernes, điều này có nghĩa rằng nước bạn đã sẵn sàng cho việc gia nhập vào thế giới bản quyền. Chúng tôi rất sẵn sàng kết nối các bạn với các tựa sách hay trên toàn thế giới. 15 năm trước ông Tom Mori, người sáng lập Tuttle-Mori đã từng nói: Tôi tin tưởng rằng người VN sẽ đọc nhiều hơn trong mười năm tới và VN sẽ là một trong số các đất nước được đánh giá cao về việc đọc sách ở châu Á vì các bạn đã có sẵn truyền thống đọc sách thật mạnh mẽ.

* So với năm đầu tiên bán bản quyền sách vào VN, bà thấy thị trường sách ở VN hiện giờ ra sao?

- Tôi thấy có một sự khác biệt lớn so với lần trước khi tôi đến thăm các nhà sách ở cả TP.HCM và Hà Nội cách đây bốn năm. Thời điểm đó, trên các kệ sách hầu hết là các ấn bản sách lậu. Để mọi người hiểu và chấp nhận khái niệm sở hữu trí tuệ là một giai đoạn khó khăn nhất. Nó không phải là một tờ giấy hay một điều khoản, mà là toàn bộ ý tưởng, mục đích và tất cả năng lực của các tác giả và người sở hữu. Tiền chỉ là một hình thức tượng trưng cho sự tôn trọng. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều đang hoạt động trong một lĩnh vực kinh doanh đáng tôn trọng. Bạn có nghĩ thế không?

Hội sách TP.HCM lần thứ VII diễn ra từ ngày 15 đến 21/3 tại Công viên Lê Văn Tám, quận 1, TP.HCM, trưng bày và bán hơn 200.000 tựa sách với hơn 20 triệu bản cùng nhiều hoạt động giao lưu bạn đọc và tác giả. Một số hoạt động lần đầu tiên được tổ chức: Triển lãm sách 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Ngày hội tiếng Anh, Thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi các mái ấm, nhà mở…

Ngoài ra, vì số tiền trả trước - 200 USD - được các đơn vị xuất bản ở VN lúc ban đầu đưa ra là rất nhỏ, chúng tôi, Tuttle-Mori Agency Co., đã phải làm cho cả hai bên, phía VN và người sở hữu hiểu lẫn nhau hơn. Thành thật mà nói, chúng tôi không kiếm được gì từ số tiền đó, nhưng chúng tôi phải làm cho điều đó xảy ra. Chúng tôi phải giúp các bạn khởi đầu với 1-2 cuốn sách trước khi khoản tiền lớn hơn sẽ xuất hiện. Thời gian dần trôi, các đơn vị xuất bản ở VN cũng đã bắt đầu quen dần với nguyên tắc mang tính toàn cầu trong quá trình giao dịch bản quyền. Và các Nxb và đại diện nước ngoài cũng đã hiểu rõ hơn về tình hình xuất bản ở thị trường VN. Chúng tôi rất vui được dàn xếp cho cả hai bên, để chúng ta cùng nhau tạo nên nhiều sản phẩm tốt hơn.


Ngoài những yếu tố trên, tôi cũng rất đánh giá cao nhiều đơn vị xuất bản ở VN, những người đã cố gắng rất nhiều trong việc ấn hành các ấn bản hợp pháp của họ mặc dầu sách lậu của đầu sách đó vẫn đang có mặt trên các quầy sách. Tuy nhiên, tôi có niềm tin mãnh liệt vào mong ước có được bản quyền sách của đơn vị xuất bản đó. Họ phải trả thêm nhiều so với bản sách lậu, nhưng tại sao họ lại phải làm điều đó? Tôi chắc chắn rằng vì họ yêu thích những tựa sách mà họ xuất bản. Họ phải mất thời gian để tìm kiếm các tựa sách hay, tìm kiếm các dịch giả chất lượng, thiết kế bìa sách, thực hiện các chương trình quảng cáo và tổ chức phát hành các cuốn sách quý giá đó đến các nhà sách. Các độc giả, trước khi quyết định mua sách, nên so sánh thận trọng giữa các ấn bản sách có bản quyền với các ấn bản sách lậu, là những cuốn sách được thực hiện vội vàng để có thể phát hành trước các NXB khác. Độc giả là người quyết định lựa chọn nào là tốt nhất dành cho mình.

* Để giúp các đơn vị xuất bản VN thuyết phục và mua được bản quyền các bộ sách lớn, nổi tiếng của các NXB nổi tiếng nước ngoài, xin bà cho vài lời khuyên.

- Chúng tôi luôn khuyên các đơn vị xuất bản nên hoạt động một cách tiên phong. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ trong các lĩnh vực như gửi thư giới thiệu các tựa sách mới và “hot” trên thị trường. Ngược lại họ cho chúng tôi biết tình hình kinh doanh của cuốn sách, các kế hoạch marketing, và uy tín của công ty họ. Ngoài ra, họ có thể tự mình tìm kiếm các tựa sách sắp được xuất bản trên các tạp chí quốc tế, từ các trang web của các NXB và đại diện nước ngoài, thiết lập cộng đồng đọc ở VN để cùng nhau chia sẻ thông tin.

Điều quan trọng nữa là, tất cả các đơn vị xuất bản phải chấp nhận các nguyên tắc của việc cấp phép bằng việc đệ trình hoặc gởi hợp đồng, bản báo cáo tác quyền và tiền thanh toán đúng hạn để bảo đảm cho tên tuổi của mình trong giới xuất bản. Về phương diện quốc tế mà nói, giới xuất bản của chúng ta cực kỳ nhỏ bé. Tin tức xấu hoặc tốt có thể được lan truyền đi rất nhanh.

Tôi rất vui khi được cộng tác với các bạn trong suốt bốn năm qua. Chúng ta đã cùng nhau trải qua nhiều việc, vui có buồn có. Tôi tin vào sự phán đoán của mình… Tôi mong chờ được thấy một VN lớn mạnh trong giới xuất bản trong tương lai gần.

* Xin cám ơn bà.

Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm