Nhà văn Y Ban: Đánh giá cao độc giả hơn các nhà phê bình!

29/01/2010 13:57 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Sau cuốn tiểu thuyết đầu tay Xuân Từ Chiều với thủ pháp viết không xuống dòng ra mắt và gây chú ý vào năm ngoái, nhà văn Y Ban vừa cầm trên tay tập truyện ngắn mới, với tựa đề Hành trình tờ tiền giả (NXB Hội Nhà văn và Công ty Hà Thế ấn hành). Buổi giới thiệu về cuốn sách này sẽ diễn ra chiều nay, 29/1 tại cà phê Max (64 phố Chùa Láng, Hà Nội) do Công ty sách Hà Thế tổ chức.

Tôi càng già càng khôn ngoan, ghê gớm

Trò chuyện cùng TT&VH, Y Ban cho biết:

- Hành trình tờ tiền giả gồm 14 truyện ngắn tôi viết trong khoảng gần 2 năm, ghi lại dấu ấn cuộc sống của tôi và của xã hội. Với tập truyện này, tôi không định đưa ra một thông điệp gì cả. Tôi cũng không định nhắn gửi tới độc giả điều gì. Bởi lẽ khi độc giả đọc tác phẩm của tôi, mọi người sẽ tự tìm ra thông điệp của chính mình. Tôi luôn đánh giá cao những độc giả của mình, nên không bao giờ có ý định “cầm đèn chạy trước ô tô”.

* Vậy từ tiểu thuyết Xuân Từ Chiều đến tập truyện ngắn Hành trình tờ tiền giả là một hành trình như thế nào trên con-đường-chữ của Y Ban?

- Thực ra thì không có sự nối tiếp hoặc kế thừa nào cả. Truyện ngắn vẫn là thể loại tôi thích viết nhất. Xuân Từ Chiều là một ngoại lệ. Bởi vì nó là tiểu thuyết được viết với cách không giống ai, câu chữ được kết thành một mảng như bè rau muống. Hơn 250 trang liền  tù tì không xuống dòng, trừ đoạn kết, giống như vĩ thanh vậy.

* Trong tập sách mới này xuất hiện những truyện ngắn với số chữ rất ít, trên dưới 1.000 chữ, nhưng dồn nén những câu chuyện mang nhiều dấu ấn của thời cuộc. Đó có phải là sự “thăm dò” của chị trước khi chính thức “tung” ra một tác phẩm mới?

- Thực ra thì tôi định để in trọn vẹn một tập truyện ngắn mi ni, nhưng nếu chỉ in 9 truyện ngắn thì tập sách hơi mỏng nên phải “độn” thêm vào. Còn tôi là kẻ “điếc không sợ súng” nên thường không bao giờ có ý định thăm dò trước khi tung ra tác phẩm mới. Vả lại tôi đã quen với việc bị người ta “băm” vào mặt rồi (cười). Mặt tôi bây giờ đã thành cái thớt gỗ nghiến. Có “băm” thêm nữa thì cũng chả lên mùn. Ngày bố tôi còn sống, ông thường nói với tôi rằng, 5 đời nhà bố không có ai theo văn chương, mày là giống lạc loài, bố mẹ đã cho con ăn học một cái nghề tử tế như vậy mà con lại theo con đường văn chương. Nghe bố nói vậy tôi hơi tự ái. Nhưng bây giờ tôi thấy bố tôi nói đúng quá. Nếu tôi chỉ là cô giáo dạy trường y thì có ai “băm” vào mặt tôi như vậy không?

* Ngày trước, nhắc tới Y Ban người ta nhớ tới những truyện ngắn trắc ẩn, nhiều day dứt, với những câu văn mượt mà. Còn bây giờ, khi đọc tập truyện này, độc giả nhận ra một Y Ban xoáy sâu vào những cái xấu, với kiểu ngôn ngữ “thô”, gần với đời thường?
 
- Nói như vậy thì có lẽ tôi đã thành công phần nào đó chăng? Làm nghệ thuật cũng như làm văn chương là phải luôn tự đổi mới mình. Khi người đọc chỉ được đọc một Y Ban với những câu văn mượt mà, ẩn ức, day dứt thì chắc đến một ngày bạn đọc sẽ chán. Giống như một món ăn ngon mà cứ ăn mãi thì cũng sẽ chán thôi. Còn tại sao bây giờ tôi lại viết nhiều về những vấn đề xã hội ư? Vì tôi đã là người đàn bà gần 50 tuổi rồi. Số tử vi của tôi nói rằng, tôi càng già càng khôn ngoan, ghê gớm.


Nhà văn Y Ban
Y Ban trở về với cái tên Xuân Ban

* Khi nhận tập sách này, tôi thấy có một chi tiết vui vui: Chị đổi chữ ký, không còn nhận ra chữ ký Y Ban quen thuộc mà thay vào đó chị trở về ký với cái tên khai sinh: Xuân Ban. Chi tiết này có ẩn chứa một câu chuyện gì không, thưa chị?

- Có lẽ đây là điều bí mật mà tôi chưa thể chia sẻ được với báo chí. Nhưng có một điều thú vị mà tôi sẽ chia sẻ ngay đây. Tôi vừa nhận được một thư mời đăng ký đầu tư vào dự án khu nghỉ mát Hòn Một, với mức giới hạn tối thiểu cho một cổ đông để đầu tư vào dự án là 5 tỷ đồng, ngoài thư đề gửi bà Phạm Thị Xuân Ban. Đấy bạn thấy không? Có lẽ việc đổi chữ ký đã ứng vào vận số của tôi rồi chăng? Có thể ngày mai trên văn đàn sẽ mất đi một tên Y Ban nhưng trong giới kinh doanh bất động sản lại nổi lên một cái tên Xuân Ban với một tài sản kếch sù, vài trăm tỷ (cười).

* Và như vậy, văn chương sẽ mất đi một cái tên Y Ban?

- Tôi cũng không thể trả lời được văn chương có mất cái tên Y Ban hay không? Bởi vì cái việc Y Ban không viết nữa khác hẳn với việc văn chương mất đi cái tên Y Ban. Nhưng tác phẩm văn chương mang tên Y Ban trong thời gian qua dẫu sao cũng đã để lại những dấu ấn, dù là nho nhỏ. Và biết đâu đấy, khi Y Ban không viết nữa thì tác phẩm văn chương Y Ban đã viết mới được giới phê bình chú ý? Bởi vì xu hướng phê bình hiện nay là... “phê bình khảo cổ” mà.

* Xem ra chị đánh giá cao độc giả hơn các nhà phê bình văn học?

- Đó là điều hiển nhiên. Không phải chỉ tôi mà nhiều nhà văn hiện nay đều như vậy. Ai? Hãy chỉ cho tôi ai là những nhà phê bình văn học chân chính hiện nay?

* Cảm ơn chị

Cuốn sách mất… “của”

Rất cẩn thận đọc bản bông cho tập truyện ngắn này, nhưng khi được cầm sách trên tay, nhà văn Y Ban vẫn thức tới 3 giờ sáng để đọc lại những gì mình viết ra. Và chị “ớ người” khi tên tựa sách ở ngoài bìa đã thiếu mất chữ “của”. Hành trình của tờ tiền giả gồm 14 truyện: Danh dự, Hành trình của tờ tiền giả, Hoa gạo rụng, Tò he, Đi câu mực ở biển Sầm Sơn, Mẹ không thể xin lỗi con, Cú sang đường cuối cùng, Chạy xuyên qua cơm mưa trên dải đê...

Hoàng Thu Phố (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm