Đêm “hôn phối” giữa nàng thơ và múa đương đại

17/01/2010 09:13 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tối ngày 14/1, tại bán đảo hồ Thiền Quang - 37 Trần Bình Trọng (HN) tập thơ Homo sapiens - Người tinh khôn đã ra mắt công chúng trong chương trình Trình diễn thơ đương đại Nguyệt thực của Trương Xuân Thiên - cái tên mà trong đời sống văn học trẻ không mấy người biết đến…

Từ việc sắp đặt thơ ngay trên từng văn bản

Trước tiên, Homo sapiens là tập thơ thứ hai của Trương Xuân Thiên gồm 42 bài mang đến những thông điệp về nghệ thuật đương đại.

Với chủ trương phải mang tính độc đáo nên khi sách mới ra, mới nhìn thấy sách, người đọc đã bị đánh thức cảm quan thị giác và kích thích niềm đam mê đọc không cưỡng lại nổi. Một tập thơ được thiết kế độc đáo đến mức độ kinh ngạc với một phong cách hiện đại và một gu thẩm mỹ sang trọng mà người đọc chỉ có thể tìm thấy ở những tạp chí chuyên ngành đồ họa phương Tây. Đến nỗi, có người đã phải thốt lên: “Đây không chỉ đơn thuần là cuộc kết duyên giữa thơ và họa mà là một nghệ thuật sắp đặt chưa từng có: Sắp đặt thơ ngay trên từng văn bản.


 Trương Xuân Thiên

Cũng phải thôi, vì “tiền nào của ấy”. Tính ra, tiền in Homo sapiens gấp 6 lần đầu tư in cho một tập thơ bình thường (tính một tập thơ in với giá bình thường 6 triệu đồng/một tập). Còn tiền để tổ chức cho cuộc trình diễn thơ đương đại và ra mắt Homo sapiens tại bán đảo hồ Thiền Quang hôm 14/1 đủ để mua một chiếc xe máy hàng hiệu. Một “lễ nhập làng... thơ” có thể xem là kỷ lục!”

Đêm Nguyệt thực chưa “đẫm mùi vị riêng”

Trong đêm ra mắt tập thơ Homo sapiens với chủ đề Nguyệt thực (14/ 1), hơn 200 khách mời đã được thưởng lãm (cả bằng mắt, bằng tai và cảm nhận) một cuộc thăng hoa của “nàng thơ” qua một cuộc trình diễn kịch thơ dài 60 phút do nghệ sĩ Tuyết Minh biên đạo hợp với những hiệu ứng âm thanh ánh sáng đặc biệt.

Với mục đích “khách tham gia, khách cùng trình diễn, khách cùng thưởng thức” nên trong quá trình diễn ra kịch thơ, nếu tác giả muốn ai tham gia cùng thì chỉ cần đưa tập Homo sapiens mời họ đọc một bài thơ mà nội dung bài thơ ấy khớp với nội dung kịch là được.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, việc luân phiên thay nhau đọc thơ, nhất lại là cầm sách đọc (kể cả là tác giả) rất lộ liễu nên dường như hai phần “kịch” và “thơ” chưa cho thấy sự hài hòa, khăng khít và cân xứng.


Trình diễn thơ đương đại Nguyệt thực của Trương Xuân Thiên

Vì vậy “đêm Nguyệt thực” có vẻ như chỉ đảm bảo về tính kịch, còn chất thơ “hơi bị nhạt” mặc dù nhiều giọng đọc thơ, nhất là tác giả - người hiểu “đứa con tinh thần của mình nhất - khi đọc thơ gần như “lên đồng” nhưng vẫn chưa cho kịch “đẫm mùi vị riêng”. Điều này cũng dễ hiểu vì tác giả tập thơ không phải là nhà biên đạo hay người chuyên viết kịch thơ. Anh chỉ chọn ra những bài, những câu thơ có tính logic (mang tính kịch) trong 42 bài thơ để biên đạo múa dàn dựng chứ hoàn toàn không phải là viết một vở kịch thơ - một thứ hàng hóa được cho là “xa xỉ”, kén khán giả và đòi hỏi diễn viên phải “cảm” được thơ mới có thể thăng hoa được.

Trương Xuân Thiên, sinh năm 1979 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp ĐH KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội). Các tác phẩm đã xuất bản: Tư duy S, thơ (NXB Văn học 2005), Homo sapiens - Người tinh khôn, thơ (NXB Văn học 2009).

Trương Xuân Thiên lý giải: Những người đọc thơ hoàn toàn ngẫu nhiên, mình cũng chưa tập đọc bất cứ một lần nào. Ngay cả phần múa, mình cũng chưa xem các bạn ấy tập và diễn bất cứ một lần nào. Đó không hẳn là khâu chuẩn bị chưa kĩ càng mà là chủ đích của mình. Mình muốn đề cao tính ngẫu nhiên, mình không muốn định biên cho tác phẩm, mà ngay trong quá trình đọc vẫn tiếp tục sáng tạo những gì nối tiếp đến khi kết thúc.


Dấu hiệu hồi sinh của thơ thể nghiệm

Trước cái mới trong nghệ thuật, công chúng và giới phê bình thường phản ứng rất khác nhau. Chính chủ nhân của đêm Nguyệt thực sau đó đã thú nhận: “Mình nghĩ đây không hoàn toàn là kịch thơ mà là một bài thơ dài được viết bằng các động tác hình thể. Tóm lại là nó không có tên gọi vì hầu như chưa có ai làm nên không có thuật ngữ tương xứng. Còn gọi là kịch thơ thì nó phải có lớp lang, có đối thoại như Kiều Loan, Quần tiên hội...

Cá chép muốn hóa rồng thì phải tự tìm cách mà vượt vũ môn. Mà cái vũ môn trong văn chương mỗi tác giả phải vượt qua không gì chính là cái tôi cá nhân. Một tác giả trẻ như Trương Xuân Thiên tự tin tạo nên cái khác người khác cũng là điều đáng khích lệ.

Một nhà thơ đã nói: “Hãy, để cho bạn thơ trẻ thể nghiệm, nếu họ “không đi tới đâu” hay dị hợm vô lối thì chính họ sẽ tự đào thải. Người đọc thời hiện đại đủ khôn lớn để không dễ dãi với trò rác rưởi, nhố nhăng, nhảm nhí! Từ đó, cái mới - hay sẽ tồn tại, như một giá trị mới làm nên truyền thống mới của văn học Việt Nam”.

Nguyên Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm