Dịch giả Lâm Quang Mỹ “đại sứ văn học” Việt - Ba!

08/01/2010 10:25 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Chiều qua, (7/1) trong khuôn khổ Hội nghị Giới thiệu Văn học Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây (phố Trần Quý Kiên, HN) đã tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các nhà thơ Việt Nam với Ba Lan. Trong buổi gặp gỡ này, dịch giả Lâm Quang Mỹ và Pawel Kubiak đã giới thiệu Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19 bằng tiếng Ba Lan do NXB IBIS của tạp chí Thơ ngày nay tại Ba Lan phát hành.

TT&VH đã có cuộc trao đổi với nhà thơ, dịch giả Lâm Quang Mỹ trước khi ông cùng cộng sự Pawel Kubiak mang hai cuốn Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19 còn lại vào TP.HCM để giới thiệu đến công chúng.


 Bìa Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19
* Xuất phát từ đâu ông lại quyết định dịnh thơ Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19?

- Ấy là do những lần tôi đến các nhà sách, các thư viện trung ương chứ chưa nói gì đến các nhà sách, thư viện địa phương ở Ba Lan, tôi hoàn toàn không thấy có tập thơ cổ nào của Việt Nam được dịch ra tiếng nước bạn cả. Từ thực tế đó tính “tự ái dân tộc nổi lên”, tôi quyết định sẽ dịch một tập thơ cổ của Việt Nam và quyết tâm sẽ đưa tập thơ mình làm có mặt trên giá sách ở các thư viện Ba Lan.

* Đó là lý do chủ quan, còn khách quan nghe nói là có sự tác động từ nhà thơ Hữu Thỉnh?

- (Cười) Cũng đúng đấy! Thực ra kế hoạch ban đầu của tôi và Pawel Kubiak là 3 năm và lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam cũng biết và rất cảm động trước việc làm của hai chúng tôi. Nhà thơ Hữu Thỉnh điện thoại cho tôi: “Anh có quà gì cho Hội nghị Giới thiệu văn học VN ra nước ngoài sắp tới thì làm nhanh nhé!”. Lời khích lệ này làm chúng tôi bị “vỡ kế hoạch”. Ban đầu định dịch 36 tác giả, nhưng rồi để kịp hội nghị, chúng tôi đã thống nhất “vì chất lượng hơn số lượng” nên giảm từ 36 xuống còn 28 tác giả, mở đầu là “nhà thơ cao tuổi” Lý Thường Kiệt và kết thúc là “nhà thơ trẻ” Tú Xương.

* Khó khăn và thuận lợi khi ông dịch cuốn sách này?

- Khi bắt tay vào làm cuốn sách, tôi đối diện với một khó khăn là không có trong tay bất kỳ bài thơ nào của Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19. Nhưng cuối cùng, nhờ công nghệ Internet, tôi tìm ra những bài thơ trong khoảng thời gian này (ở nhiều trang khác nhau) nên mới có bản thảo để dịch.


Nhà thơ, dịch giả Lâm Quang Mỹ (cầm sách) và Pawel Kubiak (phải) giới thiệu cuốn
Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19 với độc giả.

* Sao ông lại “kéo” Pawel Kubiak vào “vụ” này?

- Pawel Kubiak là nhà thơ, nhà phê bình văn học và là người tổ chức các hoạt động văn học ở Ba Lan, phụ trách Tiểu ban Thơ phương Đông của Hội Nhà văn Ba Lan trong các Liên hoan mùa Thu Thơ Vacsava hàng năm. Ngoài ra “cộng sự” của tôi (tức Pawel Kubiak - PV) là biên tập viên tạp chí Văn học Ba Lan. Hơn 6 năm nay, ông rất nhiệt tình tham gia cùng với các nhà thơ Việt Nam dịch thơ Việt Nam sang tiếng Ba Lan nên có rất nhiều kinh nghiệm trong việc dịch thuật. Pawel Kubiak tham gia cùng với tôi là để giúp kiểm tra nội dung bản dịch xem có “đảm bảo chất lượng” đối với độc giả Ba Lan nhưng vẫn giữ được nội dung gốc của văn bản hay không. Sau hơn 2 năm làm việc nhiệt tình cùng nhau, cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành.

* Nhà thơ Pawel Kubiak nói với tôi, ông là đại sứ của văn học VN tại Ba Lan và cũng là đại sứ của văn học Ba Lan tại Việt Nam. Vậy trong thời gian tới, ông sẽ “phát huy vai trò” của mình như thế nào trong mối quan hệ văn học của hai nước Việt Nam - Ba Lan?

- Tôi vẫn sẽ cùng với Pawel Kubiak tiếp tục cộng tác với nhau và sẽ thu thập Thơ Thiền Lý Trần - minh chứng của một thời kỳ huy hoàng nhất của thơ ca Việt Nam để dịch sang tiếng Ba Lan. Tất nhiên, để làm được việc này, tôi cũng rất mong nhận được sự ủng hộ của các nhà văn, nhà thơ trong nước về văn bản gốc, cũng như việc giúp đỡ tôi trong công việc dịch thuật nếu như bản dịch của chúng tôi còn sai sót. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của tôi khi mang Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19 về Việt Nam lần này. Những góp ý của các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu về thơ cổ Việt Nam sẽ cho chúng tôi kinh nghiệm quý báu cho những công trình tiếp theo, góp phần quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới như hội nghị mấy ngày qua đang bàn tới!

* Xin chân thành cảm ơn ông!

Nhà thơ, dịch giả Lâm Quang Mỹ, tên thật là Nguyễn Đình Dũng, sinh năm 1944 tại Nghệ An, là người Việt Nam đầu tiên trở thành hội viên Hội Nhà văn Ba Lan. Các tác phẩm:Tiếng vọng (thơ, 2005); Đợi (thơ, 2005). Giải thưởng văn chương: Thơ hay về mùa Thu do Hội Nhà văn Ba Lan trao năm 2004. Giải thưởng năm 2006 về thơ và những hoạt động văn học của Những ngày thơ Quốc tế do UNESCO tổ chức.


Huy Thông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm