100 bài Thơ tình Hà Nội ra mắt tại Hà Nội: Vì thơ hay chứ không vì tác giả “lớn”

12/12/2009 08:54 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tập Thơ tình Hà Nội (NXB Trẻ) do Công ty Truyền thông Sơn Ca tài trợ đến nay được ghi nhận là tập thơ trước nhất được xuất bản. Thêm một điều thú vị là nhóm tuyển chọn là nhà văn Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức và nhà thơ Lê Minh Quốc lại chọn Hà Nội để ra mắt và phát hành tập thơ này vào chiều nay 12/12 (tại cà phê MC số 559 - Kim Mã). TT&VH đã trao đổi với nhà thơ Lê Minh Quốc về công việc của nhóm tuyển chọn

* Thưa anh, con số 100 liệu có bị làm tròn bởi những bài thơ chưa thật sự hay hoặc phù hợp với tiêu chí Thơ tình Hà Nội?

- Thật ra khi chọn con số 100, cũng chỉ có tính chất tượng trưng, do khuôn khổ của một tập sách không cho phép chúng tôi chọn nhiều hơn. Với quan niệm chỉ có thơ hay, chứ không có tác giả “lớn” và “nhỏ” theo cách nghĩ thông thường. Vì thế các tác giả được sắp xếp thứ tự theo vần A, B, C... và tất nhiên cũng chỉ tương đối.

Do khuôn khổ của một tập sách, trước mắt chúng tôi xin được chọn theo tiêu chí: Tác giả đang sống và làm việc tại Hà Nội; tác giả đồng ý có mặt trong tuyển tập này. Đành rằng, tiêu chí là thế nhưng trong quá trình thực hiện, nếu có sai sót thì rất mong bạn đọc lượng thứ. Cũng xin nói rõ, khi chọn con số 100, không phải vì ấn định đó mà các bài thơ không đủ chất lượng cũng được đưa vào để có con số “tròn trịa”. Tôi tin, bạn đọc sẽ tin điều này khi đọc tập Thơ tình Hà Nội.


Nhà thơ Lê Minh Quốc

 * Anh quan niệm thế nào về thơ tình Hà Nội?
 
- Quan niệm như thế nào nhỉ? Trước hết xin hỏi, thơ tình Hà Nội có khác gì với vùng miền khác hay không? Chắc là có. Khi đọc thơ tình, người đọc dù muốn hay không thì họ cũng sẽ tìm thấy tính cách biểu lộ tình yêu của mỗi vùng miền, chẳng hạn đâu là điểm giao thoa và khác biệt nhau? Cũng tình yêu, cũng thơ tình nhưng tôi tin rằng qua thơ nó sẽ hiện dấu ấn khác nhau của mỗi vùng miền. Không so sánh, nhưng đó là một thực tế.

Với Hà Nội, cụ thể ở tập thơ này tôi thấy trong thơ của họ hiện lên khá nhiều địa danh. Địa danh  nào cũng ấn tượng và dễ được người đọc chấp nhận vì nó khá phổ biến. Ai trong đời mà không nghe đến những Hồ Tây, Hồ Gươm, Nghi Tàm, Cổ Ngư...? Vì thế, trong Lời nói đầu, chúng tôi nói rõ: “Có những vùng đất dù chưa đặt chân đến, nhưng chỉ cần nghe âm vang của địa danh ấy, bỗng nhiên ta dạt dào một niềm cảm xúc và dành cho nó nhiều tình cảm trìu mến. Hà Nội. Vâng, Hà Nội là một trong những địa danh có sức ám ảnh lạ thường đến thế. Dù chưa làm một cuộc thống kê, nhưng chúng tôi tin rằng, Hà Nội đã đi vào thơ ca nhiều nhất. Từ cổ chí kim, hầu hết các nhà thơ Việt Nam đều có thơ về Hà Nội. Trước đây, bây giờ và mãi sau này Hà Nội vẫn là một nguồn cảm hứng vô tận của các thi sĩ”.

* Sau Thơ tình Sài Gòn và nay là Thơ tình Hà Nội liệu các anh có tiếp tục làm hay thơ tình về những vùng đất khác?

- Tất nhiên là có. Chúng tôi sẽ thực hiện tập thơ tình xứ Huế, như một món quà chào mừng Festival Huế sắp tới. Thử tượng tượng, vài mươi năm nữa,  có được trong tay các tập thơ tình của nhiều vùng miền thì thú vị biết bao nhiêu. Điều thú vị này, cũng tựa như ta được đọc những tập sách địa chí của từng địa phương vậy. Ta sẽ hiểu rõ hơn bản sắc văn hóa, con người của từng địa phương ấy. Bây giờ, qua thơ, tôi tin rằng các nhà thơ sẽ thể hiện được, đúng tình yêu như tính cách của người địa phương đã yêu, đã sống. Cho dù sự thể hiện ấy có ít, hoặc rất ít thì cũng là điều cần thiết để góp phần tạo nên sự khác biệt cho thơ tình.

* Anh có những bài thơ tình về Hà Nội rất hay nhưng vì ngồi ở vị trí biên tập nên không đưa vào? Với anh, vì sao anh viết thơ tình về Hà Nội?

- Căn cứ vào tiêu chí, tôi không thể đưa thơ tôi vào được. Điều này cũng giống như anh đã có vợ, thì trước một phụ nữ khác, anh không thể nói là độc thân và tiếp tục tỏ tình! Tôi có viết khá nhiều thơ tình về Hà Nội, đơn giản chỉ vì như bất kỳ một người đàn ông đa tình nào khác, tôi luôn nuôi dưỡng một tình yêu về Hà Nội.

* Cám ơn anh về cuộc trao đổi này.

     100 bài thơ của 100 tác giả, ngoài những tên tuổi lừng lững như Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Vân Long... còn có sự góp mặt của nhiều cây bút mới đang được dư luận chú ý như Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đoàn Mạnh Phương, Hồ Huy Sơn... và cả những tên tuổi mới mà có lẽ người yêu thơ lần đầu “gặp” họ.


Hoàng Long (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm