Những ngọn đèn không tắt trước giông tố của số phận

10/06/2009 15:10 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Vào một ngày giữa năm 2008, Nguyễn Văn Toán điện thoại cho tôi từ số máy 01689615523. Toán tự giới thiệu về hoàn cảnh của mình (bị ung thư máu), rồi nói rằng anh đã đọc cuốn sách Vẫn tin ở ngày mai của Lê Minh Nguyệt. Toán bảo, anh cũng muốn nhờ tôi giúp đỡ để có thể viết và xuất bản một cuốn sách như thế, nhưng liệu có khó lắm không?

Từ lời đề nghị ấy của Toán, sau 1 năm, bản thảo cuốn sách Ngọn đèn trước gió đã hoàn thành, chờ ra mắt...

1. “Con chưa muốn phải rời xa thế giới này. Con không phải là một người quá tham lam vì con biết trên thế giới này đang có rất nhiều người cũng bị bệnh giống như con. Con chỉ xin Người hãy để cho con được làm một điều gì đó trên cõi đời này, dù đó là nhỏ bé nhưng cũng đủ làm cho con thấy hạnh phúc”.

Nguyễn Văn Toán (đứng giữa) cùng bạn bè bên Hồ Gươm năm 2009
Đó là lời cầu nguyện chân thành nhất của một chàng trai mới tròn 20 tuổi – Tác giả cuốn sách Những ngọn đèn trước gió. Gia đình Toán có 6 anh chị em. Toán là con trai thứ 5. Cha mẹ đều làm ruộng, nhà rất nghèo. Thi đỗ vào Đại học Thủy lợi, nhưng ước mơ của chàng trai trẻ đã bị chặn ngang, bởi số phận đang thử thách anh một cách nghiệt ngã: Khi mới vừa nhập học được một tháng, thì các bác sĩ phát hiện ra Toán đã bị ung thư máu!

Cũng giống như bao người khác, khi đã bị mắc căn bệnh nan y này, cái chết có thể đến với Toán bất cứ lúc nào. Với những người bị ung thư máu, ranh giới của sự sống còn với họ thật mong manh.

Để hy vọng được sống, các bệnh nhân ung thư máu phải thực hiện những đợt truyền hóa chất tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Đó thực sự là những cuộc thử thách cam go, khủng khiếp nhất với mỗi người bệnh. Bởi muốn truyền hóa chất thì không chỉ cần phải sức khỏe, mà còn cần cả nghị lực và khát vọng sống. Mỗi đợt truyền hóa chất thường kéo dài hàng tuần. Người khoẻ mấy cũng phải gục ngã, lông và tóc đều rụng hết. Nhiều người bệnh đã không qua nổi một, hai đợt. Vậy mà theo phác đồ điều trị chung, họ phải truyền hóa chất từ 6 đến 8 lần, mới hy vọng diệt hết tế bào lạ trong máu và có thể trở về nhà, đi khám định kỳ và... thấp thỏm nghe ngóng. Chỉ có sự may mắn của số phận mới giúp người ta có thể tồn tại.

2. Nguyễn Văn Toán là một trong những người may mắn. Bằng sự chịu đựng, niềm tin vào sự sống, ý chí và nghị lực phi thường; các bác sĩ và gia đình đã nhiều lần giành giật lại anh từ bàn tay của tử thần. Những ngày nằm viện, Toán đã chứng kiến cái chết của hàng chục bệnh nhân thân quen. Mỗi người ra đi một kiểu, nhưng tất cả đều giống nhau là để lại nỗi đau khôn cùng cho thân nhân của họ.

... Nhiều đêm trong bệnh viện đột nhiên vang lên tiếng khóc… Đó là tiếng khóc của người mẹ vừa mới bị mất đứa con trai duy nhất của mình...

Vậy là các bạn tôi đã lần lượt ra đi… Họ đã chết không phải vì họ không cố gắng, không kiên cường; họ chết vì thử thách mà họ phải đương đầu là quá lớn, quá sức chịu đựng.


Nguyễn Văn Toán đã viết như thế trong cuốn sách của mình. Anh đã may mắn hơn một số người bệnh khác, là vượt qua 6 đợt truyền hóa chất để tồn tại cho tới hôm nay. Còn ngày mai, với Toán thì chưa thể biết thế nào. Nhưng không vì thế mà Toán lo lắng và buồn phiền mãi: Và giờ đây, đã đến lúc tôi cần được sống như những gì mình mong muốn trong cái thế giới tươi đẹp này. Cho dù sau này có chuyện gì xảy ra đi nữa, cho dù cuộc đời của tôi có ngắn ngủi, tôi cũng không bao giờ hối hận...

Anh đã quyết làm được một việc có ích cho mọi người là cố gắng viết một cuốn sách kể về cuộc sống của những người bị ung thư máu...

 Market bìa tác phẩm của Toán
3. Lần đầu tiên đến gặp tôi, Toán được người anh kèm xe máy đưa đến. Ấn tượng của tôi, đó là chàng trai còn rất trẻ, da hơi xanh tái vì bệnh máu. Anh xin phép không bỏ chiếc mũ vải nhỏ trên đầu (vì tóc đã rụng hết, còn chưa kịp mọc). Toán mang đến cho tôi một cuốn sổ tay đã viết vài chục trang, bằng một kiểu chữ học trò nắn nót. Toán nói đấy là tác phẩm của anh muốn xuất bản. Tôi ước tính số chữ, nếu cho vi tính và in ra, chắc được khoảng 50 trang sách. Nhưng khi tôi đọc lướt qua nội dung cuốn sổ, thì cảm nhận được một điều: Đây không phải là chuyện văn chương, mà là chuyện về những số phận nghiệt ngã và cuộc chiến sinh tồn của những mảnh đời không may mắn. Tôi hướng dẫn cho Toán viết tiếp…

Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Văn Toán là nhân vật chính, là người kể chuyện, nên anh đã xưng "tôi" với bạn đọc. Nhưng còn các mối quan hệ khác với các nhân vật khác như: cha mẹ, anh em, bạn bè và những người Toán quen biết khi chữa bệnh... thì anh vẫn viết theo cách xưng hô của một chàng trai 19 tuổi. Do vậy, khi đọc tác phẩm, người đọc cần đặt mình vào tác giả mới cảm nhận được hết những buồn vui, đau đớn của người viết.

Thêm nữa, trong cuốn sách này, Toán sử dụng rất nhiều những cụm từ chỉ thời gian như: "hôm nay", "sáng nay", "trưa nay", "tối nay", "ngày mai"... như người ta vẫn viết trong nhật ký, nhưng lại không cụ thể ngày tháng năm nào, mà chỉ mang tính ước lệ là chuyện hoàn toàn có thật, đã từng xảy ra, vừa mới xảy ra, mà tác giả là người trong cuộc. Và những chuyện rất thật ấy, cũng chính là điều giá trị nhất của những cuốn sách thuộc thể loại tự truyện như Những ngọn đèn trước gió.

Hơn ai hết, Nguyễn Văn Toán cũng là một "Ngọn đèn trước gió", đang tự cháy suốt ngày đêm. Nhưng anh đã là một "Ngọn đèn" của niềm tin và hy vọng sống, nên không thể tắt trong lòng người thân, bạn bè và những người bị bệnh ung thư máu.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm