13/05/2009 12:47 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Trong khoảng mấy chục văn sĩ (cả phê bình và sáng tác) mà tôi được biết, Nguyễn Quang Lập là người nói bỗ bã số một. 13 năm trước được gặp anh tại nhà riêng ở phố Lò Sũ. Nghe anh nói giọng “thẳng tưng”, bỗ bã, huych toẹt, cú một, không đưa đưa, đẩy đẩy, lươn lươn lẹo lẹo... nghe “đã đời”. Nay gặp lại anh, thấy anh đi lại khó khăn - do bị tai nạn, nhưng anh vẫn khỏe, vẫn nguyên xi một giọng nói tục, huych toẹt, thẳng tưng, không ấm ớ, lại thấy thật “đã đời”!
2. Đọc Ký ức vụn, tôi có cảm giác, Nguyễn Quang Lập ngồi chơi trò ru bích (mượn cách nói của Thanh Thảo). Ký ức vụn là một khối hổ lốn, một khối ru bích, Nguyễn Quang Lập cứ xoay một mặt là ra một cái nhìn độc đáo, mới mẻ về một mảnh đời gắn với một vấn đề đời sống như vừa nói trên đây.
Nguyễn Quang Lập như không viết văn, mà ngồi kể chuyện “cộ” (tiếng miền Trung, “cộ” là “cũ”). Sự sống hiện ra như nó đã có. Nhưng mỗi câu chuyện của anh bao giờ cũng vút lên một điều gì đó, làm ta nhức nhối, rưng rưng - với lối viết ngắn gọn, hiện đại. Đoạn kết của mỗi chuyện, ngôn ngữ của Nguyễn Quang Lập “ ngầm” xoẹt ngang một “nhát”, như bom sát thương, làm ta điếng người. Tôi đã bật khóc khi đọc Ký ức năm hào. Tôi cũng dám chắc nước mắt nhà văn đã nhòa trang giấy trong âm điệu câu văn trấn an cho tâm trạng quá khứ mà thực ra là hiện tại: “Khi đó mình không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc”. Bây giờ thì anh đang khóc. Có phải đó là những giọt nước mắt quý hiếm trong thời đại chúng ta đang sống - thời đại “thừa tâm lý, thiếu tâm hồn” như nỗi lo âu của nhà văn giải Nobel - Octavio Paz?
Nguyễn Quang Lập đã thật sự ám ảnh ta bằng cái thế giới độc đáo mà anh hồi ức. Thế giới ấy có nhiều nhà văn tên tuổi từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn... có những nhà kinh doanh thành đạt... chung quanh cuộc đời Nguyễn Quang Lập. Nhưng sao nhớ và thương đến thế con người, cảnh vật nơi cái thị trấn Ba Đồn bé nhỏ, cái làng Đông - gia đình anh sơ tán. Đó là những thằng Hoàn, thằng Á, chị Du, thằng Thanh, anh cu Cá, cu Luật, cu Đô, và nhất là nhớ con Hà - thiên sứ của đời anh, đã làm ta bật khóc.
Nguyễn Quang Lập đã phổ vào những trang văn Ký ức vụn tấm lòng yêu quê, say quê tha thiết! Trong văn Nguyễn Quang Lập, con gái quê anh ai cũng đẹp. Con Sử “trắng bóc, tóc mượt”, “cười có lúm đồng tiền chấm phẩy”. Con Hà thì “dong dỏng cao, trắng trẻo, tóc dài, giống Thu Hà, báo Tuổi trẻ”. Chị Du thì “trắng trẻo, múp máp”. Cô Th. thì “xinh, giọng đẹp, văn công lấy vào làm giới thiệu”. Cùng với những người con gái đẹp là vẻ đẹp của thiên nhiên quê anh, những rặng trâm bầu, những rặng cây dẻ trắng che cho đình làng quanh năm mát rượi... Nguyễn Quang Lập đã làm ta bất ngờ trước vẻ đẹp của con người và quê hương của một vùng gió Lào cát trắng, thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh từng hủy diệt một thời!
3. Không thể không nói đến tài dựng chân dung của Nguyễn Quang Lập. Mấy chục đứa, “không đứa mô giống đứa mô”. Từ chị Thuận hay ăn ruồi, thằng hai đầu gối, thằng Á, chị Du, thằng Thanh, con Hà ở quê anh... đến đám bạn bè nhà văn, rồi người đẹp chị MYZ, Tuyết Nga, Hồng Ánh... “đứa mô ra đứa nấy”.
Các nhân vật như đi đứng, nói năng trước mắt ta. Mỗi người nói với ta một điều về sự sống. Họ vừa đáng trách, vừa đáng quý. Nhưng với mọi cuộc đời, mọi số phận, Nguyễn Quang Lập đều kín đáo gửi gắm một niềm cảm thông nhiều chiều, chân tình, da diết. Chính điều này đã phủ lên văn Lập một khí hậu ấm áp, tin yêu. Đằng sau câu chữ nhiều lúc xót xa, đắng đót và có vẻ thẳng tưng, bỗ bã kia, văn anh giấu một niềm tin yêu. Như người em gái Tuyết Nga, dẫu trải qua nhiều bất hạnh vẫn nuôi nấng niềm vui với mọi người, giữ lấy “tiếng cười trong vắt, bền bỉ suốt cả cuộc đời”! Đây chính là bản lĩnh của nghệ thuật Nguyễn Quang Lập vậy.
Có tình lớn mới đảm bảo được văn hay. Có chân tâm với người, với đời, cách nào rồi thiên hạ cũng biết. Ký ức vụn của Lập được bảo hành bởi khối tình lớn đại thể như tôi đã nói trên đây. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một cách nhìn. Văn học cần nhiều cách nhìn. Thế thì, Ký ức vụn đang chờ bạn đọc.
(*) Tiến sĩ ngữ văn, giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất