Khoác mặt nạ để... tranh cãi về thơ

10/02/2009 15:25 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Trong trường ngôn luận, bút danh có thể được coi như một thứ mặt nạ. Khi viết các chuyên mục hài hước, châm biếm, nhà báo hoặc nhà văn thường dùng một loại bút danh ít nhiều ẩn danh, bất định, như một thứ vai lạ trong một trò diễn nào đó. Đôi khi, cái “mặt nạ” tạo bằng bút danh cũng được dùng để thực hiện những tranh biện nho nhỏ…

Như chuyện tranh biện dưới đây, giữa Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng, xung quanh một nhận xét về tính cách “hay thơ” của người Việt.

 Cụ Huỳnh Thúc Kháng 
Nhận xét nói đến ở đây có xuất xứ từ cuốn Doanh hoàn chí lược (của tác giả Trung Hoa Từ Kế Dư, soạn vào những năm 1840, nằm trong vốn “tân thư” mà sĩ phu người Việt đương thời thường tìm đọc) theo đó thì sĩ phu An Nam ưa làm thơ lắm, tuy dở đến nỗi không thành câu, mà vẫn ham làm (“kỳ sĩ phu háo vi thi, tuy liệt bất thành cú, diệc háo vi chi”).

Đối với nhận xét này, Phan Khôi là người tán đồng nên thường viện dẫn trong những bài bình luận về thơ của mình, ví dụ trong một vài bài của mục Nam âm thi thoại. Nhưng nhận xét ấy lại khiến Huỳnh Thúc Kháng bất bình, và sự bất bình ở ông như càng tăng khi ông thấy nhận xét ấy thi thoảng lại được Phan Khôi nhắc lại, láy lại. Chẳng thể để yên, ông bèn lên tiếng nhắc nhở họ Phan, nhưng chừng như không muốn làm to chuyện, ông dùng bút danh X.T.T. (thường được hiểu là Xích Tùng Tử hoặc Xà Túc Tử) với bài Sao gọi là hào kiệt đăng báo Tiếng dân (Huế, số 393, tháng 6/1931), bảo rằng, cái nhận xét sĩ phu nước ta “hay làm thơ mà thơ không thành câu” ấy là câu nói làm nhục học giới mình, vì vậy X.T.T. bác bỏ nhận xét ấy và nêu tên tuổi Cao Bá Quát để chứng tỏ rằng trong sĩ phu Việt Nam cũng có người vừa hay thơ vừa thơ hay; điều X.T.T. tỏ ra phiền lòng là trong học giới của ta lại có kẻ vui lòng tự nhận câu ấy là đúng! – Ý trách cứ riêng nhắm vào Phan Khôi đã thật rõ.

Tất nhiên họ Phan không làm ngơ. Dưới bút danh Thông Reo trong mục Những điều nghe thấy của nhật báo Trung lập (Sài Gòn, 8/7/1931), Phan Khôi khẳng định ý mình: “Quả nhiên người An Nam làm thơ dở mà ưa làm thơ”. Thông Reo bảo cho X.T.T. rằng ông không hiểu ý sách: “Người ta chê là chê cả sĩ phu An Nam có tánh ưa làm thơ quá, chớ có phải nói An Nam không người hay thơ đâu mà đem ông Cao Bá Quát ra? Có một ông Cao Bá Quát hay thơ, còn nhiều người thơ dở, thì cũng không thể bảo được là câu ấy nói không trúng”.

Không chỉ “cãi lý” không thôi, Thông Reo còn đi một bước táo bạo này: lôi chuyện làm thơ của chính Huỳnh Thúc Kháng ra làm chứng. Thông Reo bảo với bạn đọc rằng mình có quen ông Phan Khôi (!) được Phan Khôi nói cho biết rằng, chính cụ Huỳnh Thúc Kháng đó, đậu thủ khoa tiến sĩ hẳn hoi, mà hồi trước thơ chữ Hán của cụ dở lắm, song cụ vẫn ưa làm luôn. Ông Phan kể với Thông Reo hai chứng cớ. Một là hồi ông cùng cụ bị giam trong ngục Quảng Nam, rủ nhau làm thơ hạn vận, đề “Kinh Kha nhập Tần” với hạn vận “đường”, mà câu của cụ là “Lục phi nhiễu tất đẳng không đường” – chữ “lục phi” chỉ 6 con ngựa khi vua đi ra, nhưng khi đó Tần vương đang trong cung thì dùng chữ “lục phi” là không ổn, thế nghĩa là bất thành cú đó! Hai là cụ Huỳnh có một tập thơ chừng gần một ngàn bài, sau khi cụ bị đày ra Côn Đảo, ông Phan trở về tìm được đem giấu ở nhà mình, rồi vì bị quan nha đến lục soát, ông đã đốt mất; khi cụ Huỳnh về, ông Phan nói lại chuyện ấy thì cụ cảm ơn vì đã giúp làm cho cái dở của cụ mất tích đi! Ông Phan bảo là thơ cụ Huỳnh cũng có nhiều bài hay, nhưng là những bài từ năm 1906 trở về sau, chớ còn hồi trước thì thật dở, tuy dở mà lại hay làm!

 Học giả Phan Khôi
Đeo mặt nạ lên mà lại nói đến cả những điều dường như chỉ hai người với nhau biết như thế, Phan Khôi đã đặt Huỳnh Thúc Kháng vào cái thế… có lẽ chỉ còn cách cười trừ! Vẫn dưới bút danh X.T.T., ông lên tiếng (vẫn trên Tiếng dân, 18/7/1931) trách cái tính “lá lay” (= hay sinh chuyện, hay đặt điều) của “bác Thông Reo”; nhưng X.T.T. cũng tự xưng là người quen “cụ Huỳnh”, kể lại rằng đã đến hỏi cụ và cụ cũng “nhận những lời ông Phan Khôi nói trên là thực cả”, lại dẫn thêm câu thơ của ông Phan trong cuộc họa thơ trong tù “Đồ chuỷ ngang ngang độc thượng đường; Thạnh tâm nguyên bất vị Yên vương” với nhận xét: địa đồ với lưỡi gươm (chủy thủ) bị gom chung (đồ chủy) thì ai hiểu nổi? vũ khí hành thích sao lại để lộ ra ngang nhiên? Thái tử nước Yên sao lại gọi “Yên vương”? nghĩa là cũng bất thành cú; nhưng rồi X.T.T. xoa dịu rằng, nếu kể trong cả đời làm thơ thì đến Lý Đỗ cũng có khi bất thành cú! Tuy thế, trước sau chính X.T.T. vẫn tuyên bố một mực không thừa nhận nhận xét trên của sách Doanh hoàn chí lược!

Nhắc lại câu chuyện tranh cãi về thơ của những bậc cổ nhân như trên, điều thú vị là hai người thân quen cũ này đã dùng “mặt nạ tác giả” để đối đáp nhau: Phan Khôi dưới bút danh Thông Reo bảo rằng “chuyện này tôi đem hỏi ông Phan Khôi, ông nói rằng…”; Huỳnh Thúc Kháng dưới bút danh X.T.T. cũng bảo rằng “tôi đem chuyện hỏi lại cụ Huỳnh, cụ nói...”. Và chuyện mà người ta gọi cho to chuyện là bảo vệ quan điểm hay thị hiếu, với cách xử lý này, đã trở nên nhẹ đi, vui hơn hẳn, tuy không nhất thiết có ai trong hai người ấy phải thay đổi quan niệm riêng của mình.
 
Nhà nghiên cứu phê bình Lại Nguyên Ân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm