Bài 1: Vụng về trình diễn thơ

09/02/2009 10:25 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Thơ trình diễn đương đại bắt đầu du nhập và xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2001 với vai trò lớn thuộc về họa sĩ - nhà thơ Như Huy. TP.HCM được coi là nơi khởi phát loại hình nghệ thuật này nhưng nơi làm cho nó phát triển, tồn tại để… tàn úa đi là Hà Nội.

Trình diễn thơ đương đại Việt Nam chưa có công chúng

Sau 8 năm, thơ trình diễn (poetry performance) vẫn hiếm khi rời xa khỏi hai đầu trung tâm đất nước để đến với những tỉnh thành khác. Mặc dầu, năm 2007 được coi là năm của trình diễn thơ khi hàng loạt các chương trình liên tục diễn ra, nhưng sang đến năm 2008, số lượng đã ngay lập tức suy giảm.
 
Dạ Thảo Phương và Dương Tường trong Ngày thơ Việt Nam 2008

Thơ trình diễn trên thực tế đã có công chúng riêng của mình? Câu trả lời là hầu như không! Nguyên nhân là bởi địa điểm tổ chức trình diễn thơ (có chất lượng, được đầu tư kỹ, có sự tư vấn, tham gia của chuyên gia giàu kinh nghiệm do Hội đồng Anh, sau đó là trung tâm văn hóa Pháp tổ chức) khá chật hẹp, thông tin về buổi trình diễn không phổ biến rộng, muốn thưởng thức thì phải có giấy mời (thường giấy mời được phát cho những đối tượng cố định). Cũng như loại hình anh em - nghệ thuật trình diễn (performance art), công chúng thưởng thức chủ yếu là những người đồng nghiệp, hoặc là một số trí thức có quan tâm đến nghệ thuật mới, còn với đông đảo công chúng, thơ trình diễn vẫn là thứ xa xỉ, lạ lẫm, khó coi và bị không ít người yêu thơ phản đối ra mặt, họ cho rằng đó là một kiểu giết thơ tinh vi nhất (nguyên do vì sao xin được nói sau). Mặt khác, ngay trong chính nội bộ của những người hăng hái tham gia trình diễn thơ, vẫn luôn tồn tại những quan điểm bất đồng. Cho đến bây giờ vẫn chưa có một “chuẩn sàn” nào cho trình diễn thơ.

Khán giả? Không quan trọng!

Có một điểm chung giữa một tác phẩm thơ trình diễn đương đại và một tác phẩm nghệ thuật trình diễn (các nhà chuyên môn đồng thống nhất) là yếu tố giao lưu giữa nghệ sĩ và khán giả được quan tâm hàng đầu. Trình diễn tác phẩm là hình thức kết nối gần nhất giữa nghệ sĩ và khán giả. Trong suốt buổi trình diễn, khán giả luôn giữ vai trò quan trọng nhất và là một phần không thể tách rời trong mối quan hệ tương tác với nhà thơ.
 
Khi được hỏi về việc làm thế nào để tạo được sự liên kết giữa nhà thơ và khán giả, “Nữ hoàng trình diễn thơ” nổi tiếng của nước Anh, Francesca Beard (sinh năm 1968 tại Malaysia, hiện định cư tại Anh, người được coi là đại diện cho nền văn học đương đại Anh tại rất nhiều nước trên thế giới, từ Azerbaijan đến Bulgaria rồi Colombia), cho rằng đó là một câu hỏi quan trọng và bất cứ ai muốn trở thành nhà thơ trình diễn cần biết điều đó. Theo chị, mỗi nhà thơ có cách trình diễn thơ của mình. Chị thường tiến hành theo ba bước. Bước thứ nhất là phải tập luyện kỹ càng, để luôn có sự giao tiếp với khán giả. Bước thứ hai làm cho thơ của mình thật hay, thật đẹp, và dễ tiếp cận được với khán giả, thích hợp thị hiếu khán giả nhưng vẫn giữ được cảm xúc, tư tưởng của mình. Bước thứ ba là trong quá trình trình diễn, cần có sự tương tác với khán giả và khi thấy khán giả không có chung cảm xúc với mình thì cần thay đổi sự trình diễn ngay lập tức.
 
Trong đêm thơ trình diễn của mình (tháng 9/2007 tại Hội đồng Anh - giao lưu với hai nhà thơ Việt Nam là Vi Thùy Linh và Trương Quế Chi), đòi hỏi ban đầu của Francesca Beard là bục sân khấu càng thấp càng tốt, sao cho không tạo khoảng cách quá xa giữa nghệ sĩ và khán giả. Trước khi trình diễn, chị mời khán giả ngồi sát vào sân khấu. Trong suốt buổi trình diễn, chị không ngừng giao lưu với khán giả.
 
Vi Thùy Linh, Dạ Thảo Phương trình diễn và giới thiệu thơ
với kẹo lạc và nước chè

Nhìn lại các buổi trình diễn của các nhà thơ Việt Nam, hầu như không thấy có sự giao lưu giữa nhà thơ và khán giả. Các nhà thơ chọn thơ/ trình diễn thơ hết sức bản năng và chủ quan, không quan tâm đến việc khán/thính giả của mình là ai, nhu cầu ra sao. Từ đó dẫn tới việc không có sự kết nối giữa nhà thơ và khán/ thính giả. Tác phẩm thơ vì thế cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng, trừ khi nhà thơ đọc đi đọc lại một bài thơ đã quá cũ (nhưng được đông đảo công chúng biết đến) trong hai, ba buổi trình diễn khác nhau. Trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ VI, lần đầu tiên trình diễn thơ trở thành chủ đề chính và được đến với đông đảo công chúng, nhưng với sân khấu cao hơn một mét, khán giả ngồi/ đứng cách xa sân khấu 4-5 mét đã tạo khoảng cách quá tách biệt giữa nhà thơ và khán giả.

Thơ trình diễn - thơ là phụ

“Diễn xướng vốn là hình thức phổ biến của thơ nguyên thủy. Sau khi có sách in, nó vẫn không hề suy yếu. Ở Việt Nam xưa, nếu bình thơ là hình thức đọc thơ phổ biến nhất, thì có thể coi ngâm, ca trù là những hình thức diễn xướng thơ theo con đường nhạc hóa độc đáo của Việt Nam. Thế kỷ XX, ngâm thơ (sau này còn gọi là diễn ngâm) trở nên hình thức diễn xướng thơ chủ đạo, trước khi có sự cạnh tranh của lối đọc diễn cảm bắt đầu từ kháng chiến chống Pháp (với những giọng đọc nổi tiếng như Hoàng Cầm, với biến thể là kiểu tấu như của Thanh Tịnh) đến sau 1954 thì phát triển thành đọc diễn cảm có nhạc đệm ở miền Bắc. Nhiều nhà thơ hiện đại phản đối ngâm thơ, trong đó có Xuân Diệu (ông cho ngâm là giết thơ)”. Hoàng Hưng (Trích trong Đọc và trình diễn thơ ở Việt Nam hiện nay - Nguồn: Văn nghệ trẻ).

Khi xem các buổi trình diễn thơ giao lưu giữa các chuyên gia về trình diễn thơ của nước ngoài và các nhà thơ của Việt Nam, có thể nhận ra rằng: trong khi các nhà thơ (Roger Robinson, Francesca Beard của Anh, Jean - Michel Maulpoix, André Velter của Pháp) “đọc thơ mình một cách giản dị, tự nhiên, truyền cảm chủ yếu bằng giọng đọc và động tác hình thể có mức độ” (như nhận xét của nhà thơ Hoàng Hưng) thì các nhà thơ Việt Nam quá lạm dụng các yếu tố phụ trợ như âm nhạc, tiếng động đường phố, hình ảnh (video art), ánh sáng... làm thơ từ yếu tố chính trở thành phụ.
 
Như trong đêm diễn Lý Club, Hà Nội (1/2007) - đêm mở đầu cho một năm lên ngôi của thơ trình diễn - với Vi Thùy Linh, điều mà khán giả còn nhớ được là thái độ bực tức của chị khi hình ảnh, âm thanh đã chuẩn bị trước diễn ra không như ý. Về tác phẩm của Dạ Thảo Phương, video art về khung cảnh quen thuộc và ca từ của bài Đời cho ta thế (Trịnh Công Sơn) do nghệ sĩ Phạm Ngọc Dương làm quá ấn tượng - đó là chưa kể âm thanh của video art át luôn giọng đọc nhỏ - làm người xem quên cả thơ của chị.

Tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ VI, nhiều tác phẩm trình diễn thơ minh họa vội và thô làm thơ trình diễn không thể đến được với công chúng. Ít ai nhớ được các nhà thơ trẻ đọc bài gì, họ chỉ ghi nhận Vi Thùy Linh, Đào Kế Đoàn biểu diễn kịch câm hình thể khá đạt; Đoàn Văn Mật cùng Tấn Cường “chèo hóa” thơ; Dạ Thảo Phương cùng Minh Ánh, Dương Hoàng Yến kết hợp thơ với nhạc nhưng nhạc lại có phần nổi trội; Hồ Huy Sơn sắp đặt thơ với người rối, mặt nạ một cách máy móc, khiên cưỡng gây cho người xem cảm giác tẻ nhạt, bức bối...

Đọc sáng tác của mình cho người khác nghe đồng nghĩa với việc nhà thơ muốn tác phẩm của mình đến với người khác một cách hiệu quả hơn là qua mặt chữ trên trang giấy. Trình diễn là một biện pháp khác nhằm thu hút sự quan tâm của khán giả, phát triển độc giả cho mỗi nhà thơ. Có ba yếu tố cốt lõi trong Thơ trình diễn: Người trình diễn - tác phẩm thơ - khán giả. Nhưng sau 8 năm Thơ trình diễn xuất hiện ở Việt Nam, nhiều nhà thơ đã có “công” lớn trong việc đưa hai trong ba yếu tố cốt lõi (tác phẩm thơ, khán giả) bị che khuất bởi yếu tố quan trọng (hay gần như duy nhất?) - người trình diễn!

Chương trình biểu diễn năm 2001 tại quán cafe EraWine (khách sạn Lotus, đường Nguyễn Trãi, TP.HCM) do họa sĩ Như Huy tổ chức, có thể xem là mở đầu cho hình thức thơ trình diễn đương đại du nhập vào Việt Nam, với đối tượng công chúng khá hạn chế. Cuối năm 2005, tại L’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp), có thể là lần đầu tiên công chúng thủ đô biết đến thơ trình diễn qua chương trình Chiều buông đầy những thở dài của nhà thơ Dương Tường. Năm 2007, thơ trình diễn bắt đầu phổ biến nhờ Hội đồng Anh, Trung tâm Văn hóa Pháp, qua các chương trình giao lưu giữa một số nhà thơ nổi tiếng thế giới như Roger Robinson, Francesca Beard của Anh, Jean-Michel Maulpoix, André Velter của Pháp với các nhà thơ trẻ Việt Nam như Nguyễn Vĩnh Tiến, Dạ Thảo Phương, Vi Thùy Linh, Trương Quế Chi, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Thanh Xuân... Ngày thơ Việt Nam lần thứ VI (2008), với chủ đề Trình diễn thơ tại sân thơ Trẻ (Văn Miếu, Hà Nội) do Ban văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức đã nhận được nhiều lời khen, chê khác nhau. Năm nay, công tác chuẩn bị cho Sân thơ trẻ 2009 diễn ra trong ngày rằm tháng Giêng Kỷ Sửu (Nguyên Tiêu) tới đây đang được gấp rút tiến hành với chủ đề Thơ trẻ 360độ! - một câu chuyện được kể bằng thơ trong đó thơ trình diễn đương đại tiếp tục có mặt. Với 8 năm tồn tại ấy, thơ trình diễn của Việt Nam đã thực sự đến được với công chúng bằng hình thức mới, hay vẫn tiếp tục gợi lên những dè chừng và thậm chí là nghi ngại?
 
Tuấn Nhi
 

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm