Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Vẹn nguyên như thuở Hương thầm

29/06/2008 08:30 GMT+7 | Đọc - Xem

Phan Thị Thanh Nhàn
“Làm anh khó đấy
Phải đâu chuyện đùa
Với em gái bé gái
Phải “người lớn” cơ!”
(Làm anh, trích)

(TT&VH Online) - Với việc đưa vào SGK và được phổ nhạc, “Hương thầm” (SGK lớp 9), và “Làm anh” (SGK lớp 2) của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã lặng lẽ thấm sâu vào ký ức của biết bao thế hệ. Đã ngoài 60, chị vẫn như thưở Hương thầm. Chị vừa viết bài thơ mới mang tên “Người yêu mới”!

Hương thầm – viết về chuyện của em trai

* Cho đến giờ, vẫn còn rất nhiều người tò mò về bài thơ Hương thầm. Chị có phải là nhân vật nữ của bài thơ ấy?

- Khung cửa sổ hai nhà cuối phố là cửa sổ ở phố Yên Phụ (Hà Nội), nơi gia đình tôi sống. “Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp” trong bài thơ là em trai thứ 6 của tôi – tên là Phan Hữu Khải- và cô bạn cùng lớp của cậu ấy. Bài thơ tôi viết tặng Khải mà Khải hoàn toàn không hay biết.

Ít lâu sau khi Khải lên đường, cậu ấy có viết thư về cho tôi, trong đó có đoạn: "Em nghe đài ngâm bài thơ Hương thầm của chị. Tôi còn chưa kịp viết thư cho em kể rằng "Bài thơ viết về chuyện của em đó", thì cậu ấy đã hi sinh rồi.

* Bài thơ Hương thầm giúp chị đến rất sớm với công chúng. Điều ấy có bao giờ tạo nên áp lực với chị không?

- Năm 1969 bài thơ đã nhận giải nhì cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ (giải nhất năm ấy thuộc về anh Phạm Tiến Duật). Sau giải thưởng, tôi vẫn viết, một cách thành thật và giản dị; tuyệt nhiên không phải là kiểu thơ lý trí, sắp đặt hay trình diễn.

* Nhắc đến nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, rất nhiều người nhớ ngay đến bài thơ Hương thầm – và cũng chỉ được biết đến nhiều nhất ở bài đó thôi, có chăng là thêm bài “Làm anh”... Trong khi đó chị còn có rất nhiều những bài thơ khác nữa, và chúng cũng rất hay. Điều đó có khiến chị thấy buồn?

- Việc độc giả còn nhớ tên mình, nhớ tác phẩm của mình - với tôi đó đã là một vinh dự rồi. Bài thơ đã có tuổi đời gần 40 rồi, vậy mà nhiều người chưa quên nó, thế thì là hạnh phúc chứ. Tôi thường xuyên có những chuyến đi, và có nhiều kỉ niệm khó quên. Ví dụ, có một bạn trẻ khi nhìn thấy tôi thì hỏi: cô có phải là nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn không? Và bạn ấy lập tức hát ngay bài Hương thầm (nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc – PV) cho tôi nghe. Tôi rất cảm động. Cách đây ít lâu, nhà văn Trần Chiến khi ra sách mới, lặn lội đến tìm tôi để tặng sách. Mà lý do là “ vì nhớ câu thơ của Nhàn mà phải tặng sách” . Đó là những câu thơ trong bài Con đường: “Nếu anh đi với người yêu /Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi /Con đường ta đã dạo chơi /Xin đừng đi với một người khác em”.

* Biết nhường em hơn vì đọc “Làm anh

* Có thơ được chọn vào sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh (bài Hương thầm – SGK lớp 9, Làm anh – SGK lớp 2), chị có bất ngờ?

- Thực ra trước khi bài thơ được đưa vào sách giáo khoa, tôi và một số tác giả khác đã được NXB Giáo dục mời đến để cùng bàn bạc. Trong số nhiều bài thơ của tôi thì những người làm sách đã chọn hai bài này.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (Giải thưởng Nhà nước về VHNT), sinh năm 1943 tại Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chị làm thơ từ rất sớm, đầu những năm 1960 đã có thơ đăng báo. Năm 1969, bài thơ Hương thầm của chị đã đoạt giải nhì cuộc thi thơ của báo Văn nghệ.

Phan Thị Thanh Nhàn viết nhiều thơ tình, theo năm tháng, những bài thơ tình của bà từ nhẹ nhàng, tươi tắn chuyển sang giàu trải nghiệm, trăn trở nhưng độ lượng hơn. Nhưng dù thế nào, những bài thơ của bà vẫn rất chân thành, gần gũi và vì thế chiếm được chỗ trong lòng người đọc. Tác phẩm tiêu biểu: Tháng giêng hai (thơ-1969); Hương thầm (thơ -1973); Chân dung người chiến thắng (thơ-1977); Bông hoa không tặng (thơ-1987); Nghiêng về anh (thơ-1992); Xóm đê ngày ấy (truyện thiếu nhi-1977); Hoa mặt trời (1978); Ánh sáng của anh (1978); Tuổi trăng rằm (truyện thiếu nhi-1982); Bỏ trốn (truyện thiếu nhi-1995); Học trò lớp 9 (truyện thiếu nhi 2008)…

* Bài Làm anh là một bài thơ được các em rất thích: “Làm anh khó đấy/Phải đâu chuyện đùa/Với em gái bé/Phải ngưòi lớn cơ” và “làm anh thật khó/ nhưng mà thật vui/ ai yêu em bé/ thì làm được thôi”. Các phụ huynh hay dùng bài thơ này để dạy con mình trong việc yêu thương và nhường nhịn các em nữa…

- Nhà tôi có 9 anh chị em. Tôi là con thứ ba trong gia đình, dưới tôi còn 3 em trai và hai em gái. Bố mất sớm nên chúng tôi phải tự bao bọc, yêu thương lẫn nhau. Tuy nhiên cũng có những lúc anh chị em trong nhà “không ai chịu ai”.

Tôi viết bài thơ này để tặng các em của mình và cũng để nhắc nhở trách nhiệm của người làm anh, làm chị trong gia đình. Rất vui là bài thơ sau này được các cháu của tôi cũng rất thích. Mỗi khi có điều kiện gia đình quần tụ bên nhau, thế nào cháu Bắc (năm nay lên 6 tuổi) cũng xung phong đọc bài thơ cho cả nhà nghe. Tình cờ một lần lên mạng, tôi gặp được tâm sự của một bạn nữ, bạn ấy có viết rằng rất yêu bài thơ Làm anh. Vì nhờ có bài thơ ấy mà người anh của mình biết nhường nhịn và yêu thương mình hơn. Quả thực điều đó khiến tôi rất cảm động. Người sáng tác, nhận được chia sẻ và yêu mến từ bạn đọc của mình thì còn gì ý nghĩa hơn.

* Theo tôi được biết thì cả bài Hương thầm và Làm anh của chị đều đã được phổ nhạc?

- Vâng, tuy nhiên cũng có điều hơi đáng tiếc đó là bài thơ Làm anh được phổ nhạc nhưng tôi hoàn toàn không hay biết. Mãi đầu năm 2008, em tôi ở trong Miền nam gọi điện ra báo tin bài thơ được phổ nhạc và xuất hiện trong nhiều băng đĩa dành cho thiếu nhi – nhưng tên tác giả thơ ghi trên băng đĩa lại là của Trần Đăng Khoa. Em tôi rất bức xúc chuyện này. Tôi thì chẳng biết nói gì…

* “Người yêu mới” là “chàng Internet”!

* Nhiều độc giả tò mò về nhà thơ Hương thầm bây giờ ra sao?

- Tôi sống bình dị như những người phụ nữ khác. Và vẫn làm thơ. Tôi còn đang học viết bằng vi tính nữa, và có một bài thơ mới tên là “Người yêu mới”. Chắc bạn sẽ rất tò mò? Xin thưa, “người yêu mới” của tôi chính là “chàng Internet”.Tôi đang từng bước chinh phục “chàng”.

*

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cười khúc khích khi nói đến “người yêu mới” của mình. Đoạn chị dẫn tôi vào phòng riêng, khoe chiếc máy tính mới và hỏi tôi một số thao tác xử lý trên máy. Tôi lặng lẽ nhìn khuôn mặt chị . Những vết chân chim hằn sâu trên khoé mắt. Và nhìn thấy từ trong đôi mắt ấy thấp thoáng những giấc đêm không tròn. Chồng chị - nhà thơ Thi Nhị qua đời khi chị mới ngoài 30. Đó là một cú sốc rất lớn. Chừng ấy năm, chị một mình nuôi con khôn lớn; và đương đầu với biết bao sóng gió. Nhưng tình yêu với nhà thơ Thi Nhị vẫn vẹn nguyên trong chị.

Chị từng viết: Ước gì gặp lại anh. Dù chỉ trong phút cuối. Để nói một lời thôi. Em đã yêu anh nhất. Ước gì giọt nước mắt. Thấm được vào môi anh. Để trong giờ phút cuối. Anh biết em ở gần. Ba mươi năm bước đi một mình trên đường đời gian khó, người phụ nữ ấy không khỏi những phút chạnh lòng, xót xa thương mình, thương con. Vậy nhưng thơ của chị vẫn luôn đằm thắm, đôn hậu, yêu người, yêu đời. Mỗi lần gặp chị, tôi đều có cảm giác thanh thản đến lạ lùng…

Hồ Điệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm