(TT&VH Online) - Bài hát Người mẹ Bàn Cờ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn gắn liền với phong trào sinh viên tranh đấu ở các Đô thị miền Nam một thời còn vang vọng đến hôm nay. Thế nhưng, tác giả lời thơ của bài hát này vẫn ít được người đời biết tới. Nguyễn Kim Ngân, tác giả bài thơ Người mẹ Bàn Cờ đã sống một cuộc đời trầm lặng tại quê nhà Phú Yên.
“Người mẹ Bàn Cờ” ở Quận 3, TP.HCM
Người mẹ Bàn Cờ
Thơ Nguyễn Kim Ngân
Có người mẹ Bàn Cờ Tay gầy tóc bạc phơ Chuyền cơm qua vách cấm Khi ngoài trời đã thưa
Có người chị Bàn Cờ Lính ngồi canh trước cửa Nhận sinh viên là chồng
Để đưa về khỏi ngõ
Có người em Bàn Cờ Tảo tần trao tin thơ Đưa từng người qua hẻm Rồi nhìn theo bơ vơ
Đường Việt Nam Bàn Cờ Tình Việt Nam như tơ Đồng Việt Nam lầy lội Giặc đợi chết từng giờ |
Nguyễn Kim Ngân sinh năm 1946 tại huyện Sông Cầu, Phú Yên,nơi giao hòa một bên núi và một bên biển với rừng dừa xanh ngút ngàn. Ai có dịp thiên lý Bắc Nam ngang qua địa phương này đều phải công nhận thiên nhiên nơi đây cực kỳ hữu tình. Chính vì nét đẹp quê nhà đã khiến Nguyễn Kim Ngân dù đi đâu rồi cũng trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Cuối những năm 1960, Nguyễn Kim Ngân vào Sài Gòn học môn triết học phương Tây (Triết Tây) - ĐH Văn Khoa (nay là ĐH KHXH&NV TP.HCM). Cũng như bao nhiêu người tuổi trẻ khác đang tìm kiếm tri thức trên ghế giảng đường lúc đó, Nguyễn Kim Ngân không thể đứng ngoài cuộc tranh đấu đòi hòa bình cho dân tộc trước sự kìm kẹp của ngoại bang. Hơn nữa, ông có gen của người cha là liệt sĩ trong 9 năm kháng Pháp nên những “ngày xuống đường”, những “đêm không ngủ” đều ít khi thiếu vắng sự có mặt của ông.
Năm 1970, trong một lần xuống đường biểu tình gần Đại sứ quán Campuchia (nay là UBND Q.3 TP.HCM), bị cảnh sát chế độ cũ đàn áp, để bảo toàn lực lượng, Nguyễn Kim Ngân cùng nhiều bè bạn tránh vào nhà dân. Thời đó, người dân rất quý sinh viên dám đứng lên đấu tranh đòi hòa bình. Ở trong nhà dân, Nguyễn Kim Ngân và bè bạn được các má nhận làm con, các chị nhận làm chồng để không bị cảnh sát truy bắt. Sự đùm bọc ân tình ấy của những người phụ nữ không họ hàng thân thích đã khiến trái tim nhà thơ rung lên thành vần điệu. Bài thơ Người mẹ Bàn Cờ ra đời ngay trong lúc nguy nan ấy. Nguyễn Kim Ngân cho biết: “Tôi viết Người mẹ Bàn Cờ như những dòng nhật ký bằng thơ, diễn tả trung thực nhất những gì đã diễn ra xung quanh cũng như bày tỏ lòng biết ơn với những mẹ, những chị đã bao che, thương yêu mình như người ruột thịt”.
Bài thơ Người mẹ Bàn Cờ được truyền tay nhau, được đọc cho nhau nghe trong giới sinh viên tranh đấu. Năm 1971, nhạc sĩ Trần Long Ẩn - một người bạn của Nguyễn Kim Ngân trong phong trào đã chắp cánh giai điệu cho bài thơ thêm lan tỏa đến nhiều người hơn. Từ ngày bài thơ và âm nhạc hòa quyện cho đến nay, nó gần như trở thành một bài hát sinh hoạt truyền thống của giới sinh viên học sinh với những câu ca rực lửa: “Người Việt Nam Bàn Cờ/ Tình Việt Nam như tơ/ Đồng Việt Nam lầy lội/ Giặc đợi chết từng giờ”.
Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân (phải)
Nhà thơ, ông giáo làng và ngôi nhà vách đất
Sau năm 1975, thay vì ở lại Sài Gòn tiếp tục hoạt động văn nghệ như nhiều bè bạn khác Nguyễn Kim Ngân lại nhất quyết về quê. Vì ở quê nhà, ông còn người mẹ già góa bụa cần bàn tay chăm sóc của đứa con trai xa cách bao năm. Hơn thế, ông có một ao ước đã thể hiện trong thơ: “Ngày hòa bình đi bộ về quê hương”. Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân tâm sự: “Không nơi đâu trên quả đất này bằng nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời”. Về quê, trong những ngày đầu sau giải phóng, ông công tác giảng dạy ở trường THPT Nguyễn Huệ - trường cấp 3 duy nhất của tỉnh Phú Yên lúc đó. Nhưng vì suy nghĩ lạc hậu của một số vị lãnh đạo trường này nên dù đỗ cử nhân ông chỉ được nhận lương tú tài, vì bằng cử nhân Triết không được chấp nhận. Mọi việc chưa yên, một thời gian sau tỉnh mở thêm một trường THPT mới, thế là ông bị điều chuyển đi. Ở trường mới cũng chưa yên thân, vì nhiều lý do, trong đó có tính khí cứ thích “đấu tranh” cho mọi việc “trắng đen rõ ràng” của ông. Thế là trong vài năm đầu về quê nhà, Nguyễn Kim Ngân bị “đì sát ván”. Nhiều bạn bè của ông ở Sài Gòn viết thư ra khuyên “bỏ quách” xứ sở mà vô Nam sinh sống. Nhưng dù ai nói ngả nói nghiêng, Nguyễn Kim Ngân vẫn nhất mực “sống chết” cùng quê nhà. Năm 1980, ông chính thức được “phân công” xuống làm hiệu trưởng cấp 2 trường làng cho đến ngày về hưu. Ông nhà thơ thành thầy giáo làng với đúng nghĩa đen vì trường nằm ngay tại làng ông.
Làm giáo làng được gần gũi chăm sóc mẹ già là hạnh phúc lớn nhất đời ông dù cuộc sống quá đỗi thanh bần. Không biết có phải muốn “ở vậy” phụng dưỡng mẹ hay không mà đến ngoài 40 tuổi Nguyễn Kim Ngân mới chịu lấy vợ. Lập gia đình xong ông mới bắt đầu xây dựng tổ ấm cho riêng mình. Việc trước tiên là cất nhà trên mảnh đất vườn của tổ tiên. Thật kinh ngạc, ông nhà thơ, nhà giáo nhỏ thó lại một thân một mình lên núi chặt cây, dựng kèo cột, gánh đất đổ nền làm nên ngôi nhà mái tôn vách đất tồn tại từ năm 1987 đến nay. Ngạc nhiên hơn, những ngôi nhà chòm xóm đều quay lưng ra mặt lộ thì nhà ông lại “quay mông” ra đường. Chắc là ông nhà thơ “lập dị”?! Không phải vậy, ông giải thích rằng phía trước nhà có con lạch nước mát trong xanh, lại đúng hướng Nam gió thổi quanh năm, tại sao cứ hùa nhau quay mặt ra đường bụi bặm.
Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Kim Ngân
“Tỷ phú không tiền”
Đó là câu nói đùa bạn bè hay trêu ông. Nguyễn Kim Ngân có lối sống hào sảng mà chưa chắc người thừa tiền nào “dám chơi” như vậy. Ông có một vườn cây cảnh khiến nhiều đại gia trong và ngoài tỉnh nhìn “rỏ dãi”. Những cây cảnh này do ông vác ba lô lên núi săn lùng trong nhiều năm, ông quý cây như mạng người. Một số cây cảnh của ông có đại gia ngã giá đến trăm triệu đồng nhưng ông không bán mà chỉ... tặng nếu người đó biết thương cây như ông. Nhiều người bảo ông “không bình thường” vì gia cảnh có khấm khá hơn ai đâu. Ông lại đang có con nhỏ do lập gia đình muộn, đứa lớn chưa tốt nghiệp đại học. Nói vậy, nhưng ông vẫn là một người cha, người chồng được kính trọng, người hàng xóm được yêu thương. Dẫu mang danh phận nhà thơ, nhà giáo nhưng trong nhiều năm liền, tranh thủ ba tháng nghỉ Hè là ông trở thành một nông dân chính hiệu trên đìa tôm của mình. Ông nuôi tôm sú trong vịnh Vũng Lắm gần nhà, người khác nuôi có “lên” có “xuống” còn ông nuôi tôm từ hòa vốn đến lỗ. Dự định làm kinh tế để “đổi đời” của ông xem như phá sản, đến độ muốn in một tập thơ cho riêng mình cũng không thành. Mãi đến năm 2007, bạn bè thời sinh viên tranh đấu mới giúp in tác phẩm đầu tay của Nguyễn Kim Ngân, tập thơ Sông chảy bên trời. Tập thơ này gần như bao gồm tất cả sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Kim Ngân. Ông viết rất ít, chỉ khoảng 100 bài trong chừng ấy năm, và chỉ viết khi có dấu ấn đặc biệt nào đó trong cuộc đời. Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân thơ không nhiều, bạc tiền không nhiều, danh vọng không nhiều... nhưng ông vẫn cứ là “tỷ phú” ở cõi riêng mình như dòng sông chơi vơi mãi chảy bên trời.
Trần Hoàng Nhân