Những nẻo đường SEA Games (kỳ 3): Singapore 1993 và một thời của... võ

01/06/2015 11:33 GMT+7 | SEA Games 2015

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 22 năm, Singapore đã làm chủ nhà của kỳ SEA Games thứ 17 và đó cũng là kỳ Đại hội thứ 3 mà thể thao Việt Nam tham dự. Đó cũng là kỳ SEA Games mà thể thao nước nhà bắt đầu bước tiến của mình nhờ các môn võ thuật.

Quá trình tham dự SEA Games của thể thao Việt Nam thường được giới chuyên môn chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên từ năm 1989 đến 1995 chủ yếu mang tính thử nghiệm, nhằm tìm kiếm mũi nhọn tranh chấp huy chương, vì thế số lượng HCV ở giai đoạn này không vượt quá con số 10.

Giai đoạn 2 từ năm 1997 đến 2003 là quãng thời gian bùng nổ của chiến lược "đi tắt, đón đầu" giúp thể thao Việt Nam lọt vào tốp đầu khu vực. Và giai đoạn 3 kéo dài đến nay, với các môn Olympic được chú trọng hơn bên cạnh những thế mạnh đã cũ.

SEA Game 17 tại Singapore năm 1993 nằm ở giai đoạn đầu và ở đó, những môn võ bắt đầu lên tiếng để trở thành thế mạnh mới của thể thao nước nhà.

Tại kỳ Đại hội đó, đoàn thể thao Việt Nam gồm 139 VĐV tranh tài ở 15 môn gồm: Điền kinh (7 VĐV); Quyền Anh (6); Xe đạp (6); Bóng đá nam (18); Thể dục dụng cụ (3); Judo (9); Karatedo (8); Bắn súng (19); Pencak Silat (7); Bơi (3); Taekwondo (10); Quần vợt (3); Bóng bàn (9); Bóng chuyền (24) và Wushu với 5 võ sỹ.

Sau 2 lần tham dự, bắn súng tiếp tục là thế mạnh và tiếp tục giành 4 HCV, nhưng các môn võ bắt đầu khẳng định vị thế mới của mình  khi đóng góp 5 chiếc HCV còn lại để đoàn thể thao Việt Nam xếp hạng 6/9 chung cuộc với tổng cộng 9 HCV - 6 HCB - 19 HCĐ.

Nổi bật trong số những nhà vô địch võ thuật chính là Cao Ngọc Phương Trinh khi bảo vệ thành công chức vô địch hạng 48kg nữ. Sau này tại SEA Games 1995, Phương Trinh còn lập cú hat-trick HCV để trở thành  "Nữ hoàng Judo Đông Nam Á". Ngoài ra, cũng tại kỳ SEA Games 1993, Judo còn có thêm 1 HCV nữa của Nguyễn Quốc Trung hạng 60kg nam.

Nổi bật trong số những nhà vô địch võ thuật của thể thao Việt Nam ở SEA Games 1993 chính là Cao Ngọc Phương Trinh

Cũng có 2 HCV là Karatedo nhờ công của Nguyễn Anh Tuấn hạng 55kg và Trần Văn Thông hạng 60kg nam. Chính từ ngôi vô địch SEA Games này, Trần Văn Thông đã đoạt ngôi á quân Asiad 1994 tổ chức tại Hiroshima, Nhật Bản. Tấm HCV võ thuật còn lại là của Trần Đăng Khánh ở hạng 76kg nam.

Ngoài 5 tấm HCV kể trênm thì các môn võ thuật khác như: Pencak Silat, Quyền Anh, Wushu cũng đóng góp đáng kể với các tấm HCB, HCĐ để làm nên thành công cho đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội cũng như mở ra những cơ hội tranh chấp mới trong tương lai.

Trở lại với SEA Games 28 sẽ khởi tranh vào ngày 5/6 tới. Lúc này, đoàn thể thao Việt Nam với vị thế hàng đầu khu vực đã mang tới  Singapore 570 thành viên, trong đó có 392 VĐV tranh tài ở 28/36 môn của Đại hội. Tất nhiên, vào thời điểm này, võ thuật không còn chiếm số đông khi chỉ còn các môn: Taekwondo; Judo; Quyền Anh, Wushu và Pencak Silat và cũng không còn gánh vác nhiều gánh nặng vàng dù đây vẫn cứ là các môn thế mạnh.

Đó chính là một trong những thay đổi về chất của thể thao Việt Nam khi tập trung hơn cho các môn thể thao trong hệ thống thi đấu Olympic nhằm tạo ra sự phát triển bền vững hơn.

(còn tiếp)

Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm