29/06/2012 15:38 GMT+7
(TT&VH) - Dường như đá penalty kiểu Panenka đang trở thành mốt tại EURO 2012. Sau Andrea Pirlo, hậu vệ Sergio Ramos cũng đã thực hiện một cú “xúc thìa” tương tự.
Không lâu sau khi được phát minh bởi William McCrum vào năm 1891, quả đá penalty đã được gọi bằng một cái tên không mấy dễ chịu: Cú sút tử thần. Nhiều người khi đó đã coi penalty chỉ là một công cụ để phân xử thắng thua, không mang đến cho người xem những cảm xúc đặc biệt. Tuy nhiên, kể từ khi tiền vệ người Tiệp Khắc Antonin Panenka thực hiện cú sục bóng hoàn hảo trên chấm phạt đền tại trận chung kết EURO 1976 với Tây Đức, kỹ thuật đá phạt penalty đã được nâng tầm thành nghệ thuật. Những bàn thắng được ghi theo kiểu Panenka, nhất là ở các giải lớn, đều được tán tụng tới tận mây xanh.
Xét về mặt kỹ thuật, thực hiện một cú sút kiểu Panenka không đòi hỏi phải có những phẩm chất thiên tài như Zinedine Zidane hay Andrea Pirlo. Bằng chứng là một hậu vệ như Ramos hay thủ môn như Mickael Landreau cũng từng sử dụng kiểu đá này. Theo Panenka, điểm mấu chốt là phải đánh lừa được thủ môn rằng sẽ đá theo cách thông thường: "Các thủ môn luôn chờ đến khi tôi chạm chân vào bóng mới đổ người. Bởi vậy, trước khi đá phạt kiểu này, tôi luôn di chuyển hay dùng ánh mắt để đưa thủ môn ngả về hướng mình muốn".
Thật ngạc nhiên là một trung vệ như Ramos cũng có thể đá penalty kiểu Panenka thành công! - Ảnh Getty |
Tuy không yêu cầu cao về kỹ thuật nhưng để đá một quả penalty kiểu “xúc thìa” đòi hỏi người thực hiện phải có một thần kinh bằng thép. Người đá phạt đền luôn phải chịu áp lực tâm lý lớn hơn thủ môn, tức không dễ để đánh lừa, và nếu thất bại, sẽ bị chỉ trích thậm tệ. Đá theo kiểu Panenka và thất bại sẽ còn bị coi như một kẻ điên rồ, mang số phận của cả đội ra làm trò đùa và trở thành trung tâm của những lời nguyền rủa. "Nếu đá hỏng, sự nghiệp của tôi có lẽ đã chấm dứt ngay lúc đó. Tôi từng nghe nói rằng mình sẽ bị trừng phạt bởi đây là một sự nhạo báng với cả tập thể”, Panenka hồi tưởng.
“Trước trận đấu, thủ môn Ivo Viktor ở chung phòng với tôi còn căn dặn rằng nếu đá penalty, không được sử dụng kỹ thuật “xúc thìa”. Nếu tôi dám thực hiện, anh ấy sẽ không cho vào phòng”. Nhưng rốt cuộc, Panenka vẫn “trái lệnh” bởi cầu thủ này đã có hai năm luyện tập kỹ thuật này và đã thành công nhiều lần. Có một may mắn cho Panenka là ở những năm 1970, truyền thông đại chúng chưa thực sự phát triển, nên kỹ thuật của tiền vệ này chỉ được biết đến tại Tiệp Khắc và hoàn toàn mới mẻ với người Đức.
Còn hiện nay, các cầu thủ dám đá phạt kiểu “cucchiaio” (cái thìa, tiếng Italia) gặp nhiều khó khăn hơn gấp bội. Áp lực hiện nay, khi bóng đá đã là một cỗ máy kiếm tiền chứ không phải trò chơi, khủng khiếp hơn trước gấp trăm lần. Các thủ môn đều biết tới kỹ thuật này, thậm chí nhiều đội còn có các chuyên gia phân tích đối thủ, tức biết rõ thói quen thi đấu, bao gồm cả sút phạt, của từng cầu thủ. Như trường hợp của Ramos, để tránh sự soi mói của báo giới cũng như các “gián điệp”, hậu vệ này đã không tập thử trước đám đông, bất chấp nguy cơ chưa hoàn thiện kỹ thuật.
1 - Pirlo đã từng thực hiện ít nhất năm cú đá penalty kiểu Panenka và một trong số này đã thất bại. Đấy là ở trận giao hữu giữa AC Milan và Barcelona hồi tháng 8/2010.
2 - Antonin Panenka đã tập luyện đá penalty kiểu “xúc thìa” hai năm trời, áp dụng thành công nhiều lần ở các giải quốc nội nhưng mới dám áp dụng trong trận chung kết EURO 1976 với Tây Đức.
Vậy tại sao nhiều cầu thủ vẫn liều mình thực hiện những cú sút kiểu này? Với Ramos, đó là một sự giải tỏa sức ép cho bản thân cầu thủ này. Hậu vệ của Real Madrid cho biết: “Sau khi đá hỏng penalty ở trận bán kết với Bayern, tôi đã bị nhiều người chỉ trích. Từ đó tôi đã nung nấu phải làm một điều gì đó đặc biệt trên chấm 11m để đáp trả những lời chỉ trích ấy". Còn với Pirlo, cầu thủ này muốn giải tỏa sức ép cho các đồng đội và khiến đối phương phải run sợ. Trước khi Pirlo đá phạt, tuyển Anh thành công trong cả hai lượt còn Italia sút hỏng một. Nhưng sau khi tiền vệ này thực hiện cú “xúc thìa”, “Tam sư” thất bại cả hai còn đồng đội của Pirlo đều chiến thắng được Joe Hart.
Cái giá phải trả nếu đá hỏng là rất lớn nhưng ngược lại, sẽ được bù đắp vô bờ bến, được tôn vinh như anh hùng nếu thành công. Dường như đó là lý do khiến có tới hai cầu thủ đã dám tái hiện quả đá penalty của Panenka, điều trước đây nhiều năm liền không xuất hiện.
Trần Khánh An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất