Những thay đổi của mùa giải F1 2011

06/12/2010 07:08 GMT+7 | Chạy

(TT&VH cuối tuần) - Mùa giải 2010 vừa kết thúc, bây giờ là lúc các đội đua bắt tay vào công tác chuẩn bị cho mùa giải tới, dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trong điều lệ.

Những thay đổi này, bao gồm cả về kỹ thuật lẫn điều lệ thi đấu, được Liên đoàn ô tô thế giới (FIA) đưa ra sau nhiều đợt thảo luận với Hiệp hội các đội đua F1 (FOTA) với mục đích chủ yếu là nhằm tăng tính đột biến trên đường đua, tăng khả năng thực hiện các cú vượt mặt, qua đó khiến các cuộc đua trở nên lôi cuốn hơn.

Nhà vô địch Vettel phải sẵn sàng cho những thay đổi ở mùa tới, Ảnh Getty

Việc nắm rõ những thay đổi này cũng có thể giúp người hâm mộ theo dõi tình hình chuẩn bị của các đội đua trước mùa giải một cách sát sao hơn.

Lốp Pirelli

Bridgestone đã là nhà cung cấp lốp cho F1 từ mùa giải 1997. Chính vì thế nên sự ra đi của họ vào cuối mùa giải 2010 vừa rồi sẽ ít nhiều tạo ra những cảm giác hụt hẫng, đồng thời sẽ khiến các đội đua khá vất vả trong việc hiểu rõ tính chất các loại lốp mới do Pirelli cung cấp.

Pirelli đã giành được hợp đồng độc quyền cung cấp lốp cho F1 GP trong ít nhất 3 mùa giải, kể từ mùa giải 2011. Đây không phải là gương mặt mới, bởi hãng lốp xe Italia này đã từng có mặt tại F1 trước khi ra đi vào năm 1991. Tổng cộng, họ góp phần giành được 44 chiến thắng và 6 danh hiệu VĐTG.

Tuy nhiên, khác với giai đoạn đó, lần này Pirelli sẽ không phải cạnh tranh với ai cả. Nghĩa là F1 sẽ không có các cuộc chiến về lốp, một trong những nét rất hấp dẫn của các cuộc đua F1 trước đây.

Không còn F-Duct

Bộ khuếch tán khí kép gây tranh cãi trong mùa giải 2010, được biết đến với cái tên F-Duct, sẽ bị cấm trong mùa giải 2011.

Điều này sẽ khiến các đội đua cắt giảm được rất nhiều chi phí nghiên cứu và phát triển, bởi đấy là một trong những bộ phận phức tạp nhất về mặt khí động học. Các vụ tranh cãi triền miên giữa các đội đua về tính hợp lệ của F-Duct cũng sẽ không còn. Điều này có thể sẽ khiến mùa giải 2011 bớt đi đôi chút thú vị.

Tuy nhiên, thay thế cho F-Duct sẽ là một cánh gió đơn không điều chỉnh được góc lệch một cách tự do. Theo FIA, các tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc đối với cánh gió này sẽ giúp cải thiện các cơ hội vượt mặt. Tay đua vẫn sẽ được điều chỉnh góc lệch, tuy nhiên phải sau 2 vòng đua đầu tiên, và khi đang ở cách xe phía trước phải ít nhất là 1 giây. Ngoài ra, mỗi khi đạp phanh, hệ thống sẽ tự động tắt chức năng điều khiển của cánh gió này.

Đua phân hạng khắt khe hơn

Để tránh tình trạng quá chênh lệch về tốc độ như trong mùa giải 2010, khi các đội đua mới thường xuyên bị bỏ xa tới vài vòng đua, FIA quyết định siết chặt điều lệ đua phân hạng. Theo đó, nếu một tay đua chậm hơn 7% trở lên so với tay đua nhanh nhất, anh ta sẽ không đủ tiêu chuẩn để tham dự cuộc đua chính thức vào ngày Chủ nhật.

Mặc dù điều này có thể khiến các cú xuất phát không có đủ toàn bộ số xe trong mùa giải, nhưng nó sẽ hạn chế tính nguy hiểm mà các tay đua quá chậm gây ra trên đường đua. Xét cho cùng, việc người ta biết chắc chắn rằng một tay đua sẽ nhanh chóng bị bỏ rơi tới vài vòng đua ngay từ khi chưa xuất phát sẽ chẳng đem lại điều gì thú vị cho F1.

Không được thiếu nhiên liệu

Theo điều lệ này, mọi chiếc xe đều phải có đủ nhiên liệu để hoàn thành cuộc đua, đồng thời có thể chạy thêm ít nhất là 1 vòng sau đó, đủ để quay trở vào pit.

Như thế, điều từng xảy ra tại Montreal năm 2010 sẽ không còn nữa. Khi đó, Hamilton đã cạn sạch xăng ngay khi anh vừa cán qua vạch đích, và các nhân viên của McLaren buộc phải ra đẩy xe của anh vào pit.

Ngoài ra, việc lấy mẫu nhiên liệu để kiểm tra tính hợp lệ sau các cuộc đua cũng sẽ được tiến hành một cách gắt gao hơn.

KERS trở lại

KERS (Kinetic Energy Recovery System - hệ thống thu hồi năng lượng khi phanh) sẽ chính thức trở lại sau 1 năm gián đoạn vì lý do công nghệ.

Để giúp các đội đua không gặp quá nhiều khó khăn khi triển khai KERS (có trọng lượng khoảng 35kg), FIA cho nâng giới hạn trọng lượng chiếc xe lên mức tối đa là 640kg, thay vì 620kg như trước đây.

Với KERS, chiếc xe sẽ vận hành hiệu quả hơn xét trên lượng nhiên liệu tiêu thụ, và công suất bổ sung mà nó mang lại mỗi khi được kích hoạt (lên tới khoảng 80 mã lực trong vòng vài giây) hoàn toàn có đủ khả năng tạo ra các cú vượt mặt đầy hấp dẫn.

Xe an toàn

Chỉ tính trong mùa giải 2010, xe an toàn đã không dưới vài lần tạo ra những tình huống gây tranh cãi. Chẳng hạn như vụ Alonso bị Schumacher tranh thủ vượt mặt ngay trong vòng đua cuối cùng tại Monaco, khi xe an toàn vẫn còn trên đường đua. Vì thế, FIA đã có một số điều chỉnh nhằm làm rõ một số tình huống.

Nếu xe an toàn buộc phải ra đường đua hoặc vẫn đang có mặt trên đường đua ngay trong vòng đua cuối cùng, các tay đua sẽ không được phép thực hiện cú vượt mặt. Các tay đua sẽ phải kết thúc cuộc đua theo đúng thứ tự ở thời điểm xe an toàn bắt đầu xuất hiện.

Ngoài ra, nếu trong khi xe an toàn đang quay trở vào pit, các tay đua cũng không được phép vượt mặt cho tới khi xe an toàn đã vượt qua lằn ranh an toàn.

Toàn Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm