Chuyện tuổi tác, phong độ và đỉnh cao sự nghiệp: Chai rượu vang tennis

10/10/2010 19:03 GMT+7 | Tennis

(TT&VH cuối tuần) - Các cây vợt nặng hơn. Trận đấu kéo dài hơn. Vận động viên phải chạy nhiều hơn. Các giải đấu cũng tổ chức thường xuyên hơn. Lý ra tennis giờ chỉ có tuổi trẻ thắng thế, ấy vậy, nó lại như chai rượu vang, càng nhiều tuổi càng ngon.

Người ta ít, và hầu như không phải tranh luận về tuổi đời của nghề chơi tennis chuyên nghiệp. Thường cứ 12-15 năm lăn lộn trên khắp các giải đấu, sống cuộc đời ở khách sạn nhiều hơn ở nhà, là các tay vợt giải nghệ, làm quản lý, huấn luyện hoặc bình luận trên đài, ti vi và cả viết lách.


Federer là "gừng già" trong thế giới banh nỉ, Ảnh Getty
Những chuyên gia đánh đôi có thể kéo dài tuổi thọ của nghề thêm vài ba năm nữa so với kẻ chuyên đánh đơn. Nhưng cũng chỉ chừng 35-37 tuổi là quá đủ để cầm sổ hưu rồi.

Thế cho nên, khi hôm nay chúng ta nghe những câu chuyện, trực tiếp xem qua truyền hình những tay vợt “đầu 3, đầu 4” tưng bừng thắng thế, đó hẳn là một điều bất ngờ, nhất là khi họ chiến thắng những đối thủ chỉ đáng tuổi cháu, phải gọi họ bằng chú/cô.

Có một nhà báo phương Tây, chuyên theo dõi quần vợt không coi điều nói trên là bất ngờ, nhưng vẫn nghiên cứu bảng xếp hạng ATP (nam) tuần đầu tháng 10/2010 và chợt nhận ra những điều thú vị. Có 15 trong số 20 tay vợt hàng đầu thế giới là từ 15 và trên 25 tuổi, chiếm 75%. 20 năm trước, cũng vào tuần đầu của tháng 10, lại chỉ có 6 tay vợt nằm trong tốp 20 có tuổi từ 25 trở lên. Đó chỉ là sự ngẫu nhiên? Có thể.

Nó buộc vị nhà báo này phải nghiên cứu thêm, khoanh vùng rõ hơn và “cắt” nhiều lát thời gian. Ông kiểm tra bảng xếp hạng ATP từ năm 1990 cho tới 2010, và chia nó làm các cột mốc 5 năm 1 lần, lại vẫn thấy những dấu hiệu của tennis ngày càng giống chai rượu vang. Tuổi trung bình của các tay vợt nằm trong tốp 20 của các cột mốc là 26,1. Chi tiết thêm, tuổi trung bình tốp 20 trong năm 2005 và 2000 là 24,9, năm 1995 là 24,1 và chỉ là 22,35 năm 1990, bao gồm cả 3 tay vợt tuổi niên thiếu. Như vậy, sau 20 năm, tuổi thọ của các tay vợt chuyên nghiệp nam dài hơn, hay chí ít đỉnh cao cũng đến muộn hơn.

Vậy, chúng ta phải cắt nghĩa về chuyện tuổi tác của tennis hiện đại thế nào, khi Nadal đang ngự trị trên đỉnh thế giới ở tuổi 24, và người đứng ngay sau anh trên bảng xếp hạng là Novak Djokovic cũng mới chỉ 23 tuổi, và nếu lọt vào tới tứ kết của WTA Bắc Kinh thì tay vợt vừa tròn 20 tuổi người Đan Mạch, Caroline Wozniacki sẽ leo lên ngôi số 1 của nữ?

Có một thực tế là trường phái đỉnh cao ở thời trẻ, khỏe chỉ là thiểu số. Tennis không chỉ có thể lực, vì trên hết nó vẫn là môn thể thao của các kỹ năng hòa quyện cùng với sự chín chắn của tư duy, ý chí - những điều mà người trưởng thành hơn thường mạnh hơn. Bản thân Nadal cũng không phải chỉ có mỗi sức khỏe tương tự của một con bò tót.

Hãy nhìn những tay vợt ở độ tuổi trên dưới 20 khác để thấy tennis nếu không là chai rượu vang, cũng ít nhiều có tính chất củ gừng, non thì khó cay.

Ernest Gulbis, 22 tuổi, đã suýt nữa quật đổ Nadal ở bán kết Rome Master 2010, và được coi là hiện tượng, có thể lọt vào tốp 10 sau cột mốc đó. Nhưng giờ, tay vợt người Latvia này đang đứng thứ 25, bị loại ở vòng 1 Roland Garros 2010 và cũng chìm nghỉm ở Wimbledon lẫn US Open.

Marin Cilic, 22 tuổi, lọt vào tới bán kết của Australian Open 2010 và lần đầu xuất hiện trong tốp 10 thế giới (9) ở thời điểm đó. 8 tháng sau khi nổi lên như một người có thể đánh bại bất cứ tay vợt hàng đầu nào, Cilic chỉ còn đứng thứ 14, và ở US Open mới đây, đã thua tay vợt đứng 147 thế giới đến từ Nhật Bản, Nishikori sau 5 set ngay tại vòng 2.

Juan Martin Del Potro kỳ vĩ hơn, vô địch Grand Slam ở tuổi 21 (đánh bại Federer ở trận chung kết US Open 2009), đã lọt vào tốp 5 thế giới sau đấy, nhưng giờ cũng chỉ đứng vị trí thứ 34, và thua liền 2 giải Bangkok và Tokyo chỉ sau đúng 1 trận. Có thể là vì chấn thương. Nhưng cũng cần phải nói, Del Potro chưa đủ “già” để biết cân bằng lịch thi đấu, điều chỉnh trạng thái thi đấu để tránh những sự cố (bị rạn xương cổ tay).

Không chỉ có nam, tennis của phái đẹp cũng chia sẻ xu hướng tuổi tác. Câu chuyện thời sự nhất là Kimiko Date Krumm ở tuổi 40 đã chiến thắng các kiều nữ Maria Sharapova, Daniel Hantuchova ở WTA Premier có hơn 2 triệu USD tiền thưởng. Krumm sau đấy chỉ thua Schiavone, nhà vô địch Roland Garros 2010 ở tuổi 29. Krumm năm ngoái vẫn còn vô địch được 1 giải WTA tổ chức ở Seoul khi… mới 39 tuổi.

Tennis ngày càng có xu hướng già đi ở một vài khía cạnh nào đó, có thể không thể thống trị liên tục, không vinh quang tột bực, nhưng các tay vợt có tuổi vẫn có thể có những vị trí nhất định và tỏa sáng ở một thời điểm nào đó.

Quả là tiếc cho những ai gác vợt khi chưa tới “băm”, như Marat Safin chia tay ở tuổi 29. Và cũng đừng vội nghĩ thời của Federer (sinh 1981) đã qua

Một số “củ gừng già” của ATP

Roger Federer (số 3 TG, 29 tuổi): Không thể coi một tay vợt đã vào đến bán kết và có 2 match points ở US Open là “vớ vẩn”, bởi với Marin Cilic (22 tuổi) cũng chỉ làm được đến thế. Dù sao, Federer cũng đang là số 3 TG, là người thứ hai giành vé đến ATP World Tour Final 2010, và nên nhớ năm nay, anh đã giành được Grand Slam thứ 16. Dự đoán, Federer vẫn có thể giành thêm được ít nhất 2 Grand Slam nữa.

Nikolay Davydenko (số 6, 29 tuổi): Davydenko bước vào tuổi 28 mới giành được những thành tích tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của mình khi đăng quang ở ATP World Tour Final, nhờ hoàn thiện được tất cả các kỹ năng chứ không chỉ mạnh ở cú trái tay. Dự đoán: Davydenko có thể “trượt” năm nay (chấn thương đầu năm), nhưng sẽ trở lại mạnh mẽ khi 30 tuổi.

Mikhail Youzhny (số 9, 28 tuổi): Đỉnh cao phong độ và thành tích trong sự nghiệp của Youzhny là năm 2010, khi anh lọt vào tới bán kết US Open và vừa đăng quang ở Kualar Lumpur. Dự đoán Youzhny sẽ lần đầu tiên giành được Master 1000 trong năm nay hoặc năm 2011 và có thể giành vé tới London tháng 11 tới - giải đấu dành cho 8 tay vợt xuất sắc nhất trong năm.

Jurgen Melzer (số 13, 29 tuổi): Có thể coi tay vợt người Áo là điển hình cho việc càng già càng hay khi ở tuổi 29, Melzer lần đầu tiên leo lên vị trí thứ 13 thế giới. Khi trẻ hơn, Melzer chưa bao giờ đi xa hơn vòng 3 ở các giải Grand Slam, nhưng năm nay, đã vào tới bán kết Roland Garros.

Ivan Ljubicic (số 17, 31 tuổi): Từng lọt vào tốp 10 khi còn trẻ, nhưng phải đến khi quá “băm”, Ljubicic mới giành được Master 1000 đầu tiên trong đời khi vô địch Indian Wells, sau khi hạ các thanh niên Novak Djokovic và Rafael Nadal trước khi đánh bại Andy Roddick ở chung kết.

Mardy Fish (số 19, 28 tuổi): Tay vợt vừa tới Việt Nam đánh biểu diễn phải tới 28 tuổi mới trình diễn được thứ tennis được cả thế giới thừa nhận là hay. Sức bật của Fish giờ cũng khủng khiếp, chỉ 3 tháng nhảy tới 60 bậc trên BXH. Và ý chí nữa, tuổi 28 nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng đã giảm được 15kg để trở lại thi đấu, giành 2 chức vô địch và suýt đánh bại Federer ở trận chung kết Master Cincy.


PV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm