Maradona đối đầu Dunga: Khi “số 10” đụng “số 8”

05/09/2009 12:03 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Ở Mexico 86, Argentina đã VĐTG nhờ những khoảnh khắc thăng hoa đầy ngẫu hứng của Maradona. 8 năm sau, Brazil lên ngôi với sự thực dụng và kỷ luật từ Dunga. Và giờ đây, dù đã ở trên cương vị mới, những đặc điểm ấy vẫn sẽ khiến cuộc đối đầu giữa họ trở nên hết sức đáng chú ý.

Với chiếc áo số 10 trên lưng và chơi tiền đạo, Maradona là mẫu cầu thủ có thể vực cả đội dậy bằng những thời điểm lóe sáng cá nhân. Thực tế đã chứng minh rằng trong lịch sử bóng đá Argentina, không ai có thể đảm nhiệm vị trí ấy tốt hơn Cậu bé vàng. Chiếc áo số 10 vì thế luôn bị coi là quá rộng với bất cứ bậc hậu bối nào. Trái lại, ấn tượng Dunga, mang áo số 8 và chơi tiền vệ trụ, mang lại không phải những màn trình diễn đậm chất kỹ thuật, mà là tính kỷ luật trong từng pha chạm bóng. Phong cách của Maradona giúp anh nổi bật giữa cả một tập thể, còn lối chơi của Dunga phục vụ cho cả đội bóng.

Bóng đá thế giới từng chứng kiến những trường hợp thay đổi phong cách khi chuyển từ cương vị cầu thủ sang HLV. Có thể là một hậu vệ chuyên chặt chém sang một HLV tôn thờ lối chơi tấn công hấp dẫn (Frank Rijkaard cùng Barcelona), hay một tiền đạo lịch lãm trở thành một chiến lươc gia thực dụng (van Basten cùng ĐT Hà Lan). Nhưng trong trường hợp của Dunga và Maradona, những phẩm chất khi xưa của họ dường như không thay đổi. Đó là lý do giải thích vì sao giữa Brazil và Argentina lại có những khác biệt căn bản từ lối chơi cho tới tình thế hiện tại.


Theo triết lý của Dunga, sự ổn định cần phải được ưu tiên hàng đầu

Suốt hơn 3 năm qua, có rất nhiều người đã chỉ trích Dunga vì ông đã khiến bộ mặt của Selecao trở nên xù xì với sự khô khan và thực dụng trong lối chơi. Mặc dù vậy, không ai có thể phủ nhận một thực tế rằng Brazil đã gặt hái được rất nhiều thành công. Tại Copa America 2007, họ đã vô địch dù thiếu một loạt những ngôi sao như Kaka, Ronaldinho, Adriano. Hè vừa rồi, đội bóng vàng xanh cũng không phải ứng cử viên số một ở Confed Cup (vị trí ấy thuộc về TBN), nhưng họ vẫn lên ngôi xứng đáng. Còn bây giờ, khi vòng loại World Cup 2010 chỉ còn 4 vòng nữa, Brazil đã gần như hoàn thành nhiệm vụ. Nỗi thất vọng duy nhất trong vòng 3 năm qua có lẽ là việc đội Olympic của họ chỉ giành HCĐ ở TVH Bắc Kinh 2008.

Nói như thế để thấy rằng Dunga là một HLV biết cách đưa đội bóng đến các danh hiệu, bằng một lối chơi đề cao sự hiệu quả hơn là biểu diễn. Tất nhiên, ông khó không thể thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe của người hâm mộ xứ sở samba về sự cống hiến đẹp mắt. Trong khi đó, tính ngẫu hứng từ khi còn là cầu thủ dường như vẫn còn ở Maradona HLV. Đội bóng của ông vì thế cũng trở nên cực kỳ thiếu ổn định và thường xuyên bị nghi ngờ về hiệu quả tấn công, dù rằng họ đang sở hữu những chân sút hay nhất thế giới. Argentina của Maradona đã toàn thắng ở những trận giao hữu, song lại gây thất vọng tràn trề khi bước vào những trận đấu có tính chất quyết định tại vòng loại World Cup 2010.

Ổn định và ngẫu hứng

Theo triết lý của Dunga, sự ổn định cần phải được ưu tiên hàng đầu, nhất là tại hàng phòng ngự. Vì thế ông trung thành với sơ đồ 4 hậu vệ, cũng như giúp Fabiano nổ súng rất đều đặn Kết quả: Brazil là đội bóng có hàng công mạnh nhất, hàng thủ chắc nhất ở vòng loại World Cup 2010 Trái lại, hãy xem Maradona làm gì với các hậu vệ của mình? Ở các trận giao hữu, ông sử dụng sơ đồ 4-4-2. Trong 4 trận vòng loại, ông đã xoay chuyển liên tục giữa 4-4-2 và 3-4-3 (thậm chí là 3-1-3-3). Kết quả của sự xoay tua ấy là gì? Argentina thắng 2 (trước Venezuela, Colombia) và thua 2 (Bolivia và Ecuador).

Sự ngẫu hứng của Maradona còn thể hiện trong những quyết định về mặt nhân sự của ông, mà việc gọi lại “gã khùng” Martin Palermo trong đợt tập trung lần này là một ví dụ. Chấn thương của Lisandro Lopez và Diego Milito chỉ là một cách giải thích. Thực tế, Cậu bé vàng đã nổi hứng triệu tập Palermo sau khi anh ghi bàn quyết định giúp Boca hạ Lanus 2-1. Trong trận đấu tập ngay khi Palermo lên tuyển, ông còn bố trí anh đá cặp với… Messi. Nhưng ngày hôm sau, ông lại quay trở lại sơ đồ cũ với những chân sút thấp bé nhẹ cân nơi tuyến đầu khi Argentina hạ đội bóng nghiệp dự Tristan Suarez 7-0.

Đến giờ phút này người ta vẫn chưa hiểu Maradona gọi Palermo trở lại ĐTQG với dụng ý chiến thuật gì. Phải chăng ông mong chờ một điều kỳ diệu đến từ một chân sút kỳ dị, từng sút hỏng 3 quả phạt đền trong 1 trận đấu? Nhưng nếu ở Rosario sáng mai, “gã khùng” trở thành người hùng, thì công lao đầu tiên sẽ được dành cho Maradona, với sự ngẫu hứng từng đưa ông trở thành một huyền thoại.

Tuấn Cương

9 Diego Maradona và Carlos Dunga từng 9 lần chạm trán nhau trên cương vị cầu thủ, và lợi thế khi ấy nghiêng hẳn về Cậu bé vàng với 6 trận thắng, và chỉ thua có 1. Ở lần đối đầu thứ 10 này, cả hai sẽ ở trên một cương vị hoàn toàn khác với trước đây. Và trên sân Rosario này, thành tích của chủ nhà Argentina trước Brazil cũng không mấy thuyết phục. Họ gục ngã 0-1 ở Copa America 1975 và hòa 0-0 tại VCK World Cup 1978.

Maradona từng hạ Dunga

Maradona là thủ quân Argentina giành chức vô địch Mexico’86. Còn Dunga là thủ quân của Brazil giành Cúp Vàng 8 năm sau đó, ở USA’94. Xen giữa hai kỳ World Cup đó, ở Italia’90, họ đã chạm trán ở vòng 1/8. Trận đó, Brazil, với Dunga trong đội hình, đã ép sân từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, trong một khoảnh khắc thiên tài, Maradona đã chuyền bóng để Claudio Caniggia băng xuống hạ gục thủ thành Taffarel (ảnh), đưa Argentina đi tiếp (sau đó lọt vào tới chung kết và thua Đức 0-1).


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm