Tây Ban Nha - Anh 2-0: Để biết mình là ai…

13/02/2009 08:42 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Như thường lệ, Fabio Capello tỏ ra rất bình thản sau thất bại ở Seville. Không có gì phải xấu hổ khi để thua những nhà vô địch châu Âu theo cách đó, và cũng chẳng có sự xuống dốc nào đáng lo ngại, khi Tam sư không ra sân với đội hình mạnh nhất. Ở một phương diện nào đó, Don Fabio đã đúng, khi nói trận thua Tây Ban Nha là “cần thiết”, để giữ những đôi chân Sư tử đứng vững trên mặt đất.

Rõ ràng, đã có không ít lý do tác động tới tuyển Anh, khiến họ kém nguy hiểm, và cũng kém vững vàng hơn trong trận đấu này. Tuy nhiên, thay vì nói đến chuyện thể lực hay nhân sự, Capello vẫn thẳng thắn công nhận sức mạnh vượt trội của đội chủ nhà. Sự thật là Tây Ban Nha rất mạnh, nhưng vẫn còn 1 sự thật khác, tuyển Anh chưa đạt tới tầm cỡ như vậy hoặc là chưa thể khống chế được một đối thủ có cách chơi như vậy.

Cho dù đội hình đá chính không có cả Gerrard lẫn Lampard, nhưng các vị khách tới từ xứ sương mù đã khởi đầu rất tốt với những sự luân chuyển hợp lý từ hàng tiền vệ. Tuy nhiên, mọi chuyện đã nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát của Capello ngay khi Tây Ban Nha cầm được bóng. Khi các tiền vệ của Del Bosque có bóng, đó cũng là lúc người Anh cảm nhận sự chênh lệch trong cách vận hành lối chơi. Trong cuộc họp báo trước trận, Capello thừa nhận TBN đang sở hữu hàng tiền vệ mạnh nhất thế giới. Một minh chứng điển hình: đẳng cấp của Xavi vượt trội hẳn so với các tiền vệ của ĐT Anh.
 
Trận thua Tây Ban Nha là “cần thiết”, để giữ những đôi chân Sư tử đứng vững trên mặt đất.

Công bằng mà nói, rất nhiều cầu thủ của Capello đã chơi tốt. Ngay cả một cái tên xa lạ như Jagielka cũng đã đá không tồi chút nào trong 1 trận đấu tưởng chừng quá sức với anh, ngoại trừ tình huống để Villa ghi bàn. Và khi những trụ cột như Beckham, Lampard vào sân ở hiệp 2, người ta cũng đã thấy một tuyển Anh đã rát hơn, “nóng” hơn, và cũng sắc hơn. Chỉ có điều, sự vắng mặt của Rooney đã ảnh hưởng quá lớn tới những phương án tấn công của Capello.

Thất bại cần thiết

HLV người Italia đã thể hiện sự tôn trọng đối với ngài Alex Ferguson, khi giữ lời không sử dụng Rooney, và thậm chí là cả Rio Ferdinand. Nhưng mặt khác, điều đó cũng đã nói lên việc Capello không hề muốn “ăn thua đủ” với những nhà ĐKVĐ châu Âu, dù ông vẫn còn một món nợ riêng tư với đất Tây Ban Nha. Trong thời điểm giải Ngoại hạng vẫn đang có các diễn biến đầy căng thẳng, việc để một số trụ cột của tuyển Anh nghỉ ngơi cũng là hợp lý. Và điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới độ “nhiệt” của đội bóng. Tây Ban Nha có lợi thế sân nhà, có niềm kiêu hãnh của một ông Vua, và cả sự lạc quan về khoảng cách kỹ thuật với người Anh. Họ thắng là điều không lạ! Capello cũng đã thừa nhận điều đó. Chỉ khác một chút, ông nhìn nhận nó qua lăng kính của tuyển Anh.

Tuyển Anh ở Sanchez Pizjuan không phải là đội bóng mà Capello xây dựng trong 12 tháng qua. Ít nhất là ở đội hình và rõ nhất, chính là ở cách chơi quá thiếu sáng tạo. Người Tây Ban Nha đã góp phần nói lên một sự thật: Những Johnson, Agbonlahor, Carlton Cole, Wright-Phillips, Barry, hay Downing không thể tạo ra một tuyển Anh chiến thắng, ngay cả khi họ đá tốt nhất với nỗ lực cao nhất. Những sự thay thế đó, chỉ phát huy được sự khác lạ, khi được đặt trong bộ khung “chuẩn”, với những đàn anh xuất sắc và biết xử lý mọi tình huống. Về mặt chiến thuật, nếu đây là một trận quan trọng, thực ra người ta muốn thấy một tuyển Anh khôn ngoan (hoặc đá rắn) như thế nào, để kiểm soát bóng, chứ không phải là việc họ bắt chước đối thủ chơi ở đoạn ngắn giỏi ra sao.

Trong một thế trận bị kiềm toả bởi các vũ khí của đối phương, các cầu thủ của Capello đã bị hút vào một ma trận của Tây Ban Nha. Kết quả, họ luôn phải đuổi theo đối thủ để giành bóng, và cũng luôn chậm hơn 1 bước, mỗi khi muốn áp sát khung thành đối phương. Capello nhận ra điều ấy. Nhưng ông không thể bắt những cái máy đá bóng ngừng hoạt động theo lập trình. Một thứ lập trình sẵn có, bắt nguồn từ sự thiếu tự tin và thiếu cá tính.

Nhưng xét cho cùng, giao hữu vẫn chỉ là giao hữu. Điều quan trọng chính là việc tuyển Anh đã có được bài học về sức mạnh của Tây Ban Nha. Qua đó, để biết mình là ai. Bây giờ, người ta mới thấm thía câu nói của trợ lý Stuart Pearce trước trận đấu: "Có điên mới nghĩ ĐT Anh này sẽ đủ sức vô địch World Cup sau hơn 4 thập kỷ trắng tay".
 

11 Đây là trận thua đầu tiên của ĐT Anh dưới thời Capello sau gần 11 tháng. Trận thua gần nhất (và duy nhất trước đó) cũng ở giao hữu, với thất bại 0-1 trên đất Pháp. Từ sau đó, Anh đã bất bại 8 trận liên tiếp, chính xác là thắng 7 và hòa 1.

4 Trong vòng vỏn vẹn 3 tuần, Torres và Jagielka trực tiếp đối đầu với nhau đến 4 lần trên sân cỏ. Trong thời gian đó, Liverpool của Torres và Everton của Jagielka đã gặp nhau tổng cộng 3 lần, với 1 trận thuộc Premier League và 2 trận thuộc Cúp FA. Rạng sáng qua là ở giao hữu quốc tế. Cả 4 lần ấy, Jagielka đều thành công phong tỏa Torres.

ĐỘI HÌNH THI ĐẤU:

Tây Ban Nha: Casillas (Reina 46'), Sergio Ramos, Pique, Albiol (Marchena 75'), Capdevila (Arbeloa 46'), Alonso, Senna, Iniesta, Xavi (Guiza 84'), Torres (Llorente 64'), Villa (Silva 56').

Anh: James (Green 46'), Johnson, Ashley Cole, Jagielka (Upson 46'), Terry, Carrick, Wright-Phillips, Barry (Lampard 46'), Heskey (Crouch 46'), Downing (Beckham 46'), Agbonlahor (Carlton Cole 75').

Yến Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm