Bayern Munich - Man City: Chiến tranh của những cái hầu bao

26/09/2011 18:43 GMT+7 | Champions League

(TT&VH Cuối tuần)- Họ là những đội tiêu tiền mạnh tay bậc nhất trong vài năm qua ở châu Âu, nhưng sự chênh lệch về truyền thống và lịch sử quyết định sự khác biệt trong cách vung tay. Bayern đầu tư là để phát triển nền tảng sẵn có đã tồn tại qua hàng chục năm, còn với Man. City, họ hy vọng khỏa lấp mọi khoảng cách về đẳng cấp trên sân, và xây dựng hoàn toàn lại mọi thứ từ đầu chỉ bằng tiền.

Triết lý tiêu tiền

Man. City đã chi hơn 300 triệu bảng trong 3 năm qua. Con số khủng khiếp ấy không chỉ là hệ quả của việc họ luôn bị ép giá khi tiếp cận những mục tiêu hàng đầu thế giới, mà còn do cách đội bóng này luôn sẵn sàng thay máu. Những người bị cho là có vấn đề về cách cư xử và gây rối loạn đội bóng đều có thể bị loại bỏ dễ dàng, ngay cả một cầu thủ mà tầm ảnh hưởng mùa trước còn mang hơi hướm biểu tượng như Carlos Tevez. Tiền giúp họ mua được cầu thủ có “tư cách” tốt hơn, và thậm chí còn giỏi hơn người cũ về chuyên môn, như Aguero, Nasri... Cách sửa chữa sai lầm đầy tốn kém ấy chứng tỏ rằng Man. City sẵn sàng đập đi và xây lại hoàn toàn chỉ sau một đêm.

Bayern, dù là “cái rốn” ở Bundesliga và chi tiền không ít trong những năm qua (riêng mùa này là 42 triệu euro), cũng không phải một đội vung tiền bạt mạng như thế. Thậm chí, họ còn rất chi li. Bản hợp đồng 25 triệu cho Manuel Neuer (đắt nhất trong lịch sử Bundesliga đối với một thủ môn) chỉ được duyệt chi sau 3 năm đội bóng phải trả giá quá nhiều cho vị trí thủ môn, từ khi Oliver Kahn giải nghệ. Họ cũng từng cân nhắc rất kỹ trước khi mua Ribery và Robben với giá kỷ lục, sau nhiều năm chỉ vận hành với những anh “thợ” đá cánh kiểu Salihamidzic,  thiếu hẳn sức bật thực sự ở hai biên. Bayern chỉ mua khi nhu cầu thật sự cấp thiết, nhưng điều đáng mừng là khi ấy, thì họ cũng chẳng tiếc tiền.

Tiêu khá nhiều tiền vào thị trường chuyển nhượng nhưng Bayern cũng luôn có những cầu thủ xuất sắc trưởng thành từ chính lò đào tạo của họ mà Thomas Mueller là một ví dụ- Ảnh Getty

Kết hợp với truyền thống

Chính vì xu hướng thay đổi nhân sự một cách chóng vánh, Man. City không có ý định  phát triển một kết cấu nhân sự hình tháp trong đội bóng, với đội ngũ kế thừa được sản sinh theo kiểu “của nhà trồng được”. Micah Richards là một ngoại lệ hiếm hoi (thậm chí là người duy nhất còn sót lại), từng được kỳ vọng sẽ đảm nhiệm vai trò tương tự John Terry tại Chelsea, hay Sakho ở PSG như một sự “đề kháng” của truyền thống khi cơn bão tiền quét qua, nhưng hiện tại thì vị trí của cầu thủ người Anh này đã bắt đầu bị lung lay bởi Pablo Zabaleta.

Bayern không chỉ mua cầu thủ. Lò đào tạo của họ, được thành lập từ năm 1902 và tái cấu trúc năm 1955, là một nguồn cung cấp nhân lực khá hiệu quả. Các cầu thủ trẻ được tin tưởng và trao cơ hội tối đa, mà sự kiên nhẫn dành cho những người thuộc diện chẳng bao giờ “lớn” như Christian Lell hay Michael Rensing là minh chứng tiêu biểu. Kết quả là hiện tại, ngoài những ngôi sao được mua bằng tiền, Bayern sở hữu một đội ngũ kế cận khá ổn. Thomas Mueller, Toni Kroos, Bastian Schweinsteiger…, đại diện cho tính cách nền tảng của đội bóng xứ Bavaria: Chính xác, mạnh mẽ, và đầy quyết tâm.

Giá trị cốt lõi ấy rất quan trọng ở một đấu trường tôn trọng truyền thống như Champions League, và trên khía cạnh này, thì một đội bóng nhanh chóng để tiền phủ nhận sự kế thừa ấy như Man. City không thể có. 

Lối chơi & Champions League

Không có một cá tính được xây dựng từ truyền thống, nhưng Man. City vẫn có thể vận hành được một lối chơi nhuần nhuyễn và hiệu quả, bằng những con người rất phù hợp được mua về trong kỳ chuyển nhượng có thể nói là tốt nhất trong 3 năm qua. Các bản hợp đồng mới nhất (Aguero, Nasri) đều là những cầu thủ chơi kiểu Latin, có thể bổ sung những  chất liệu còn thiếu cho một lối chơi khá “thời thượng” hiện tại, với triết lý thi đấu là kiểm soát bóng, phương pháp là các đường đan bóng một chạm, và hệ thống thi đấu là 4-3-3 hoặc 4-2-3-1.

Nhưng việc lắp ghép từng ấy con người một cách vội vã, không có một triết lý riêng mang tính nền tảng, trong bối cảnh HLV buộc phải xoay vòng (Man. City có ít nhất 2 cầu thủ giỏi cho mỗi vị trí), đặt ra băn khoăn về tính ổn định, và sự vất vả của Man. City trong trận hòa Fulham 2-2 mới đây cho thấy rằng sức mạnh của họ trong những vòng đầu được tạo ra bởi sự hưng phấn ban đầu của các cá nhân ấy đã gặp trục trặc, khi gặp một đối thủ đủ khả năng gây ức chế cảm hứng của họ.

Đồng bộ với cuộc cách mạng tấn công của bóng đá Đức nửa thập kỷ qua, Bayern dùng tiền để mua những cầu thủ cánh thuộc diện hay nhất thế giới và chuyển trọng tâm lối chơi từ trung lộ (phổ biến vào thời điểm gần nhất Bayern vô địch Champions League là năm 2001) ra hai biên, nhưng nó dẫn đến hệ quả là hàng thủ mất đi sự chắc chắn truyền thống, và sự xuất hiện của Neuer, Rafinha, Boateng... mùa này, là để vá lại những lỗ hổng ấy, đạt đến một lối chơi có tính cân bằng hơn. Màn trình diễn của Bayern ở Bundesliga và Champions League vừa qua cho thấy rằng sự đầu tư dài hạn và có trọng điểm của họ đã có kết quả: 8 trận thắng liên tiếp trên mọi mặt trận (5 ở Bundesliga), ghi 23 bàn và không thủng lưới lấy một lần!

Tiền của Man. City, dù được sử dụng một cách khá hiệu quả mùa bóng này, vẫn mang tính chất vội vã và nó có thể khiến đội bóng của họ bất ngờ trục trặc và rối loạn vào một thời điểm nào đó. Ngược lại, kế hoạch đầu tư của Bayern đặt trong sự kết hợp hài hòa với truyền thống, được gọt giũa một thời gian dài (ít nhất là nửa thập kỷ) và mang tính nền tảng cao. Điểm duy nhất còn thiếu sót là nó không được cụ thể hóa trên sân một cách liên tục, vì Bayern đã thay tướng đến 4 lần trong 3 năm qua, nhưng một chính sách nhân sự được duy trì nhất quán vẫn tốt hơn rất nhiều so với cách đập đi xây lại trong mỗi mùa bóng của Man. City.

Ở Champions League, dùng tiền một cách đơn thuần và vội vã như thế không bao giờ mua được thành công. Ít nhất, phải kết hợp nó được với một giá trị trừu tượng hơn, như truyền thống, lịch sử, hoặc định hướng phát triển một lối chơi ổn định liên tục trong một thời gian đủ dài. Man. City có thể tạo nên một bất ngờ nhất định trước Bayern trong một trận đấu cụ thể thế này, nhưng ngôi đầu ở bảng tử thần, và khả năng tiến xa ở Champions League năm nay, có lẽ không phải dành cho họ.

Phạm An

Lượt trận thứ hai

23h00 thứ Ba, 27/9 CSKA Moskva - Inter

01h45 thứ Tư, 28/9 Trabzonspor - Lille Bayern - Man City Napoli - Villarreal Man United - Basel Galati - Benfica Real Madrid - Ajax Lyon - Dynamo Zagreb

23h00 thứ Tư, 28/9 Zenit - Porto

01h45 thứ Năm, 29/9 Shakhtar - Apoel Valencia - Chelsea Leverkusen - Genk Arsenal - Olympiakos Marseille - Dortmund Milan - Plzen Bate - Barcelona

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm