Guardiola: Chiến thắng từ sự khiêm nhường

29/05/2009 13:30 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) - Cho đến khi trọng tài Busacca thổi hồi còi cuối cùng kết thúc trận đấu, vị HLV trẻ vẫn có vẻ dửng dưng, khuôn mặt hơi nghếch lên nhìn bảng tỉ số mà thực ra anh chẳng nhìn vào đâu hết. Anh nghĩ gì trong đêm chiến thắng?
 
Anh chờ đợi hàng tấn những lời ngợi ca đổ ập lên đầu mình trong một chiến thắng không thể thuyết phục hơn nữa, những khoản tiền thưởng và một HĐ được gia hạn thêm vài năm nữa, với tiền lương gấp nhiều lần hiện tại, hay anh đang nghĩ đến chặng đường gian nan bảo vệ chiếc Cúp trong một năm tới? Không ai biết, nhưng dường như trong thời điểm Barca chiến thắng và ăn mừng danh hiệu lớn nhất trong năm của bóng đá châu Âu, Guardiola như đang ở lơ lửng ở một hành tinh khác. Xa, rất xa.
 
Thế rồi, câu đầu tiên mà anh nói ra trong lễ đăng quang lại làm tất cả ngạc nhiên. Người ta chờ đợi những câu nói như các minh tinh Hollywood vẫn thốt lên vào giờ phút họ nhận tượng vàng Oscar. Nhưng không, câu đầu tiên anh dành cho Maldini và calcio: “Tôi tặng chiến thắng này cho bóng đá Italia và trên hết, Paolo Maldini, một tấm gương cho tất cả. Nếu anh có đôi chút buồn phiền vì những sự cố đã xảy ra trong ngày anh chia tay, thì tôi muốn nói với anh rằng, đừng lo nghĩ gì cả, bởi anh được cả châu Âu ngưỡng mộ, trong suốt 25 năm”.

Guardiola từng có những năm tháng ngắn ngủi chơi bóng trên đất Italia, cho Brescia và Roma, học được không ít từ người thầy già Mazzone. Nhưng những câu nói ấy được ca ngợi, không phải vì nó dành cho Maldini hay bất cứ ai, mà tự thân nó đã nói lên nhiều điều: một lời cám ơn của Guardiola đối với nền bóng đá mà anh đã học được nhiều từ đó sau không ít lần đối mặt (có thắng lợi, như cùng Barca hạ Sampdoria 1-0 năm 1992, hay thất bại, khi cùng Barca thua Milan 0-4 năm 1994), nhưng cũng là sự giản dị và chân thành của một vị HLV trẻ mới lần đầu bước ra khỏi bóng tối để chiến thắng và được vinh danh rạng rỡ trong một năm huy hoàng. Anh không nói đến mình. Không phải vì anh quên. Mà có lẽ vì anh thấy vai trò của mình ở đó chưa đáng để nói tới. Những gì xảy ra với Guardiola hiện tại cũng giống như khi Mourinho lần đầu bước ra ánh sáng, với thắng lợi của Porto ở Cúp UEFA và Champions League 2003 và 2004. Lúc ấy, ông cũng khiêm nhường lắm. Liệu sau thành công này, Guardiola có đi theo con đường của Mourinho, với gương mặt hơi kịch và những lời nói khiêu khích?
 

Sự khiêm nhường ấy đến từ chính phong cách gần gũi và trẻ trung của anh, từ cách anh đối xử với các cầu thủ mà nhiều người chỉ kém anh mấy tuổi, cách anh nói trên báo chí cũng như những phản ứng của anh trên sân bóng, kể cả những giây phút căng thẳng ngặt nghèo nhất. Nhưng từ sự khiêm nhường ấy mà một Barca hùng mạnh đã ra đời. 153 bàn thắng ở tất cả các giải trong mùa bóng, một thứ bóng đá tấn công đẹp mắt và nghiền nát mọi đối thủ và ở trận CK, khi tất cả chờ đợi con cáo già Alex Ferguson bóp chết từ trứng nước cá tính trẻ trung và có phần rất Latin ấy của đội bóng Guardiola, thì chính vị HLV đáng tuổi bố Guardiola và được đánh giá cao hơn kia lại chịu trận mà không gì có thể bào chữa, bởi ông đã thua kém trên tất cả các phương diện.
 
Một sự hoàn hảo về chiến thuật trong một trận đấu bóp chết mọi cảm xúc, và chìa khóa cho thắng lợi được dựa trên thành công của chính ĐT TBN ở EURO 2008, bộ đôi Xavi-Iniesta, ở khả năng cầm bóng và điều tiết trận đấu theo ý mình. Một sự gợi nhớ chất Capello trong chính trận đấu mà Guardiola và Barca đã thua Milan đến 0-4 ở một trận CK Champions League tại Athens cách đây 15 năm. Ngày ấy, trên ghế HLV Barca, trong thế trận bế tắc, Cruyff mỉm cười, cái cười ngạo nghễ của một kẻ thất bại nhưng không mất danh dự. 15 năm sau, Ferguson không cười, nhưng trong thâm tâm, ông hiểu là mình đã thua kém con sói trẻ một cái đầu. Mà con sói ấy lại có bề ngoài như một chú cừu non.

Vị HLV 38 tuổi được thừa hưởng một đội ngũ cầu thủ xuất sắc, mà hầu hết trong số đó lớn lên từ đội trẻ Barca, như chính anh. Làn gió thành công của bóng đá và thể thao Tây Ban Nha trong những năm qua là nền tảng cho thắng lợi tuyệt đối của họ trong những năm qua. ĐT TBN đã thành công ở EURO 2008, tiếp nối bằng thắng lợi của Barcelona một năm sau đó, cũng như những thành quả mà calcio đã tạo dựng nên trong những năm trước, từ chiến thắng của ĐT Italia ở World Cup 2006 cho đến chiếc cúp Champions League của Milan 2007.

Nhưng thành công của bóng đá TBN có tính lâu dài hơn, vì họ không trải qua Calciopoli. Chất kĩ thuật của Barcelona vẫn được thể hiện một cách ngạo nghễ và kinh nghiệm cầm quân non trẻ của Guardiola được bù đắp bằng những ý tưởng về chiến thuật rõ ràng và được thực hiện bằng những cầu thủ anh có trong tay. Nhưng điều mấu chốt của những vấn đề, là phong cách Guardiola: các cầu thủ được chơi như họ muốn, kiểm soát bóng, dìm bóng xuống mặt đất để tăng thời gian khống chế, triển khai bóng nhanh nếu có thể trên khắp mặt sân, và cuối cùng, bao giờ cũng đưa bóng cho Messi. Đêm Roma, Messi rất ít xuất hiện, nhưng đã xuất hiện, ở một chỗ không ai ngờ tới, là có bàn thắng, và điều đau đớn cho người Anh, là bàn thắng ấy bằng đầu, từ một cầu thủ chỉ cao 1m70!
 
Anh Ngọc (Roma)
 
Một chút cho người thất bại

Nếu tin những gì người ta viết trước trận đấu về M.U, có thể nghĩ rằng, trước sau gì đội bóng của Sir Alex sẽ đè bẹp Barcelona không mấy khó khăn. Barca có một HLV quá trẻ và thiếu kinh nghiệm. Đội hình ra sân của họ mất gần hết hàng thủ. Barcelona hay thua trong những trận đấu lớn nặng tính chiến thuật thế này...Nhưng trong một trận CK không thực sự hấp dẫn và nặng tính chiến thuật ấy, vị HLV già không thể nào làm gì nổi một đối thủ chơi quá tốt.

Câu hỏi: Ferguson đã đưa M.U vào 3 trận CK Champions League trong 10 năm, nhưng không trận CK nào thể hiện rõ nét những tính toán chiến thuật, những điều chỉnh quan trọng của người được cho là sói già? Lỗi của ông ở đâu nếu M.U trở thành Non-Manchester đêm thứ tư, khi đội bóng ấy không cầm nổi bóng, không một ngôi sao nào tỏa sáng và thậm chí gần như không có lấy một cơ hội? Năm 1999, điều tương tự đã xảy ra, khi M.U của ông hoàn toàn lép vế trước Bayern Munich. Chỉ có điều, 10 năm sau, đội bóng TBN đã không đi theo số phận của đội bóng Đức. Họ đã ghi được 2 bàn chứ không phải 1 như Bayern, và trong tay Ferguson, không một ai có những cái tên khiêm nhường như Solskjaer hay Sheringham...

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm