Tứ kết Champions League: Người Anh chỉ chờ những lá thăm

13/03/2009 10:06 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) - 4 đại diện Premier League góp mặt ở TK Champions League. Châu Âu lại đứng trước viễn cảnh chứng kiến một trận CK "toàn Anh".

1. Khi rời Old Trafford với thất bại một năm về trước, khiến trận CK ở Moskva là chuyện nội bộ của người Anh, HLV của Barca lúc bấy giờ là Rijkaard đã đưa ra một nhận định khiến toàn châu Âu phải đau lòng: "Không chỉ là trận CK. Nếu gặp may ở bốc thăm, cả 4 đội bóng Anh thừa sức có mặt ở bán kết". Tứ kết Champions League năm ngoài, điều mà người Anh chờ đợi không trở thành hiện thực khi Arsenal đã phải gặp Liverpool. Một năm sau, người Anh lại háo hức chờ đợi lễ bốc thăm vòng tứ kết (diễn ra vào ngày 20/3 tới đây).

Người Anh từng bước, từng bước thống trị châu Âu. Từ năm 2005 đến nay, họ luôn có đại diện ở trận CK. Liverpool 2 lần. Arsenal 1 lần. Mùa trước là cả Chelsea và M.U. Việc Premier League bảo toàn lực lượng cho đến vòng tứ kết đã được dự báo từ trước. Trừ Arsenal, phải đợi sự phán quyết của vận may trên chấm 11m, những Chelsea, Liverpool và M.U đều giành vé một cách thuyết phục. Mùa trước đã như thế. Bây giờ cũng vậy. Khi sự việc xảy ra lần đầu, có thể xem đó là hiện tượng. Nhưng trong 2 mùa liên tiếp, đó là bản chất. Với người Anh, sân chơi Champions League đang bị Premier League hóa và có lẽ vị GĐĐH nổi tiếng Richard Scudamore của FA không cần nhọc công theo đuổi kế hoạch "vòng 39 Premier League". Với phần còn lại của châu Âu (trong đó tất nhiên có cả Chủ tịch UEFA Michel Platini), Premier League đang giết chết Champions League.
 
Người Anh chỉ chờ những lá thăm

2. Có lẽ không cần phân tích lại nguyên nhân thành công của Premier League ở đấu trường châu Âu. Những ông chủ ngoại, sức mạnh tiền bạc, sức thu hút những ngôi sao cũng như chiến lược gia hàng đầu (có lẽ họ không thấy tiếc vì sa thải Mourinho, Ranieri và Ramos!)... các nhân tố này đã được nhắc đi nhắc lại đến nhiều lần.

Nhưng có một khía cạnh cần mổ xẻ đậm nét hơn để thấy được sự tiến bộ đáng nể của Premier League. Trước đây, giải đấu này thường gắn liền với khái niệm "kick & rush", tức chỉ biết chuyền và chạy. Cầu thủ Premier League chỉ được đánh giá cao ở khía cạnh "thể lực và tốc độ". Trong khi đó, ở thời đỉnh cao, cầu thủ tại Serie A được tung hô với kỹ thuật cá nhân điêu luyện (không hẳn là theo kiểu latin), giỏi xoay sở trong phạm vi hẹp, phối hợp nhóm tam giác rất đẳng cấp và sở hữu tư duy chiến thuật cao. Với những tố chất này, Serie A được đánh giá vượt trội hoàn toàn so với Premier League.

Nhưng sau một thời gian, mọi thứ đã thay đổi. Các cầu thủ Premier League không chỉ là những vận động viên điền kinh. Họ còn là những kỹ thuật gia, dùng chính chất kỹ thuật và tư duy chiến thuật cực tốt đó để đánh bại các đội bóng Serie A. M.U đánh bại Inter không phải nhờ tốc độ hay thể lực của cầu thủ, mà là kỹ thuật cá nhân vượt trội. Giggs đi bóng giữa 5, 6 cầu thủ Inter như đi chỗ không người. Rooney cầm bóng rất thảnh thơi ở cánh trái. Không cần dồn ép đối phương, không cần quá nhiều cơ hội, họ đã đánh gục đối phương. Trước đây, chúng ta đã chứng kiến những Milan, Juve khuấy đảo châu Âu bằng lối chơi như thế, điềm tĩnh, lạnh lùng và ra đòn đúng lúc.

Đau đớn cho người Italia, trong cái năm mà sân Olimpico của Roma được chọn đăng cai cho trận CK, các đại diện của họ đã bị quét sạch khỏi Champions League bởi Premier League. Sẽ chẳng có gì là cú sốc nếu 2 đội bóng Anh sẽ có mặt Olimpico. Nhưng liệu đó có phải là lần cuối cùng? Năm tới, năm 2010, đến lượt Madrid là chủ nhà của trận CK...

Đ.L

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm