Lyon – Nancy 3-1: “Tam giác quỷ” ở Gerland

31/08/2009 11:06 GMT+7 | Pháp

(TT&VH) -  Đội bóng đầu tiên bị hút vào cái “Tam giác quỷ” ấy và nát tan không còn mảnh giáp là Anderlecht, khi họ thảm bại 1-5 trên sân Gerland ở lượt đi vòng play-off Champions League với bốn bàn trút vào lưới là của bộ ba Bastos – Lisandro – Gomis. Rạng sáng qua, đến lượt Nancy là nạn nhân của thứ vũ khí đáng sợ ấy...

Bafetimbi Gomis mở màn chiến thắng, rồi châm ngòi cho Lisandro Lopez lốp bóng nâng tỉ số lên 2-0, trước khi Michel Bastos “đóng đinh vào cỗ quan tài” bằng một cú đại bác búa bổ từ khoảng 25m. Một kịch bản không thể hoàn hảo hơn cho... Chủ tịch Jean-Michel Aulas, người đã chấp nhận chơi một canh bạc khi bỏ ra số tiền lớn nhất trong lịch sử chuyển nhượng mùa Hè ở Lyon để khỏa lấp sự ra đi của Karim Benzema. Mùa này, trận đấu nào của “Les Gones” cũng in đậm dấu ấn của những tân binh. Không chỉ bởi những bàn thắng tới tấp đến, không chỉ qua những pha kiến tạo sắc sảo, mà còn ở sự nhuần nhuyễn, linh hoạt và sáng tạo trong lối chơi.

Gomis (số 18) và Lisandro ăn mừng bàn thắng
trong trận Lyon hạ Nancy 3-1

Giới báo chí thể thao Pháp hẳn sẽ phải băn khoăn lắm mỗi khi Lyon đá, vì chủ đề nóng hổi nhất ở Gerland hiện tại không gì khác hơn là việc bộ ba tân binh ấy sẽ làm nên những phép màu nào mới nữa. Ca ngợi mãi thì cũng nhàm, mà không ca ngợi thì...chẳng biết viết gì. Bởi người ta chẳng thể chê trách Gomis – Lisandro – Bastos ở điểm nào hết, từ sự bùng nổ của mỗi cá nhân lẫn việc phối hợp với nhau để duy trì sức chiến đấu mạnh mẽ cho cả một đội ngũ. Sự cơ động của mỗi người cũng là chìa khóa giúp cho HLV Claude Puel có thể chuyển đổi liên tục giữa hai sơ đồ 4-3-3 và 4-4-2 tùy theo diễn biến trận đấu. Nếu đá hai tiền đạo, Gomis và Lisandro sẽ chơi cao nhất còn Bastos đá phía sau, trong vai trò một tiền vệ biên phải (dù anh thuận chân trái). Trong sơ đồ 4-3-3, Gomis sẽ đá cắm, trong khi hai người kia (chơi tiền đạo cánh) khuấy tung hai biên bằng tốc độ, kỹ thuật và những cú sút xa búa bổ.

Hệ thống nào sẽ là chủ đạo?

Dễ dàng nhận thấy rằng, Puel ưa thích 4-3-3 hơn, nhưng đã áp dụng 4-4-2 là sơ đồ xuất phát trong hầu hết các trận đấu đầu tiên của Lyon mùa này. Có thể coi đó là một động thái chiều theo dư luận, bởi theo suy đoán đơn giản thì với một cặp chân sút mới toanh được tậu về là Gomis – Lisandro, hệ thống đầu tiên được người ta nghĩ đến là 4-4-2. Thế nhưng Puel cũng chứng tỏ cá tính của mình bằng việc phá bỏ đi logic thông thường ấy bằng hai sự điều chỉnh: Thứ nhất, ông không xếp Aly Cissokho và Bastos (đều thuận chân trái) đá cùng một cánh để phát huy khả năng chồng biên theo như suy nghĩ của nhiều người. Thứ hai, táo bạo hơn, vị HLV ấy đã đẩy Bastos lên hẳn vị trí một mũi nhọn thứ ba trên hàng công, và kéo Lisandro sang chơi tiền đạo trái.

Thực tế là dù đã bắt đầu mùa bóng bằng 4-4-2 (kể cả trong những trận giao hữu), nhưng Lyon chỉ thực sự bùng nổ mạnh mẽ với 4-3-3, trong chiến thắng 5-1 trước Anderlecht ở vòng play-off Champions League và thắng lợi 3-1 trước Nancy vừa qua. Sự thay đổi ấy giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất, gánh nặng sáng tạo của tuyến tiền vệ vắng bóng Juninho được chia sẻ hoàn hảo bởi Bastos, một số “chín rưỡi” không có phong thái khoan thai bằng người đồng hương vừa chuyển sang Qatar, nhưng rõ ràng là năng động và bùng nổ hơn hẳn. Thứ hai, 4-4-2 có thể khiến cho sức ép ở tuyến giữa được duy trì đều đặn, nhưng khiến cho việc vận hành tuyến giữa trở nên cứng nhắc và sức tấn công cánh không được cân bằng, do nhân sự ở biên trái và biên phải của Lyon có sự chênh lệch đáng kể. Cuối cùng, việc xếp ba họng pháo Gomis – Lisandro – Bastos huy động tối đa hỏa lực của “Les Gones” hiện tại.

Thắng lợi áp đảo trước Nancy vừa qua có thể khiến cho Puel phải cân nhắc nhiều hơn về những khía cạnh tích cực đã đạt được ấy. Đồng ý rằng 4-3-3 là một hệ thống thất bại mùa trước, nhưng khi ấy, nó không được vận hành bởi những tân binh có thể tạo ra đội biến tối đa như hiện tại, mà chỉ dựa dẫm vào một mình Karim Benzema. Giờ đây, mọi chuyện đã khác đi rất nhiều rồi.

Khẩu đại bác Bastos

Phương án đẩy tiền vệ người Brazil lên đá tiền đạo cánh, nhưng không xếp anh ở cánh thuận chân của HLV Claude Puel đã đem đến hiệu quả đáng kinh ngạc. Trước kia ở Lille, Bastos chỉ được sử dụng đơn thuần ở cánh trái để tận dụng khả năng đi bóng tốc độ cao và những quả tạt chuẩn xác. Thế nhưng khi được đặt ở vị trí tiền đạo cánh phải là chơi tự do, anh mới được khai thác tối đa khả năng sáng tạo và sự ngẫu hứng của mình.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa một Bastos chạy cánh và một mẫu Bastos đá kiểu “chín rưỡi” có lẽ là những pha ngoặt bóng từ biên vào trung lộ và tung ra những cú sút xa búa bổ. Hai bàn thắng của anh mùa này, một vào lưới Anderlecht ở Champions League và một vào lưới Nancy ở vòng bốn Ligue 1 vừa qua đều đến từ những tình huống như thế. Bastos có khả năng ngoặt bóng cực nhanh ở đoạn ngắn, khiến các hậu vệ thường không kịp trở tay và khi anh đã đẩy được bóng một cách thoải mái vào trung lộ, các thủ môn đang đước trước một khẩu đại bác thực sự.
 
Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm