(TT&VH) - Chiến thắng nhờ pha lập công duy nhất của một cầu thủ trẻ khi trận đấu đã trôi tới tận phút thứ 115 không phải là phong cách của Barca. Bản thân Guardiola cũng thừa nhận đây là trận Chung kết khó khăn nhất mà ông và các học trò phải trải qua. Nhưng suy cho cùng, thì đâu mới là điều tồn tại mãi mãi với thời gian? Hình ảnh nhọc nhằn của Barca trong trận, hay khoảnh khắc đội trưởng Puyol nâng cao chiếc Siêu Cúp châu Âu, danh hiệu thứ 5 mà Barca giành được chỉ trong vòng có hơn 3 tháng?
Không ít người đã nghĩ đến ngày suy thoái của một Barca no nê danh hiệu - giống như câu chuyện của thầy trò Rijkaard 3 năm trước - sau khi chứng kiến Messi và đồng đội vật vã làm đủ mọi cách mà vẫn không sao khoan phá nổi hàng thủ của Shakhtar Donetsk. Không loại trừ khả năng sẽ có một ngày như thế, nhưng chỉ sau một trận đấu với Shakhtar mà khẳng định ngày ấy đã tới vẫn là quá vội vàng. Đội bóng Ukraina chưa bao giờ là đối thủ dễ chịu với Barca, kể cả khi họ có phong độ tốt nhất. Như ở lượt đi vòng bảng Champions League mùa trước, Barca đã phải nhờ tới 2 pha lập công muộn mằn của Messi, trong đó có một bàn thắng theo kiểu “ăn cắp trứng gà”, mới lội được ngược dòng. Còn ở lượt về, khi Pep tự tin tung đội hình 2 vào sân, Barca thua luôn 2-3 ngay tại Nou Camp.
Pedro sắm vai người hùng đem về Siêu cúp châu Âu cho Barca
Thế nên, đâu có gì là khó hiểu khi Barca không thể tàn sát mành lưới của đối phương, như vẫn thường làm, trên đất Monaco, nơi mà họ phải chịu đủ mọi thể loại bất lợi. Từ bầu không khí oi bức của xứ Công quốc (ngay cả một người chơi bóng theo kiểu… “thanh cảnh” như Henry mà lưng áo cũng ướt sũng vì mồ hôi), mặt cỏ cằn khô và lồi lõm như mặt ruộng của Louis II, tới chính những vấn đề nội tại của một Barca chưa vào guồng. Khi Ibra chưa thể hòa nhập hoàn toàn, lại để cho khát khao thể hiện mình lấn át lý trí (có những tình huống Ibra chuyền thì tốt hơn, song anh vẫn cố sút), hàng công của Barca đã không thể hiện được tính nhịp điệu cần thiết để xuyên thủng khối bê-tông trước khung thành Pyatov. Một vài nỗ lực cá nhân lẻ tẻ của Messi hay Alves là không đủ. Không bao giờ đủ.
Trong những lúc khó khăn nhất, người ta có xu hướng tìm về với nguồn cội. Trong thời điểm cơn khát bàn thắng lên tới đỉnh điểm, Guardiola quyết định lại đặt niềm tin vào La Masia. Và thêm một lần nữa, trái tim của ông đã không bị đặt nhầm chỗ. Sau khi Guardiola thay Ibra bằng Pedro và Henry bằng Krkic để thiết lập một hàng công gồm toàn những cầu thủ nhỏ con (Pedro-Krkic-Messi), những pha lên bóng của Barca đã tiềm ẩn nhiều tính đột biến hơn hẳn. Và thực tế là chỉ hơn 5 phút được chơi cùng nhau trên sân, bộ ba ấy đã làm nên chuyện với “bàn thắng Vàng” của Pedro. Cầu thủ trẻ người Tenerife khiêm tốn nói rằng pha chuyền bóng của Messi đã là một nửa bàn thắng, song thực tế là nếu người nhận bóng không mang những phẩm chất của một La Masia, một nửa còn lại chắc chắn đã chẳng có cơ hội để xuất hiện.
Như thế, dù theo cách này hay cách kia, thì Barca cũng đã có bỏ túi chiếc Cúp thứ 5 chỉ trong vòng hơn 3 tháng, một thành tích mà ngay cả “Dream Team” của Johan Cruyff cũng phải ghen tị. Song thông điệp quan trọng nhất mà thầy trò Guardiola muốn gửi tới các cule qua hình ảnh miệt mài tìm kiếm chiến thắng đến những phút cuối cùng ở Monaco, là trong họ vẫn còn nguyên vẹn những khát khao vươn tới các đỉnh cao, dù đó là những đỉnh cao từng bị họ chinh phục, hay là những đỉnh cao mà họ chưa hề đặt chân tới. Sau Siêu Cúp TBN là Siêu Cúp châu Âu. Sau Siêu Cúp châu Âu sẽ là Cúp Vàng ở giải VĐTG các CLB. Và sau đó sẽ là một cú ăn ba nữa. Tại sao không? Chỉ cần thầy trò Guardiola cứ chơi bóng với tột cùng quyết tâm như ở Monaco, không điều gì là không thể xảy ra.
V.Cường
Messi đã về Argentina
Sau trận đấu với Shakhtar, trong khi các đồng đội trở lại Barcelona và tiếp tục tập luyện để chuẩn bị cho trận đấu với Sporting Gijon vào thứ Hai tới, Lionel Messi đã bay thẳng từ Monaco về Buenos Aires để cùng đội tuyển Argentina tập trung chuẩn bị cho trận “chung kết” với Brazil trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2010. Một người nữa của Barca cũng sẽ có mặt trong trận đấu đó là Daniel Alves vẫn phải về TBN như bình thường, do anh không phải là thành viên không thể thiếu với Brazil như Messi với Argentina.
|