Nou Camp không còn yên bình

19/02/2009 09:31 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH) - Khi Barca đang cần là một khối hơn bao giờ hết để khắc phục những hậu quả từ trận hòa 2-2 với Betis, thì tiền đạo Eto'o và Chủ tịch Laporta lại khiến cho bầu không khí yên bình và vui vẻ vốn có của Nou Camp được một phen xáo động với những lời nói và việc làm không lấy gì làm tích cực của họ.

Eto'o, sư tử bất trị

Không thể bắt Eto'o im tiếng, cả trên sân và ngoài đời. Trên sân, tiền đạo người Cameroon tiếp tục thể hiện bản năng sát thủ có một không hai của mình bằng một cú đúp nữa vào lưới Betis, bàn thắng thứ 22 và 23 chỉ sau 23 vòng, để từ đó vượt qua chân sút Marc Janko của Salzburg và vươn lên vị trí dẫn đầu trong cuộc đua tới danh hiệu "chiếc giày Vàng châu Âu". Nhưng nếu những gì Eto'o "nói" trên sân khiến các cule sung sướng, thì những gì phát ra từ miệng anh trước cánh phóng viên lại chỉ khiến cho họ cảm thấy bất ổn và lo lắng mà thôi. Có gì hay ho khi tiền đạo chủ lực của một đội bóng vừa bị mất điểm nói khơi khơi rằng anh ta đang chơi bóng không vì tình yêu, rằng anh ta đã quyết định được tương lai của mình nhưng sẽ không công bố chừng nào mùa giải còn chưa kết thúc?

Eto'o bốc đồng, nhưng Eto'o không khờ. Rõ ràng, không thể còn thời điểm nào thuận lợi cho Eto'o tung ra những phát biểu kiểu ấy hơn lúc này, khi anh đang ở đỉnh cao phong độ và khi Barca đang không thể sống thiếu những bàn thắng của anh. Eto'o được quá nhiều từ những phát biểu ấy. Thứ nhất, anh được trở thành trung tâm của đội bóng, các cule lo sợ mất anh và sẽ làm tất cả để điều đó không xảy ra, một vị thế Eto'o chưa từng có kể từ khi chuyển tới Nou Camp do hết phải sống dưới bóng Ronaldinho lại tới Messi. Thứ hai, nếu Barca không muốn mất anh, thì đừng có mà lừng khừng về chuyện hợp đồng mới nữa (và tất nhiên là với những điều kiện do Eto'o đưa ra ). Tôi không làm việc vì tình yêu, mà là vì tiền, và do đó, nếu anh không trả tôi đủ nhiều, tôi sẽ đi tới bất cứ nơi nào làm điều đó.
 
Eto'o, sư tử bất trị

Nhìn từ giới cule, thì dù là với mục đích gì, hành động của Eto'o cũng là khó chấp nhận nổi. Bởi nó không chỉ làm thay đổi những kế hoạch cho tương lai của Barca (đang phải phân vân giữa việc gia hạn hợp đồng với Eto'o và việc bán phứt đi, nhưng nếu bán, lại phải lao vào những cuộc đi săn mới), mà còn nhuốm một màu xám không đáng có vào hiện tại phơi phới của đội bóng. Guardiola, người bị Eto'o hét vào mặt khi "dám" đề nghị anh ta ra chơi ở cánh phải để nhường trung tâm cho Messi, có còn giữ được sự công tâm khi chuẩn bị danh sách cho trận đấu tiếp theo? Các cầu thủ, đặc biệt là những người trưởng thành từ La Masia như Messi, Xavi hay Iniesta có còn muốn chuyền bóng cho một tên lính đánh thuê không có chút tình yêu nào với đội bóng, nghĩa là, không có chút vương vấn nào với chính họ? Khó lắm!

Laporta, siêu cò

Tờ El Mundo, đồng tác giả của vụ lật đổ Calderon cùng Marca, vừa công bố những thông tin mà họ cho rằng đủ sức trở thành một scandal mới: Chủ tịch Barca Joan Laporta từng "vòi" cựu Chủ tịch Mallorca Vicente Grande 4,2 triệu euro tiền phí môi giới. Cụ thể hơn là thế này: Trong mùa Hè vừa rồi, Grande buộc phải rao bán Mallorca, và Laporta, thông qua công ty luật của mình là Laporta & Arbos, đã giới thiệu Grande với Miradil Djalalov, doanh nhân người Uzbekistan, Chủ tịch của tập đoàn Zeromax, và là người có cổ phần trong CLB Bunyodkor (từng trả 5 triệu euro cho Barca để Bunyodkor được đến thăm La Masia hồi tháng 1). Đổi lại, Grande phải trả cho Laporta 7% phí môi giới. Vụ mua bán diễn ra khá thuận lợi, Zeromax đồng ý trả 60 triệu euro, Laporta sẽ nhận được 4,2 triệu, nhưng cuối cùng lại bất thành, do có sự chen ngang của Paul Davidson, người ra giá 63 triệu euro.

Thực tế, Laporta chẳng có gì sai trong vụ này, bởi việc một công ty luật môi giới cho một vụ mua bán là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng Laporta vẫn bị chỉ trích, bởi thứ nhất là ông (suýt nữa) là người mở đường cho trào lưu bán đội bóng cho các ông chủ ngoại quốc (Mallorca là CLB đầu tiên ở TBN chấp nhận "bán mình"); và thứ hai, là ông đã sử dụng hình ảnh đội bóng (không nhờ Barca, ai biết Laporta & Arbos là gì) để trục lợi cho riêng mình, trong khi chính miệng lại yêu cầu các thành viên BLĐ không được để công việc cá nhân chen vào công việc CLB. Giờ thì người ta đã hiểu, tại sao Laporta lại công du nhiều đến vậy trong thời gian qua (mà ông bảo là để quảng bá hình ảnh Barca ra toàn thế giới). Không biết, có bao nhiêu % trong số hàng ngàn chuyến đi ấy thực sự đến được nơi Barca cần?
 
Carles Puyol muốn gắn bó trọn đời với Barca

Trong khi Eto'o khẳng định mối quan hệ giữa anh với Barca chỉ đơn thuần là công việc, thì đội trưởng Carles Puyol lại không thèm giấu diếm ước muốn được gắn bó trọn đời với đội bóng này. Trong bài trả lời phỏng vấn Powergym, chàng Bon Jovi của Nou Camp nói rằng anh dự định sẽ treo giày ở tuổi 35 hoặc 36 và sau đó, tiếp tục làm việc cho Barca dưới những cương vị mới. "Tôi không nghĩ mình sẽ trở thành Chủ tịch. Tôi cũng không thích công việc huấn luyện. Thư ký kỹ thuật có vẻ là một công việc thú vị hơn đối với tôi".

Việt Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm