Tiếng nói dư luận: Krasic đáng bị treo giò, nhưng…

28/10/2010 11:41 GMT+7 | Italy

(TT&VH) - Nhiều khả năng nếu Milos Krasic không phải một cầu thủ quan trọng của Juventus và pha ăn vạ lộ liễu khiến anh bị treo giò 2 trận không xảy ra vừa kịp lúc trận đấu với Milan đã cận kề, thì vụ bê bối này đã được cho “chìm xuồng”, nhất là khi Juve cũng chẳng được gì từ pha ngã vờ (Iaquinta đá hỏng quả phạt đền Krasic “vẽ” được). Nhưng đen đủi cho Krasic và cho Juve, rằng mọi sự lại đi ngược giả thuyết đó.

Điều dễ nhận ra trong vụ này là sự “nhiệt tình” quá mức của giới truyền thông, mà truyền thông ở Italia là gần như hoàn toàn nằm trong tay nhà tài phiệt Silvio Berlusconi, ông chủ của Milan – đội bóng dĩ nhiên muốn loại Krasic ra khỏi cuộc tranh tài với Juventus cuối tuần này. Pha đánh lừa trọng tài thiếu khôn ngoan của Krasic dĩ nhiên là cơ hội không thể ngon ăn hơn để Milan làm suy yếu đối thủ trước cuộc tranh hùng.

Pepe có thể đá thay Krasic, Ảnh Getty

Trên các diễn đàn bạn đọc, nơi ý kiến là rất đa chiều, quan điểm chung là không bảo vệ Krasic, nhưng liên hệ đến những mảng tối của vấn đề. “Krasic đã sai. Anh ta đã ngã vờ và xứng đáng bị trừng phạt. Tất cả các cầu thủ gian lận cần bị trừng phạt để ngăn họ tiếp tục tái diễn. Nhưng vấn đề là đã có những cách đối xử khác nhau với cùng một hành vi. Có một số cầu thủ chịu án, một số khác thì không”.

Họ gợi lại cú ngã vờ “kinh điển” của hậu vệ Lucio ở ngay vòng 1 Serie A mùa trước, tạo ra quả phạt đền để Eto’o giúp Inter dẫn trước Bari 1-0. Không hề có án phạt. Hay mới đây nhất, Robinho cũng có pha ăn vạ trong trận gặp Napoli, nhưng cũng chẳng ai nói đến. Tiền lệ cho án phạt treo giò 2 trận (hoặc nhiều hơn) do lỗi ăn vạ kiếm penalty mới chỉ có 3 trường hợp, nhưng những tình huống như vậy gần như vòng đấu nào cũng xảy ra. Có nghĩa là, chính cách thức hành luật thiếu công minh khiến gây ra những tranh cãi, đồng thời không giúp ích gì trong việc ngăn chặn gian lận.

Yếu tố quyết định ở đây rõ ràng là sự ảnh hưởng của truyền thông. Một khi sức mạnh từ báo chí có thể đẩy cả một nền bóng đá vào thảm họa calciopoli, đẩy một đội bóng kiêu hãnh như Juventus xuống hạng, thì những vụ việc như thế này dĩ nhiên là quá nhỏ bé. Báo chí có thể tùy ý làm to chuyện hay che giấu nó đi rất dễ dàng. Chỉ vì báo chí Italia khui ra vụ tiền vệ Torsten Frings có hành vi bạo lực ở World Cup 2006 mà ĐT Đức mất đi thủ lĩnh trong trận bán kết với Italia, để rồi thua 0-2. Một khi tình huống ăn vạ được đánh giá là không tổn hại gì đến “tình hình thế giới”, thì người ta dễ dàng “ngó lơ”. Nhưng nếu nó có liên quan đến một sự kiện được quan tâm, chẳng cứ phải là Milan hay đội nào khác, không dại gì báo chí bỏ qua, có thể đơn giản chỉ để… bán báo. Còn lại là việc của người khác.

V.N
 

Krasic từng thoát án

Nhưng cũng có ý kiến khẳng định nếu Krasic không “đóng kịch” quá lộ, hay anh đóng kịch nhưng thật thà nhận lỗi, hay trọng tài không kém cỏi đến mức chẳng nhìn thấy gì, thì cùng lắm tiền vệ người Serbia chỉ phải nhận một thẻ vàng. Quy định đã ghi rõ, vấn đề chỉ là hành vi gian lận có đánh lừa được trọng tài hay không mà thôi. Robinho có thể đóng kịch ở trận gặp Napoli, nhưng hành vi của anh không gây ra hậu quả cụ thể nào (ví dụ penalty hay thẻ phạt cho cầu thủ đối phương), nên cùng lắm chỉ có thể cảnh cáo, nhắc nhở. Mà theo báo chí, Krasic đã từng đóng kịch để kiếm được quả penalty trong trận thắng Lecce 4-0 (Melo đá thành công), nhưng anh thoát án chỉ vì đã “diễn” kín hơn lần này mà thôi.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm