Chỉ có những kẻ tâm thần mới lắc đầu trước một cái giá khủng khiếp cho vụ chuyển nhượng thế kỉ như thế nữa. Những cái giá như thế chỉ xuất hiện một lần trong đời và có lẽ không bao giờ quay lại. Không phải Milan không cần Kaka, nhưng trong một nền kinh tế và bóng đá khủng hoảng, với những giá trị kim tiền hoàn toàn là ảo, thì những cái giá thực với tiền thực như thế chỉ có một không hai, trong khi những cầu thủ giỏi, có thể chưa đến mức như Kaka, không hề thiếu.
Milan là đội bóng làm nên các ngôi sao, chứ không phải ngôi sao tạo nên Milan (trừ chính sách Beckham hoá Milan của Berlusconi vào thời điểm này). Lịch sử đã chứng minh điều ấy và Kaka, đã toả sáng ở Milan suốt 6 năm qua, là người biết rõ điều này hơn ai hết. Ngày đến Milan, anh vẫn chỉ là một tài năng trẻ. Ngày ra đi, anh là một siêu sao thế giới. Thời điểm nào Milan cũng có những ngôi lớn như Kaka, hoặc chỉ kém Kaka chút đỉnh. Không Kaka, Milan còn Ronaldinho. Sự toả sáng nhanh chóng của anh trong nửa đầu mùa bóng đầu tiên trên đất Italia đến mức làm lu mờ Kaka, lúc mà nhiều người cho là Ronaldinho đã hết thời, là một lí do không kém phần quan trọng thúc đẩy Berlusconi quyết định bán Kaka và nhường cho Ronaldinho vị trí số 1 ở Milan, vị trí mà thực ra bây giờ anh đang nắm giữ. Nên nhớ, anh chưa hề già, mới chỉ 28, nghĩa là hơn Kaka đúng 2 tuổi.
Chủ tịch Milan, Silvio Berlusconi
Tác động tiêu cực về mặt kĩ thuật có lẽ không đến mức quá lớn như các tifosi đã chờ đợi. Sự ra đi của anh ngay vào thời điểm này sẽ chỉ tạo ra một cú sốc và sự trống vắng trong lòng các tifosi. Sự ra đi ấy sẽ khiến Milan suy yếu, nhưng nên nhớ, mùa này, Milan không phải đá Champions League, chỉ tập trung cho Cúp UEFA và tự xác định chỉ cần có vị trí dự Champions League mùa sau là đủ.
Vậy, Milan cần Kaka làm gì nữa, trong thời điểm đã có Ronaldinho, mà Kaka lại còn trẻ, được giá và nếu không bán bây giờ, có lẽ không bán được lúc nào nữa với cái giá tương xứng? Mà Milan đang trong một thời điểm kì lạ nhất trong 23 năm của triều đại Berlusconi: ông chủ của Milan có thói quen thích ai mua nấy, và tiền không phảilà một vấn đề quá lớn đối với Berlusconi, cho đến ông đưa về những ngôi sao như Ronaldinho và Beckham để hoàn thiện gánh xiếc rong. Phải, bây giờ, Milan, hay đúng là Berlusconi, cần tiền, rất nhiều tiền. Từ chối một khoản tiền khổng lồ như thế quả là điên rồ. Nhưng tôi tin, cái gật đầu tắp lự ấy trước những người cũng có tính toán của nó (chưa biết chừng chính Milan mời Man City mua Kaka): Milan chối từ 80 triệu của Real Madrid và 100 triệu Chelsea không phải vì không cần tiền, mà vì không muốn tiếp thêm sức mạnh cho những đối thủ trực tiếp của họ trên đất châu Âu. Còn Man City, kể cả khi đã có Kaka, cũng còn lâu mới trở thành đối thủ của Milan.
Tại sao Milan có thể bán đi Shevchenko và Kaka, trong khi không động đến những cựu binh? Câu trả lời đơn giản: trong thứ bóng đá mang quan điểm chính trị của Berlusconi, họ chỉ là những ngoại binh, không bao giờ trở thành những biểu tượng của Milan cũng như là hình ảnh tiêu biểu cho lòng trung thành. Vị thủ tướng Ý muốn các công dân của mình hiểu một điều, những ngôi sao nước ngoài chỉ là thứ trang sức tô điểm, Beckham và Ronaldinho bây giờ cũng thế, chỉ có những cầu thủ Italia chính gốc mới là hình ảnh của lòng trung thành tuyệt đối, như ông trung thành với nước Ý và nhân dân. Không ai thể hiện điều đó tốt hơn Maldini (và trước đây, Baresi, và nên nhớ, họ là những hậu vệ, để hàm ý “bảo vệ truyền thống”).
Thế nên Maldini cứ được thuyết phục thi đấu mãi, dù thực tâm anh muốn giải nghệ. Maldini sẽ xỏ giầy đá thêm ít nhất 2 mùa nữa, cho đến tuổi 43, tiếp tục giương cao ngọn cờ trung thành cho tất cả thấy, dù đầu anh có thể bạc, chân anh có thể mỏi và lòng anh có chút sờn. Bạn rõ chưa, chỉ có những kẻ phản bội và yêu tiền mới rời bỏ Milan mà thôi.
N-A