Đào tạo cầu thủ trẻ ở Anh: Vai trò của Premier League

03/09/2011 08:25 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH Cuối tuần) - Để có được những lứa cầu thủ Anh xuất sắc, vai trò của các câu lạc bộ thuộc Premier League là rất lớn. Nhưng những đội bóng hàng đầu nước Anh đã làm những gì để giúp các tài năng trẻ phát triển?

Giống như Liên đoàn bóng đá Anh, Premier League vừa bổ nhiệm một người chuyên phụ trách công tác phát triển tài năng trẻ. Ged Roddy, người mới được trao trọng trách, đã có 17 năm trên cương vị Giám đốc thể thao tại trường Đại học Bath chuyên làm việc với các vận động viên Olympic, và cũng có những thành công nhất định với bóng đá. Năm 1999, Roddy sáng lập ra câu lạc bộ bóng đá có tên Team Bath. Câu lạc bộ này đã thăng 6 hạng chỉ trong vòng 9 năm và khiến dư luận chú ý vào năm 2002 khi họ trở thành trường Đại học đầu tiên lọt vào tới vòng một FA Cup trong suốt lịch sử 122 năm của giải đấu giàu truyền thống nhất nước Anh.

Những cầu thủ trẻ như Tom Cleverley cần được tạo điều kiện ra sân đều đặn ở Manchester United - Ảnh Getty

Một trong những nhiệm vụ chính của Roddy là giám sát quá trình thực hiện Chương trình Phát triển Elite của Premier League nhằm tăng số giờ tiếp xúc cho các cầu thủ nhí ở những học viện đào tạo của các câu lạc bộ hàng đầu, với sự cộng tác nhiều hơn từ phía các nhà trường. Một ý tưởng được đưa ra là cho phép các câu lạc bộ Premier League thành lập hệ thống giáo dục của riêng họ theo chính sách trường học tự do của chính phủ. “Tôi có thể tưởng tượng ngày trường học Premier League ở North-West được thành lập, ví dụ như, trường cho phép các cầu thủ kết hợp chơi bóng với việc học văn hóa và có sự linh động hơn nữa”, Tổng Giám đốc điều hành Premier League Richard Scudamore nói.

Động thái này diễn ra sau khi Roddy, từ kinh nghiệm ngoài lĩnh vực bóng đá của mình, đã nhận xét: “Một vận động viên bơi lội 15 tuổi chuẩn bị cho Olympic thường sẽ có 15 giờ tập luyện một tuần, vừa đúng với số giờ học ở trường, trong khi một cầu thủ bóng đá ở cùng độ tuổi chỉ có 5 giờ”.

Tuy nhiên, đối với tất cả những hỗ trợ mà Chương trình Phát triển Elite của Roddy nhận được, có rất nhiều người lại muốn giảm bớt số lượng các học viện đào tạo trẻ. Họ dự định chia các học viện thành bốn nhóm, trong đó cho phép các câu lạc bộ Premier League dễ dàng tiếp cận với các cầu thủ trẻ tài năng hơn. Những cầu thủ giỏi sẽ sớm chuyển sang chơi cho các câu lạc bộ hàng đầu, và mặc dù cơ chế bồi thường sẽ thay đổi nhưng nguy cơ phá sản của khoảng 30 đến 40 học việc đào tạo trẻ thuộc hệ thống Football League là không nhỏ.

“50 triệu bảng để mua Fernando Torres tương đương với chi phí hoạt động của tất cả các học viện bóng đá trẻ thuộc tất cả các câu lạc bộ tại Premier League trong 1 năm - mà còn thừa 10 triệu bảng” - Greg Clarke, Chủ tịch của Football League.

Các hạn chế đối với việc các câu lạc bộ ký hợp đồng với các cầu thủ sẽ được nới lỏng, tạo điều kiện hơn nữa cho các đội bóng hàng đầu được tự do hơn khi lựa chọnnhững cầu thủ tài năng nhất. “Nếu chúng tôi giảm bớt các hạn chế này, đó sẽ là một rủi ro lớn đối với bóng đá Anh”, Greg Clarke, Chủ tịch của Football League, nói. Ông là người đã chỉ ra rằng 13 cầu thủ trong đội tuyển U-21 của Anh sang Đan Mạch dự giải vô địch U-21 châu Âu hồi tháng Sáu vừa rồi không ít thì nhiều đã thời gian chơi cho các câu lạc bộ ở Football League. Vẫn luôn luôn là vậy, mọi thứ chung quy là vì tiền. “50 triệu bảng để mua Fernando Torres tương đương với chi phí hoạt động của tất cả các học viện bóng đá trẻ thuộc tất cả các câu lạc bộ tại Premier League trong 1 năm - mà còn thừa 10 triệu bảng”, Clarke nói thêm.

Liên đoàn bóng đá Anh và Premier League sẽ sớm làm dịu đi những e ngại của các câu lạc bộ Football League. “Chúng tôi cần mọi người cùng chung sức”, Ged Roddy nói. “Đó là một thử thách lớn và trong khi chúng tôi chỉ có 20 câu lạc bộ thì Football League có tới 72 đội bóng. Chúng tôi đã có những tranh luận chi tiết và dứt khoát với mọi người và tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ có sự đồng thuận. Việc bổ nhiệm David Wetherall, cựu hậu vệ của Leeds United, vào cương vị Giám đốc đào tạo trẻ là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy sự nghiêm túc của Football League trong việc phát triển tài năng trẻ và hỗ trợ các học viện”.

Lý thuyết nghe có vẻ hay. Nhưng những vấn đề về văn hóa lâu nay lan tràn ở bóng đá Anh dường như cũng đã hiện hữu tại các học viện. “Các huấn luyện viên ở các học viện phải chịu quá nhiều áp lực làm sao để đào tạo ra những cầu thủ tốt và những đội bóng có thể giành chiến thắng đến nỗi họ chỉ bám vào những gì họ biết”, Danny Mills nói. “Các học viện có xu hướng thu nhận những cầu thủ to khỏe, những người có thể giúp đội của họ thành công. Và họ hi vọng rằng các cầu thủ đó khi lớn lên sẽ phát triển được kỹ thuật của mình chứ không phải mạo hiểm với một cầu thủ nhỏ nhưng khéo léo, mà bản thân đã có kỹ thuật tuyệt vời”.

Nhưng không thể chối cãi được rằng vấn đề lớn nhất mà bóng đá Anh gặp phải là thiếu các huấn luyện viên làm việc toàn thời gian có chất lượng cao. Nước Anh chỉ có 5.796 huấn luyện viên có bằng B, A và Pro của UEFA, trong khi con số này ở Tây Ban Nhà là 23.995 và ở Đức là 34.970.

Người Anh đang xây dựng một trung tâm đào tạo bóng đá mới ở Burton. Đây sẽ là nơi Liên đoàn bóng đá Anh hỗ trợ các hoạt động đào tạo trẻ theo phương châm câu lạc bộ đào tạo cầu thủ còn Liên đoàn đào tạo các huấn luyện viên. Việc bổ nhiệm Gareth Southgate làm người đứng đầu Chương trình Phát triển Elite được xem là một quyết định thông minh. Cựu hậu vệ này vừa có tài năng và kinh nghiệm, vừa hiểu biết các chính sách và đồng thời cũng là một ông bố. Southgate được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mọi lĩnh vực đào tạo trẻ trong làng bóng đá Anh cùng phát triển.

Sự thay đổi nhân sự và cơ cấu của Liên đoàn bóng đá Anh và các câu lạc bộ chuyên nghiệp, cùng với những sửa đổi về hình thức và động lực của bóng đá trẻ sẽ phải mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỉ mới mang lại hiệu quả. Việc bổ nhiệm một vị trí quan trọng sẽ đem đến sự thay đổi lớn cho bóng đá Anh. Rất nhiều lời đồn đại ở Tây Ban Nha cho rằng Pep Guardiola sẽ tiếp quản Manchester United khi Sir Alex nghỉ hưu và nếu Guardiola chuyển tới Manchester United, rất có thể điều đó sẽ tác động tới nền bóng đá Anh vì hiện tại chỉ có duy nhất câu lạc bộ Asernal chơi thứ bóng đá tương tự Barcelona.

Ở Anh, Arsenal bị chỉ trích vì chính sách trẻ hóa quá mức, và đau đớn sau thất bại 2-8 trước Manchester United cuối tuần vừa qua. Nhưng đáng buồn thay, chính người Anh đang cần hơn bao giờ hết những mô hình phát triển như Arsenal. Ở đó, sẽ có một lối thoát cho bóng đá Anh, dù con đường mà họ phải đi qua sẽ rất dài.

Ngọc Mỹ




Cầu thủ trẻ người Anh ít cơ hội

Trong số những tài năng trẻ đầy hứa hẹn của đội tuyển U-17 Anh vừa bị U-17 Đức loại ở vòng tứ kết World Cup U-17 tổ chức ở Mexico, chỉ có vài cầu thủ có khả năng chuyển lên chơi ở Premier League. Hiện nay, chỉ có 40% các cầu thủ Premier League là người Anh, trong khi 75% các cầu thủ chơi ở La Liga là người Tây Ban Nha.

“Có rất nhiều mối đe dọa ở Premier League khiến các huấn luyện viên e ngại khi đặt cược vào các cầu thủ trẻ người Anh”, Tony Carr, hiện là Giám đốc đội trẻ của West Ham, nói. “Việc phát triển bóng đá trẻ không mang lại lợi ích tức thì, do đó, các huấn luyện viên thường thích trả một khoản phí chuyển nhượng để có những cầu thủ nước ngoài đã được đào tạo”.

Carr đã chứng kiến sự phát triển của rất nhiều cầu thủ trong cuộc đời huấn luyện của mình, bao gồm Frank Lampard, Rio Ferdinand, Joe Cole và Glen Johnson. “Khi Glenn Roeder phụ trách West Ham, ông ấy cần một hậu vệ cánh phải. Tôi nói: “Tại sao không chọn Glen Johnson?” và ông ấy trả lời: “Anh thực sự nghĩ là cậu ấy đủ tiêu chuẩn à?”

Đáng lo ở chỗ, cái tư duy kiểu Glenn Roeder lại đang phổ biến ở Premier League.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm