John Terry: Không ai đánh một kẻ đã chết…

03/03/2010 12:15 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Ở Wembley, mọi ống kính sẽ lại hướng về Terry, nhưng không hẳn để chờ đợi những màn trình diễn đỉnh cao của anh. Giới truyền thông ở xứ sương mù hẳn đã mất nhiều thời gian để lên một kịch bản đầy tính Hollywood, kiểu như “cuộc báo thù của Bridge” chẳng hạn. Các CĐV thì chia ra 2 phía rõ rệt, một bên háo hức chờ cuộc sụp đổ của một thần tượng hết thời, phía khác lại chẳng biết phải ủng hộ hay thù ghét một kẻ thất bại. Nhưng với Fabio Capello, chắc chắn ông chỉ có 1 câu hỏi duy nhất: Chuyện này sẽ kéo dài tới đâu?

Những ngày đã qua hẳn đã khiến Terry đau khổ và mất phương hướng. Nhìn cách anh chơi trên sân là đủ thấy, đội trưởng của Chelsea đã phải đối mặt với một thử thách rất lớn trong cả sự nghiệp lẫn cuộc đời. Bị tước băng đội trưởng Tam sư là một cú đấm chính diện vào niềm hãnh diện của anh. Những thất bại của Chelsea như một sự đầu hàng đau đớn của kẻ mắc lỗi. Còn mỗi một lần các đồng đội của anh, Lampard, Rooney, hay Gerrard lên tiếng bảo vệ anh, thì đó lại chẳng khác nào một nhát dao khía vào lòng tự trọng. Giờ thì Terry đã hiểu, anh có thể được tất cả trong phòng ngủ, nhưng lại mất tất cả trong cuộc sống.

Terry đang phải chịu sức ép rất lớn

Những xúc cảm đầy mâu thuẫn sẽ tràn ngập Wembley, khi Terry chiến đấu cho nước Anh. Những người thông cảm cho anh trên thực tế cũng chẳng biết phải ủng hộ anh như thế nào. Còn những người căm ghét anh, thực ra cũng chưa chắc đã biết, họ muốn gì từ một nạn nhân “đã chết”.

Phải, Terry đã “chết”. Hoặc nói cách khác, anh đã đầu hàng vô điều kiện trong một cuộc chiến mà người sai chỉ được quyền. Giờ đây, chỉ một cú phá bóng hỏng, hay một tình huống chọn sai vị trí, cựu đội trưởng của tuyển Anh sẽ lại phải đối mặt với nỗi ám ảnh, những lời rủa xả cay nghiệt từ dư luận, và cả cảm giác căm ghét chính bản thân mình. Vậy thì vì sao anh lại ở đây nhỉ, thay vì một nơi nào đó đủ tĩnh lặng để gặm nhấm nỗi xấu hổ? Ồ không, hơn ai hết, anh vẫn hiểu, anh vẫn là một biểu tượng, một thủ lĩnh của Chelsea. Và Capello cũng thế. Ông hiểu Terry vẫn là một trung vệ đủ sức đánh bại bất cứ chân sút xuất sắc nhất thế giới nào. Anh cần cho nước Anh, anh cần cho đội bóng, và cho cả tham vọng đang khát cháy từ phía các CĐV xứ sương mù.

* Hãy cho anh một con đường thoát

Nếu như Ashley Cole đã tuyệt vọng đến mức tuyên bố sẵn sàng giải nghệ, thì liệu Terry còn có thú vui chơi bóng? Những giọt nước mắt ở Moscow không cho thấy anh là gỗ đá. Và cách Terry đứng dậy sau thất bại cũng không cho thấy anh là một kẻ hèn nhát. Không, thay vì chạy trốn mọi thứ, lá chắn thép của Chelsea sẽ đối mặt với tất cả. Như anh đã làm sau mỗi lần Blues gục ngã. Có điều, đây không phải là trận chiến trên sân cỏ, mà là trận đấu với chính mình. Trận đấu lớn nhất, cho sự thanh thản và bản lĩnh của một người đàn ông.

Khi tuyển Anh vắng cả Rio Ferdinand lẫn Ashley Cole, nhiệm vụ của Terry sẽ nặng nề hơn bao giờ hết. Nhưng mặt khác, Ai Cập cũng sẽ là cơ hội để anh khẳng định quyền năng của mình ở hàng thủ Tam sư. Đó mới là điều Capello cần. Và đó cũng mới là điều cả nước Anh chờ đợi, khi chiến dịch khởi động cho World Cup đã bắt đầu nóng lên.

Vậy đấy, Terry có thể là cái tên biểu tượng cho nỗi hổ thẹn, có thể là tấm gương xấu mà không ông bố, bà mẹ nào muốn con cái họ học theo. Nhưng trên hết, anh vẫn là người cần thiết cho đội tuyển, nếu không muốn nói là không-thể-thay-thế.

Vì tất cả những điều đó, hãy cho anh một con đường thoát. Dù anh vẫn chưa nói lời xin lỗi nào hết, nhưng hãy cho anh thời gian để cân bằng lại mọi thứ. Và nếu có những người tin rằng, Terry không thể được tha thứ, thì cũng hãy nhớ, điều anh đã làm cũng có thể xảy ra với bất cứ ai.

Đứng dậy nào, Terry. Ngay cả khi anh đã mất hết tất cả, thì ngày mai vẫn còn…

Yến Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm