Câu chuyện ngày thứ Ba: Terry phải trả băng đội trưởng

02/02/2010 12:10 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Điều tiên quyết lúc này là không khí trong phòng thay đồ của ĐT Anh ở Nam Phi. Không thể biến nó thành nơi bị phủ vây bởi những tin tức giật gân.

Không thể phớt lờ cho qua

Sự không chung thủy, phản bội lòng tin của nhau, lá mặt lá trái và tất cả được phơi bày trước công chúng. Đó là mặt tồi tệ của nền văn hóa WAGs (vợ và bạn gái các cầu thủ nổi tiếng) từng góp phần khiến ĐT Anh sụp đổ ở World Cup gần đây nhất và HLV Fabio Capello sẽ làm mọi việc để điều đó không lặp lại. Từ sâu trong đáy lòng, hẳn Terry cũng hiểu điều đó. Tuy nhiên, nếu anh không còn nhận được sự ủng hộ của các đồng đội ở ĐTQG, sai lầm đó không còn sửa chữa được nữa thì Terry nên trả lại chiếc băng đội trưởng, thay vì phải trải qua một cuộc nói chuyện đầy bất trắc và không thể tránh khỏi với Capello.

Terry có nguy cơ bị tước băng thủ quân ĐT Anh

Đó không chỉ là vấn đề đạo đức và cảm tính, mà cả dựa trên phân tích lý tính. Chức năng của đội trưởng là gì? Làm gương cho các cầu thủ khác, tạo ra sự đoàn kết và cảm hứng cho đội bóng. Liệu Terry, với tình trạng hiện giờ, còn có thể làm những điều như thế? Rõ ràng, mọi chuyện đã kết thúc với anh, ít ra là trên sân cỏ. Nếu có làm gương, thì giờ Terry chỉ là một tấm gương vỡ không thể lành được nữa. Sự kiện vừa rồi là một vở bi kịch với ĐT Anh, nhưng Capello cần được bảo đảm rằng nó sẽ không trở thành một cuộc khủng hoảng. Lẽ đó, hậu vệ của Chelsea có thể vẫn là một thành viên quan trọng trong đội hình Capello ở World Cup 2010, nhưng không phải là đội trưởng.

Mặc dù lúc này mọi chuyện đã khá rõ ràng, nhưng vẫn cần sự xử lý hết sức thận trọng. Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu như Capello, hay nhiều khả năng hơn, những người thuê ông ở LĐBĐ Anh (FA), cố gắng tỏ ra bản lĩnh và phớt lờ dư luận bằng cách giữ chiếc băng đội trưởng lại cho Terry. Ngược lại, HLV người Ý, một người sống vì gia đình, chắc chắn có những quan điểm cá nhân về cách cư xử của Terry, nhưng ông cũng cần tỏ ra khôn ngoan. Nếu giải quyết theo cách chuyên nghiệp và thực tế, Capello có thể nhanh chóng vượt qua rắc rối này và tiến tiếp, nhưng nếu để cảm xúc chi phối, mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ với ĐT Anh.

Terry có thể sẽ cảm thấy bị tổn thương khi bị tước băng đội trưởng, nhưng chắc chắn anh sẽ hiểu. Khi David Mellor từ chức Bộ trưởng di sản Anh hồi tháng 9/1992, ông đã bị phát hiện ngoại tình và nhận tiền đi nghỉ mà không báo cáo với quốc hội. Mellor phát biểu: “Tôi đã trở thành một gánh nặng với các đồng sự và một điểm yếu trong chính quyền”. Bất cứ ai đã chứng kiến bàn ấn định tỷ số của Terry vào lưới Burnley tối thứ Bảy đều hiểu rằng anh không phải là một điểm yếu ở ĐT Anh, nhưng chắc chắn hiện giờ anh đang là gánh nặng với các đồng đội nếu tiếp tục giữ băng đội trưởng, trên nhiều phương diện, cả trong và ngoài sân cỏ.

Từng có tiền lệ

Giờ không ai còn nhớ vai trò của Danny Murphy trong đội hình ĐT Anh năm 2002. Đó là bởi ngày 24/5 năm đó, Murphy bị phát hiện dính chấn thương xương bàn chân trái trong một buổi tập và buộc phải rút khỏi đội hình. Thay anh là Trevor Sinclair. Vào ngày hôm đó, Murphy xuất hiện ở một bệnh viện tại Jeju, Hàn Quốc và được chào đón bởi một đoàn phóng viên. Anh kẹp nạng và bật khóc trong thất vọng khi người duy nhất còn lại bên cạnh anh là bác sĩ John Crane, một cụ già đã sắp về hưu. Murphy sau đó kể lại rằng anh phải tập tễnh dùng nạng gạt đám đông ra và giấu kín mặt vì không muốn gia đình anh nhìn thấy hình ảnh anh tuyệt vọng như thế trên báo chí vào ngày hôm sau.

Thực ra, ĐT Anh có cả một đội bảo vệ toàn thời gian ở giải đấu đó, nhưng trong buổi sáng đầy nước mắc của Murphy, họ đang bận đi làm vệ sĩ cho David Beckham, đang làm mấy chuyến mua sắm. Beckham hiển nhiên là không có ý làm đồng đội tổn thương, cũng như Terry không cố tình làm chuyện vô đạo đức để ảnh hưởng tới ĐTQG, nhưng mọi việc đều gây ra hậu quả và hậu quả của vụ bê bối này là không thể phủ nhận.

Capello muốn các cầu thủ của ông tập trung hoàn toàn cho Nam Phi và một màn bi hài kịch có mặt đội trưởng, quan hệ của anh với phần còn lại của đội hình, và đặc biệt là với một đồng đội cụ thể, Wayne Bridge, là không thể chấp nhận được. Một HLV chuyên nghiệp tránh tối đa khả năng thất bại và sự chia rẽ trong phòng thay đồ chính là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất với chiến thắng.

Các VĐV thể thao tồn tại bằng những cam kết với đồng đội và đội tuyển của anh ta. Thế nên, không có gì tệ hại hơn sự thiếu chung thủy và phản bạn. Terry, hơn ai hết, phải hiểu rằng đã đến lúc anh đưa ra lựa chọn, theo những tiền lệ trước kia. Wayne Carey từng là cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời ở giải vô địch bóng bầu dục nhà nghề Úc. Nhưng năm 2002, anh buộc phải trả lại băng đội trưởng và rời CLB của mình, North Melbourne, vì bị phát hiện ngủ với vợ của người bạn thân nhất, cũng là đội phó của đội, Anthony Stevens. Và Terry chắc chắn không phải là cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời của bóng đá Anh.

Tất nhiên, sẽ là điên rồ nếu Capello loại Terry hẳn ra khỏi ĐT Anh, như ông đã từng đề cập. Dẫu thế nào, lúc này cầu thủ của Chelsea là trung vệ tốt nhất nước Anh và là một trong những người giỏi nhất thế giới ở nghề nghiệp của mình. Anh cũng đã đối diện với không ít thách thức trong quá khứ, cả trong và ngoài sân cỏ, và đều vượt qua. Bàn thắng vào lưới Burnley cuối tuần trước cho thấy ngay cả khi bị tước băng đội trưởng, Terry cũng sẽ không bao giờ ngừng chơi bóng như một đội trưởng thứ thiệt.
 
(Bài viết cây bút Martin Samuel trên Daily Mail số báo ngày 01/02/2010) - Trần Trọng (dịch)
 
 

* Chuyên mục xuất hiện vào thứ Ba hàng tuần, quý độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ www.thethaovanhoa.vn.

"John Terry là cầu thủ giỏi trên sân cỏ. Nhưng là đội trưởng của ĐT Anh, bạn phải chịu trách nhiệm với hình ảnh của đất nước và rõ ràng, cần phải xem xét lại vai trò đội trưởng của anh ta sau những bê bối như thế này".

- Bộ trưởng Bộ thể thao Anh Gerry Sutcliffe

Bridge: "Nếu Terry vẫn là đội trưởng, tôi sẽ không vào tuyển"

Theo báo chí Anh, "nạn nhân" Wayne Bridge đã nói với gia đình rằng anh sẽ không vào ĐT Anh nếu Terry vẫn được giữ băng đội trưởng. Những đồng đội của Bridge ở Man City đã tỏ ra rất tức giận trước hành động của Terry, gọi đội trưởng của Chelsea là "cặn bã", "vô đạo đức và không thể tha thứ". Trận gặp Portsmouth vừa qua, các cầu thủ của Man City đã mặc áo bên trong có in dòng chữ "Team Bridge" nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Bridge. Đội phó ĐT Anh, Rio Ferdinand, và đội phó của Chelsea Frank Lampard đã gọi điện thể hiện sự cảm thông đối với Bridge.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm