23/03/2009 11:03 GMT+7 | Bóng đá Anh
(TT&VH) - Vidic là kẻ tội đồ khiến M.U thảm bại trước Liverpool. Một tuần sau, đến lượt Scholes và Rooney lần lượt đẩy Quỷ đỏ vào thế khó khăn ở Craven Cottage bằng những tấm thẻ đỏ vô duyên. Nhưng cơn khủng hoảng mini của M.U còn xuất phát từ một nguyên nhân khác: sự mệt mỏi của Ronaldo.
Nhưng hãy thông cảm cho Ronaldo, vì việc đòi hỏi anh chơi với phong độ xuất sắc suốt cả mùa giải là một điều không thể, nhất là khi thể lực của cầu thủ này không thực sự sung mãn. Kể từ giai đoạn lượt về, Agbonlahor của Aston Villa là một ví dụ rõ ràng nhất về sự sa sút sau khi bị vắt kiệt sức lực, và Ronaldo cũng vậy. Tại Craven Cottage, “số 7” đã chơi trận đấu thứ 42 ở mùa giải này cho M.U, gần bằng với toàn bộ số trận mùa trước của anh (49). Trong khi đó, bây giờ mới là tháng Ba, và M.U vẫn còn đang theo đuổi 3 đấu trường nữa. Nên nhớ rằng phải đến hơn 1 tháng sau khi mùa giải này bắt đầu (17/9), Ronaldo mới hồi phục chấn thương và thi đấu trở lại. Điều đó có nghĩa, anh đã phải thi đấu với mật độ còn dày hơn cả mùa giải trước.
Xoay tua tất cả, trừ Ronaldo
Vì mục tiêu giành cú ăn 5 lịch sử, ngài Ferguson từng có những phương án xoay tua hết sức hợp lý. Trong khi van der Sar lập kỷ lục giữ sạch lưới ở Premier League, thì Ben Foster tỏa sáng ở Cúp Carling. Dù không có vị trí chính thức ở đội hình chính, nhưng Tevez lại là một vị cứu tinh tại các giải cúp. Khi Gary Neville già cỗi, Rafael đã trưởng thành, lúc Evra bị treo giò, O’Shea sẵn sàng,… Nhưng có một vị trí không được xoay tua một cách hợp lý: đó chính là Ronaldo. Ở mùa giải năm nay, mặc dù đã được Rooney, Berbatov và Tevez chia sẻ gánh nặng ghi bàn, song Ronaldo vẫn chơi gần như tất cả các trận đấu của M.U và hiện là chân sút hàng đầu với 18 lần lập công ở mọi giải đấu (12 tại Premier League).
Ronaldo chưa bao giờ là một kẻ sớm hài lòng về những thành công mà mình gặt hái. Danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2008 càng là một động lực khiến anh khao khát ra sân liên tục. Trước mỗi cú sút phạt trực tiếp, anh đứng trước trái bóng với một tâm trạng háo hức. Và nếu có bị thay ra khỏi sân, anh thường tỏ vẻ không mấy hài lòng. Trên sân cỏ, Ronaldo chưa bao giờ là một kẻ lười biếng về di chuyển. Anh vẫn thường xuyên có những pha đảo cánh, hoặc sẵn sàng lao lên như một tiền đạo thứ hai. Nhưng khi đã leo lên đỉnh thế giới, thì anh lại dần dần đánh mất sự kỳ diệu của “đôi chân vàng”.
Tại Craven Cottage, Ferguson đã khiến nhiều người ngạc nhiên về cách bố trí đội hình xuất phát của mình. Với một hàng phòng ngự giàu thể lực như Fulham, ông đã bố trí một tuyến giữa yếu ớt với những cầu thủ thiếu khả năng tranh chấp như Park, Fletcher, cùng 2 “ông già” Giggs và Scholes. Trong khi đó, Berbatov lại không phải mẫu cầu thủ thiên về sức mạnh. Và như thế, trách nhiệm phá vỡ hàng phòng thủ đối phương bằng những pha xuyên phá lại được giao cho Ronaldo, người chơi như một tiền đạo thứ 2 ở trận này. Nhiệm vụ ấy càng khó khăn khi Rooney và Scholes phải rời sân vì thẻ đỏ.
Nhiều người tự hỏi tại sao Ferguson không “dám” cất Ronaldo trên băng ghế dự bị để tạo cơ hội cho những người khác, Nani chẳng hạn. Ở Old Trafford, Sir Alex là quyền lực số một. Trong lịch sử, ông chẳng hề e ngại phải cất ai trên băng ghế dự bị cả, từ Ince, Cantona, Hughes cho tới Beckham. Nhưng thực tế trong số họ, chẳng ai là Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới như Ronaldo cả. Sau khi rất quyết liệt trong việc giữ chân Ronaldo ở lại Old Trafford, Ferguson lại có những biểu hiện “chiều chuộng” cậu học trò này, giúp anh thỏa mãn khao khát ra sân, bất chấp thể lực bị bào mòn dần vì mật độ thi đấu quá dày đặc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất