15/02/2009 08:05 GMT+7 | Bóng đá Anh
(TT&VH cuối tuần) - Những fan kỳ cựu ở xứ sở sương mù vẫn thở than: “Bóng đá giờ thật khác xưa. Nó không còn là thời mà giá vé vào sân chẳng làm ai phải suy nghĩ, thời mà tất cả đứng trên khán đài phì phèo đốt thuốc, hát vang suốt 90 phút, thời mà các cầu thủ chơi hết mình vì màu áo chứ không tính toán tiền nong…”.
Đúng, bóng đá ở Anh đã thay đổi nhiều trong những năm qua mà quan trọng nhất là sự ra đời Premier League năm 1992. Giờ tiền bạc đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Nhờ những ông chủ ngoại, các CLB đứng trước nguy cơ vỡ nợ như M.U hay Chelsea liên tục giành chức vô địch và còn lọt vào chung kết Champions League năm ngoái, những CLB suốt 3 thập kỷ qua chẳng có danh hiệu nào như Man City có thể đưa ra đề nghị chuyển nhượng kỷ lục thế giới với Kaka.
Suốt những năm vinh quang trước đây, triết lý của M.U rất đơn giản dễ hiểu: “Ghi nhiều bàn hơn đối phương”. Bị thủng lưới 1 thì đáp lại 2, 3. Trước khi lập kỷ lục phòng ngự trên, M.U đã giữ kỷ lục về số bàn thắng nhiều nhất trong một mùa giải Ngoại hạng. Trong khoảng thời gian giữa hai kỷ lục đó, Premier League dường như đã thay đổi quan điểm về phòng ngự mà tấm gương điển hình chính là M.U.
Hãy nhìn lại Quỷ Đỏ mùa giải ngoạn mục năm ngoái với cú đúp Premier League và Champions League. Cụ thể là hai chuyến du đấu trước Roma và Barcelona. Kế hoạch lớn nhất của M.U là giữ đối phương ở bên ngoài vòng cấm địa, khác hẳn với một M.U người ta biết khi nâng cao vương miện châu Âu 9 năm trước. Hai trận đó, M.U không thủng lưới bàn nào và ghi vẻn vẹn 2 bàn. Còn năm 1999, ở vòng bảng, M.U thủng lưới 3 bàn trước Barcelona ở Nou Camp nhưng ghi lại 3 bàn để ra về với 1 điểm. Rồi làm khách tại Bayern Munich, M.U cũng thủng lưới 2 bàn song cũng ghi được 2 bàn và có trận hòa. Rồi làm khách trước Brondby, M.U để lọt 2 bàn nhưng “gỡ” lại tới 6 bàn! Và đỉnh điểm là trận làm khách trước Juventus ở bán kết, M.U thua trước 2 bàn và lội ngược dòng ngoạn mục thắng lại 3-2, hiên ngang vào chung kết rồi bước lên đỉnh cao.
Bóng đá đã khác từ năm 1999 đến nay. Bạn có thể thấy lối chơi an toàn hiện diện ở khắp mọi nơi, đặc biệt tại Champions League. Premier League cũng không tránh khỏi trào lưu đó. Ngày càng có nhiều đội tập trung vào việc khóa chân đối phương hơn là chủ động tấn công. Khi Chelsea vô địch năm 1995, lần đầu tiên sau 50 năm, đó là nhờ một nền tảng phòng ngự vững vàng của Jose Mourinho. Một cỗ máy hoàn hảo, kiểm soát thế trận từ phía sân nhà, “thả” cho đối thủ tiến lại nhưng hiếm khi cho họ khoảng trống. Và họ ghi 1 hoặc 2 bàn để thu trọn 3 điểm. Để rõ hơn, hãy so sánh những số liệu giữa M.U và Chelsea trong các mùa giải đỉnh cao.
Năm 2000, M.U vô địch với thành tích cả mùa chỉ thua 3 trận, hiệu số bàn thắng bại là 54, tỷ lệ chiến thắng là 74%, lập một kỷ lục về điểm số ở Premier League là 91. Năm 2005, Chelsea còn ngoạn mục hơn: chỉ thua vẻn vẹn 1 trận, hiệu số bàn thắng bại là 57, tỷ lệ chiến thắng là 76% và phá kỷ lục về điểm là 95. Mùa giải đó, M.U ghi tới 97 bàn thắng, trung bình 2,6 bàn/trận. Chelsea ghi ít hơn 25 bàn, hiệu suất 1,9 bàn/trận. M.U thủng lưới 45 bàn, trung bình 1,2 bàn/trận. Chelsea chỉ thủng lưới 15 bàn, trung bình 0,4 bàn/trận. Đó là sự khác biệt!
M.U ngày nay vẫn mang thương hiệu tấn công, vẫn kiểm soát nhiều bóng, vẫn sút liên tục về khung thành đối phương mỗi trận. Nhưng, cái thứ bóng đá của 1999 đã là quá khứ xa rồi. Bóng đá Anh càng tham vọng ở châu Âu bao nhiêu, họ càng cần phong cách thành công ở Champions League bấy nhiêu. Phong cách đó là chắc chắn trong phòng ngự và giờ “lây” cả sang Premier League.
Phòng ngự lên ngôi
Năm 2004, Arsenal trở thành nhà vô địch đầu tiên của Premier League để thủng lưới ít hơn 30 bàn. Trước cột mốc đó, các đội vô địch giải Ngoại hạng thủng lưới trung bình 37 bàn/mùa. Nhưng rồi kỷ lục thủng lưới chỉ 26 bàn đó của Arsenal bị phá sâu trong năm kế tiếp với con số 15 bàn của Chelsea. Kể từ ấy, thành tích phòng ngự tốt nhất của một nhà vô địch là M.U năm 2007 với 27 bàn thua. Năm nay, liệu họ có phá được kỷ lục của Chelsea khi giờ đây mới thủng lưới 10 bàn? Ở Upton Park cuối tuần qua, Mourinho có mặt chứng kiến M.U hạ West Ham 1-0 để có chuỗi không thủng lưới dài nhất trong lịch sử bóng đá của cả Vương quốc Anh. Tin không vui cho Inter của Mourinho nhưng cá nhân HLV này hẳn hài lòng khi thấy khuynh hướng ông khơi mào ở Premier League ngày càng phát triển. Năm 2000, số bàn thua trung bình của một đội bóng ở giải Ngoại hạng là 53. Năm 2005, con số là 48,75. Nhìn qua tưởng chừng không phải là cách biệt lớn. Nhưng hãy nhân 20 với 4,25. Premier League đã “tiết kiệm” được tới 85 bàn thua một mùa giải! Khi các “đại gia” thì theo đuổi sự vững vàng cho tham vọng Champions League, phần còn lại cũng chuộng việc phòng thủ hơn bao giờ hết. Đặc biệt là tốp nguy hiểm bởi cái giá mất mát cho việc xuống hạng có thể lên đến 30 triệu bảng. Họ nhìn vào tấm gương tày liếp của Reading mùa giải trước. Đội bóng xấu số này phải ngậm ngùi gia nhập giải hạng Nhất Championship chỉ vì kém hiệu số bàn thắng bại cho dù nếu xét số trận thắng, Reading tương đương với đội đứng thứ 13 là Boro. Nó nói lên khát khao của họ khi ra sân là cố chiến thắng. Nhưng khổ nỗi mặt trái là khi tấn công quá nhiều, bạn dễ bị thủng lưới và thất bại. Reading thua tới 22 trận! Nếu họ thực tế hơn, biết chắt chiu hơn và nhẫn nhịn hơn để có thêm 1 trận hòa chẳng hạn, Reading đã ở lại. Fulham năm ngoái thắng vẻn vẹn 8 trận, bằng thành tích với đội bị xuống hạng là Birmingham. Thế nhưng Fulham có được 12 điểm sống còn từ các trận hòa và thoát hiểm gang tấc, vượt mặt Reading với chênh lệch hiệu số bàn thắng bại chỉ là 3 (-22 so với -25)! Cũng năm ngoái, Inter vô địch Serie A với 69 bàn thắng, Bayern Munich đăng quang Bundesliga với 68 bàn thắng. Năm kia, Real Madrid đoạt La Liga với 66 bàn thắng. Cả châu Âu đang phòng ngự. Và Premier League cũng vậy mà thôi. Tiến lên, M.U! À không, có lẽ là hãy lùi lại... |
Trung Sơn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất