06/08/2011 06:55 GMT+7 | V-League
(TT&VH Cuối tuần) - Hải Phòng treo 10 tỷ đồng tiền thưởng nếu như đội bóng trụ hạng thành công trong 4 vòng cuối. Con số đó khiến nhiều người bật ngửa.
Bởi mùa giải 2009, quỹ tiền thưởng của SHB.Đà Nẵng được bầu Hiển cố định là 11 tỷ đồng. Sau đó, do đội cứ thắng ầm ầm nên có dôi ra cỡ 13 tỷ. Có lẽ trong tình cảnh đó, nếu phải thưởng hơn nữa thì bầu Hiển cũng không tiếc. Thực tế đã chứng minh, chưa bao giờ ông chủ này ki bo, một khi những đứa con của ông đá đấm tử tế.
Đằng này, Hải Phòng bỏ ra 10 tỷ chỉ để trụ hạng. Đúng như cam kết, ngay sau khi hạ gục Hòa Phát Hà Nội, các cầu thủ đội bóng đất Cảng đã chia nhau 1,5 tỷ đồng tiền thưởng. Quả là quá “thơm” cho 90 phút thi đấu, trước một đối thủ trình độ cũng làng nhàng như Hòa Phát Hà Nội.
10 tỷ đồng là con số quá lớn. Số tiền này sẽ làm được rất nhiều việc có ích cho cộng đồng. Những người làm bóng đá tử tế sẽ không chọn cách như vậy để trả cho 4 trận đấu, bằng một suất trụ hạng. Đơn giản, bởi người ta nhìn rõ rất nhiều sự phi lý của quyết sách đó.
Từ xưa đến nay, đã có những phi vụ bơm tiền để cầu thủ dốc lực cứu đội trụ hạng, nhưng bỏ ra đến 10 tỷ/4 trận thì chỉ có Hải Phòng dám chơi như thế. Điều đáng nói là từ đầu giải đến nay, cầu thủ Hải Phòng nhiều phen than vãn lãnh đạo đã không còn mạnh tay về tiền bạc như mùa giải trước. Những lời đề nghị tăng lương, tiền lót tay cho Minh Đức, Leandro, Ngọc Thanh đã bị từ chối.
Cuộc đời là thế, đang sung sướng bỗng dưng bị thắt bóp chẳng ai chịu nổi. Năm ngoái, Hải Phòng chi đến 50 tỷ đồng, nơi đây thực sự là thiên đường mơ ước của nhiều cầu thủ. Vậy mà mùa này, tất cả quay ngoắt, nên cầu thủ không nhão ra mới lạ.
10 tỷ đồng mà lãnh đạo Hải Phòng bỏ ra, có thể cứu đội bóng trụ hạng thành công, nhưng khó mà giúp được cầu thủ đất Cảng ý thức ra sân phải có trách nhiệm thi đấu hết mình trong những mùa tới. Đấy là di chứng tất yếu của việc bơm tiền không đúng cách.
Lâu nay, các ông chủ CLB ở ta thường lấy tiền làm động lực để cầu thủ thi đấu. Và thế, tự họ buộc chân vào cuộc chạy đua tiền thưởng bất tận. Ngôi vô địch chỉ có một, trong khi số đội có nguy cơ rớt hạng lại rất cao. Thế nên, trường hợp cầu thủ tự rủ nhau đá đì đẹt để moi tiền ông chủ, hoặc chọn trận đấu để “thâm canh”, đã không còn xa lạ. Mấy vòng đấu cuối, những trận cầu của tốp dưới mới mang lại tiền cho cầu thủ. HA.GL thắng Khánh Hòa và trụ hạng, cầu thủ mừng chẳng khác vô địch khi được thưởng 1 tỷ đồng.
Cuối mùa bóng 2001-2002, sau khi Ngân Hàng Đông Á tiếp quản đội Công an TP.HCM, họ treo thưởng 3 trận cuối lên đến 1,5 tỷ đồng. Mục đích, đội bóng vốn nổi tiếng quyền lực đen và đá cuội sẽ thi đấu trung thực trước 3 đối thủ còn lại là Thể Công, Đà Nẵng và Huế.
Từ đó đến nay, dường như chưa có ông chủ nào treo thưởng lớn để các cầu thủ đá sạch, đẹp. Không chỉ trong bóng đá, mới xuất hiện cụm từ này: Cái gì không thể mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Ông Sáu Thành, nguyên Giám đốc Sở TDTT Đồng Tháp, đã từng tuyên bố một câu đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự: Tiền đạo không bằng tiền mặt.
Khi đã xảy ra sự cố trọng tài ngay trận đầu tiên của chiến dịch 10 tỷ, thì dư luận có quyền nghi ngờ tính trung thực của trọng tài. Hoặc, Hải Phòng, với sức mạnh đồng tiền đã “tranh thủ” được tình cảm của trọng tài Trần Công Trọng. Dư luận còn đưa ra luận chứng, đã 4 lần trọng tài Trọng bắt sân Hải Phòng mùa này, và đội nhà đều giành chiến thắng. Đấy là điều ngạc nhiên bởi đội bóng đất Cảng năm nay đá đì đẹt.
Đã thế chẳng ai, kể cả BTC, HĐTTQG có thể kiểm nghiệm được trọng tài đã sạch hẳn hay chưa, khi bóng đá kim tiền đang tỏa những chiếc vòi lên tất cả những ai tham gia bóng banh. Trước năm 2005, chính Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi từng “lấy đầu” ra thề những trọng tài mình tín nhiệm đều đạn bắn không thủng, nhưng rốt cuộc thì để tiền bắn thủng tùm lum.
Đằng sau 10 tỷ chỉ để trụ hạng, không còn là chuyện của riêng bóng đá Hải Phòng nữa.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất