Chủ tịch CLB Navibank Sài Gòn: Bóng đá Sài Gòn đuối thật

30/04/2011 18:44 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Đầu mùa giải 2010, Ngân hàng TMCP Nam Việt gây cú sốc lớn khi mua lại suất V-League từ tay Quân khu 4. Cùng với đó, cả trăm tỷ đồng được lãnh đạo đội bóng chi ra với tham vọng biến sân Thống Nhất trở thành chảo lửa như thời hoàng kim...

Người ta chờ xem lãnh đạo đội bóng này, trong đó ông Nguyễn Vĩnh Thọ (bầu Thọ), một người ngoại đạo, chưa biết quả bóng mấy múi, sẽ làm bóng đá ra sao? Kết quả, Navibank Sài Gòn (N.SG) suýt chết, đồng nghĩa với tiền núi trôi ra sông biển. Tuy thế, trao đổi với TT&VH Cuối tuần, ông Thọ vẫn tin tưởng N.SG sẽ có hướng đi khác biệt để gặt thành công. Và câu chuyện giữa phóng viên TT&VH Cuối tuần với bầu Thọ không chỉ dừng lại ở cái tên N.SG.

Trọng tài ta hình như còn nghèo...

* Trận hòa SHB.ĐN, khán giả cả nước thấy ông rất giận dữ trước sự điều hành của trọng tài (TT) Văn Quyết?

- Nếu bạn là tôi, thì chắc chắn cũng phát rồ lên vì bị xử ép như thế. Tôi muốn nói rằng, bóng đá phải có sự công bằng lẫn cả sự minh bạch trong từng quyết định. Nếu trọng tài công nhận N.SG được hưởng phạt đền hợp lý phút 86, có lẽ chúng tôi đã giành chiến thắng. Thổi ác như thế, công bằng ở đâu?

Tôi đã phải lao xuống dưới sân, và nói với giám sát trận đấu Cao Đình Khôi rằng: “Trọng tài thổi thế thì không được, là phá hoại bóng đá. Anh Khôi cần đứng ra làm chứng và ghi lại đầy đủ. Chúng tôi nghĩ N.SG xứng đáng hưởng penalty chứ không phải nhận quả phạt đền ngược như thế”. Tôi không sợ bị trọng tài ghét và định kiến.

Dù đã cải thiện nhưng tôi nghĩ, đến lúc phải nâng chế độ cho trọng tài hơn nữa, để họ an tâm về kinh tế và có trách nhiệm hơn với nghề. Ai cũng phải thừa nhận, mức độ khó khăn trong công việc của trọng tài ngày càng cao. Như thế, các đội mới an tâm vào bản lĩnh và tiếng còi của họ. Chúng tôi đầu tư hàng chục tỷ đồng vào bóng đá, mà thua kiểu ấm ức và mờ ám thì ai mà chịu được. Đã là chuyên nghiệp, thua cũng cho hợp lý và gật gù chấp nhận mình thua kém. Còn nếu không, đội bóng rồi cầu thủ bất phục rồi phản ứng ầm ĩ là chuyện khó tránh được.

Chẳng ông bầu nào muốn thất bại

* Hơn 1 năm làm bóng đá, ông thấy làm “ông bầu” có khó không? Ông có thể phác họa ngắn gọn về bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển, bầu Kiên, bầu Tuấn hay những nhân vật mới nổi như Thái Thị Hương (Ngân hàng Bắc Á) và Nguyễn Đức Thụy (Sài Gòn Xuân Thành)...

- Trong xã hội này làm cái gì chẳng có cái khó, cái dễ riêng. Nhưng gần 2 năm tôi làm chủ tịch CLB, tôi đã nhấm đủ chua - cay, ngọt - đắng rất đặc biệt của bóng đá. Nói thật, chúng tôi chi vào bóng đá quá nhiều, còn nhiều hơn cả đổ vốn đầu tư cho một số dự án. Khi đội thua, thậm chí thua đậm, tôi buồn nẫu ruột. Khi thấy đội thắng, mừng chảy nước mắt khi gọi điện báo cáo lãnh đạo. Đấy là cảm xúc rất thực. Bầu bóng đá mỗi người có suy nghĩ, cá tính khác nhau, nhưng xét chung, bóng đá cũng như thương trường, bản thân các ông bầu không muốn thất bại đâu.

* Hồi ”siêu cò” Jorge Mendes sang Việt Nam và vào Sài Gòn, ông từng nói trước đông đảo phóng viên hãy giúp đỡ ông vì ông mới vào nghề. Đó là thiện chí thật sự hay là sự khiêm tốn của một người lão luyện thương trường?

- Ngoài đời, tôi là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc một ngân hàng lớn. Tôi lo họp đủ đại hội cổ đông, lo cho sự phát triển hàng ngàn dự án, cuộc sống của nhân viên. Nhưng tôi cũng chăm chỉ đọc báo theo dõi tình hình bóng đá Việt Nam. Tôi có biết cũng chỉ biết sơ sơ, sao có thể rõ từng chân tơ, kẽ tóc ở hậu trường được. Nhất là cách đầu tư và biến đồng tiền của mình thành kết quả tốt trên sân càng không dễ. Nên tôi nói vậy vừa là khiêm tốn vừa là thiện chí, sẵn sàng lắng nghe lời góp ý của phóng viên. Thực tế tôi rất thân với một số phóng viên, không tiện kể ra đây nhưng họ giúp tôi cũng không ít việc. Bây giờ, kinh nghiệm, quan hệ của tôi cũng đã hòm hòm trong lĩnh vực bóng đá. Tôi tin mình đủ sức trụ vững trong vai trò ông bầu ở sân chơi V-League những năm tới.

Xây lại bóng đá Sài Gòn, tôi chỉ là hạt cát

* Ông nghĩ gì khi bóng đá Sài Gòn (BĐSG) vẫn chưa hết khủng hoảng? N.SG phải làm gì để lấy lại hình ảnh BĐSG vang bóng thuở nào?

- Năm trước, đội bóng trụ hạng phút cuối, tôi như trút được tảng đá đè nặng trên mình, nhưng thấy lương tâm áy náy. Vui vì bóng đá thành phố vẫn còn đại diện V-League, nhưng thấy tôi cô đơn. Cổ nhân xưa từng nói: “Đông tay vỗ mới nên kêu”. Muốn vô địch hay bóng đá thành phố mạnh trở lại, cần tổng hợp sức mạnh - từ lãnh đạo thành phố đến các ban ngành, rồi sự ủng hộ của báo chí, khán giả. Phải làm quyết liệt mới hy vọng thành công.

Ông Nguyễn Vĩnh Thọ, ảnh chụp ở trụ sở của Liên đoàn Bóng đá thế giới. Ảnh: PV

Tôi thấy cái khó thế này: Bóng đá TP.HCM không có ưu thế như các tỉnh, thành khác. Đất ở thành phố “tấc đất, tấc vàng”. Làm cái sân mini cho bóng đá nghiệp dư, phát triển bóng đá học đường còn khó. Nay thị hiếu người dân đa dạng, họ nhiều thú vui khác ngoài đi xem bóng đá. Ngay các nhân tài bóng đá TP.HCM cũng ít đi, bởi các em học sinh cũng theo đuổi nghiệp học hành, hơn là đánh vật mình với trái bóng. Cả vốn ngân sách TP.HCM cũng giành cho quỹ an sinh xã hội, bóng đá chỉ là bề mặt nhỏ trong muôn vàn nỗi lo của lãnh đạo... Thế mới thấy, để phát triển trở lại lẫn mang lại thành công thì không chỉ N.SG, TP.HCM hay SG.XT cố gắng, mà còn rất nhiều điều kiện cần và đủ phức tạp sau lưng nữa. Cái sự phức tạp thế nào, chắc bạn cũng mường tượng được.

* Mùa này, đội bóng đầu tư hơn 80 tỷ mua sắm lực lượng nhưng kết quả tỷ lệ nghịch. Đúng là đốt tiền! Bao giờ N.SG mới vô địch, xứng đồng tiền, bát gạo bỏ ra đây?

- Chúng tôi cần nhiều thời gian để củng cố đội bóng. Ngay chuyện mua ai, bán ai, tôi trao đổi kỹ với lãnh đạo, các chuyên gia chứ không phải mình tôi quyết định tất. Còn đòi hỏi N.SG thành công, vô địch ngay là quá khó. Manchester City đầu tư cực “khủng”, nhưng đâu dễ cho đội bóng này chen chân vào top 4, chứ đừng nói vô địch ngay ở giải Ngoại hạng Anh. Bóng đá chuyên nghiệp, tôi nghiệm như thế này, tiền là quan trọng, nhưng cộng với thời gian cùng hướng đi đúng mới mang lại thành quả.

* BĐSG cần những HLV, những cầu thủ người gốc thành phố. Đã bao giờ ông tính đến việc đưa lực lượng này trở lại Sài Gòn?

- Tôi đồng ý với ý kiến trên. Muốn đội bóng nhận được sự công nhận của giới báo chí, người hâm mộ, phải có những cầu thủ, HLV người thành phố. Đấy là cái “hồn” cho đội bóng. Huỳnh Đức, Ngọc Thanh, Minh Phương đã và đang nằm trong tầm ngắm CLB. Tiếc rằng khi chúng tôi đặt lời mời, người thì nặng nghĩa với nơi mình cống hiến và không nỡ ra đi. Có người lại muốn tìm bến đỗ và chinh phục thành công, điều vốn chưa thể có ở N.SG lúc này. Tôi chấp nhận và nghĩ kiểu gì “lá rụng về cội”, những nhân tài ấy sớm muộn cũng trở về cái nôi giúp mình thành tài mà thôi.

Tôi mơ một học viện bóng đá đẳng cấp

* Trước đây, ông từng có ý định mua vài ngôi sao tầm thế giới như Kluivert, Vieri đưa về sân Thống Nhất. Tại sao kế hoạch hoành tráng ấy không hiện thực?

- Đó không phải lời nói khoa trương mà là kế hoạch thật sự của tôi. Muốn lôi kéo khán giả tới sân, các đội bóng cần có vài cái tên “hot”, tầm cỡ thế giới. Sở hữu được họ, CLB được đánh bóng thương hiệu rất nhanh. Chúng tôi muốn những tên tuổi chất lượng, nhưng không chỉ qua V-League để du lịch, mà chơi bóng bằng kỹ thuật và đẳng cấp của họ. Tuy nhiên, có rất nhiều sự phức tạp mà bản thân tôi khi ngồi vào bàn đàm phán mới phát hiện. Thứ nhất, sự yêu sách và đòi hỏi về giá quá lớn từ phía người đại diện cầu thủ. Ngay việc đàm phán chi tiết từ chuyện di chuyển, ăn ở, chế độ... cũng rất phức tạp. Do đó, tôi tạm thời hoãn kế hoạch này, bởi mang ngoại binh “xịn” mà không phù hợp lối chơi, điều kiện BĐVN, bản hợp đồng ấy cũng không khác gì thất bại.

* Dù sao, người ta chưa thấy “bầu” Thọ tạo được ấn tượng từ phát ngôn, hành động đến kết quả thực tế để nhận được sự tin tưởng hoàn toàn?

- Mỗi người một con đường đi và tôi cũng có những hoạch định riêng. Tôi xác định đầu tiên là bổ sung những cầu thủ giỏi và định hình lối chơi, bản sắc trước khi đua tranh ngôi vị. Rồi sau đó, lên kế hoạch xây dựng học viện bóng đá, đào tạo lực lượng kế cận một cách chuyên nghiệp và bài bản. Đối tác mà N.SG nhắm đến là CLB Bayern Munich - lò đào tạo có tiếng ở nước Đức và châu Âu.

* Kế hoạch xây dựng học viện bóng đá bao giờ sẽ khởi công, thưa ông?

- Phụ thuộc vào mặt bằng. Các quyết định xin đất từ UBND thành phố vẫn chưa ổn thỏa. Lô đất thành phố giải tỏa rộng 60 ha để xây chung cư và các đặc khu văn phòng cao tầng, chúng tôi xin nhận 1/3 diện tích để bắt tay xây học viện. Trình tự xin đất phải qua quá nhiều thủ tục hành chính phức tạp, sau khi được chấp thuận, tự tay tôi cũng đền bù giá đất cho các hộ dân ở đây... Mất thời gian nhiều quá.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi và chúc những dự định phục hưng bóng đá TP.HCM của N.SG và cá nhân ông thành công trong tương lai!

Mộc Miên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm