Philani: Người Zulu ở Thủ Dầu Một

06/04/2011 13:47 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Lịch sử V-League bước qua tuổi 11 từng chứng kiến rất nhiều những ngoại binh xuất sắc, những người mang trên vai trọng trách “nâng tầm và quảng bá cho nền bóng đá xứ sở”. Họ đến, rồi đi, và cũng có vài cá nhân nổi trội còn ở lại. Philani, tiền đạo người Nam Phi, từng chơi bóng cho ĐT U20 “Bafana Bafana” (biệt danh của ĐT Nam Phi), thuộc số những “người đương thời” ấy, nhưng anh là sự khác biệt với tất cả.

Người hùng thầm lặng

Philani là người khiêm tốn và kiệm lời. Không bao giờ anh nhận phần về mình. Đáp lại chỉ là cái nháy mắt tinh nghịch, cùng nụ cười rất tươi. Đó là tính cách của người Zulu, Philani bảo thế. “Tôi là người Zulu (dân tộc chiếm khoảng 14% dân số ở Nam Phi). Tổng thống Jacob Zuma của Nam Phi cũng là người Zulu…”, Philani đã nói vậy ở 1 cuộc trả lời phỏng vấn của PV TT&VH ngay trên đất Nam Phi trong khoảng thời gian diễn ra World Cup 2010.

6 năm có lẻ chơi bóng trong màu áo B.BD, Philani đã ghi trên dưới 50 bàn thắng, một con số không tồi với cầu thủ thường xuyên xuất phát ở vị trí tiền đạo cánh hoặc hộ công. Bằng với khoảng thời gian đó, nhưng Kiatisuk, Achilefu hay Tshamala…, những người đá trung phong trong màu áo các CLB VN cũng không thể sánh kịp với Philani về số lượng các bàn thắng. Trong một cuộc điều tra không chính thức, Philani được liệt vào hàng ngũ những chân sút xuất sắc nhất V-League tuổi lên 10.

Những đóng góp của “Phi” trong 2 chức vô địch, 2 lần á quân V-League và thành tích lọt vào vòng 4 đội mạnh nhất AFC Cup 2009 của B.BD là không phải bàn cãi. Tạm thời, sau 9 lượt trận đầu tiên của Eximbank V-League 2011, Philani cũng đã có 4 bàn thắng (lượt đấu sớm vòng 9 mới đây, Philani đã không thể góp mặt do chấn thương và B.BD đã thua lấm lưng trắng bụng ngay tại Thủ Dầu Một). Cũng cần nhớ rằng, từ vài ba lượt trận trước đó, Philani đã luôn phải tiêm thuốc giảm đau để xung trận.

B.BD thời khủng hoảng (từ giai đoạn 2 V-League 2010 đến nay), chiếc băng đội trưởng đội bóng như thể nỗi ám ảnh, khi lần lượt Quang Thanh, rồi Thế Anh đều từ chối nó thì Philani đứng ra nhận trách nhiệm. Thực tế, không phải đợi đến khi Philani chấn thương và ngồi ngoài cuộc chơi, người Bình Dương mới cảm thấy nhớ người hùng của mình. Philani đi vào những câu chuyện, lời kể và cả giấc mơ rất đẹp của người Bình Dương. Không được xem người hùng của mình chơi bóng, CĐV nổi nóng, quậy phá, đòi đánh nhau với tất cả.

Vai trò không thể thay thế

Người VN không có thói quen dùng những cụm từ đại loại như: “B.BD là CLB với Philani và 10 cầu thủ còn lại”, nhưng sự thật là Philani quá quan trọng với đội bóng này. Có lẽ sau này nếu có dịp chiêm nghiệm lại, cựu HLV của B.BD, ông Lê Thụy Hải, sẽ nói khác đi câu để đời: “B.BD không có ngôi sao, bởi tôi là ngôi sao quý nhất”. Quá nhiều những lời nói có cánh, những con số thống kê để ca ngợi Philani. Vậy Philani quan trọng như thế nào với B.BD, xét về các tiêu chí chiến thuật, cũng như tính chuyên nghiệp của tiền đạo người Nam Phi?

Khi B.BD chưa lâm vào khủng hoảng (từ nửa sau mùa bóng 2010), mỗi trận đấu có Philani tham dự, đội bóng đa phần giành chiến thắng, hoặc ít nhất cũng hòa. Ngay cả HLV Ricardo Formosinho, người chỉ mới làm việc với Philani và B.BD chừng nửa năm nay, cũng phải thừa nhận vai trò của tiền đạo người Nam Phi là quá quan trọng. “Tôi đánh cược với các bạn rằng, nếu hôm nay B.BD có Philani trong đội hình, chúng tôi sẽ chiến thắng HN.T&T”, ông Ricardo phát biểu sau trận hòa 1 – 1 hồi tuần trước.

Philani rất xứng đáng là thủ quân của B.BD. Ảnh: Quang Nhựt

Kể từ V-League 2006, khi HLV Lê Thụy Hải đến đất Thủ lập nghiệp và đưa đội bóng đi từ thành công này đến thành công khác, cho đến tận bây giờ khi đội bóng đất Thủ đã trải qua những cuộc thay tướng liên miên thì Philani vẫn luôn chơi chính. Có thời điểm phải trám chỗ, Philani đá trung phong cắm, nhưng thường xuyên nhất là tiền đạo cánh. Ở vị trí này, “Phi” mới phát huy tối đa tính hiệu quả, bằng các động tác nhấp nhả, vặn sườn đối thủ qua người và cứa lòng. Philani cũng là một trong những cầu thủ làm bóng hay nhất trong lịch sử B.BD và thậm chí V-League, với những đường chuyền thành bàn nhiều không đếm xuể.

Đất Thủ từ thời hoàng kim của anh em nhà họ Trương (Trương Văn Dũ, Trương Văn Hải, Trương Văn Khanh) và Đình Phước, đến thế hệ những Trường Giang, Hữu Thắng, Thế Anh, trẻ hơn là Quang Thanh, Vũ Phong, Anh Đức…, đều tồn tại khái niệm gọi là “Hội đồng cầu thủ”. Rất nhiều người (bao gồm cả công thần Kesley Huỳnh Alves hay Amaobi trước đây) đã cảm thấy khó ở, nhưng Philani thì không. “Phi” nhận được sự tôn trọng, lẫn nể phục của tất cả và đó là lý do mà cho đến giờ này, Philani vẫn còn ở Thủ Dầu Một.

Dựng tượng người Zulu ở đất Thủ?

“Nếu anh muốn có cảm giác thực sự của châu Phi, anh phải đến Soweto. Quốc gia nào cũng có 3 giai tầng, có người thượng lưu và trung lưu và người nghèo. Ở Soweto, tôi không biết giải thích thế nào, nhưng đó thực sự mới là châu Phi, những ngôi nhà nhỏ, thấp, dựng lên chỉ bằng vài tấm tôn, bìa carton hoặc khá hơn mới xây gọn ghẽ. Tôi cũng từng mơ ước được chơi cho ĐTQG Nam Phi, được xuất hiện ở World Cup trong màu áo Bafana Bafana. Nhưng anh biết đấy, tôi chơi bóng ở châu Á, mà chỉ có những cầu thủ chơi ở châu Âu mới được chú ý”, Philani từng tâm sự như thế với TT&VH.

Không cố gắng tỏ ra mình khác biệt với phần còn lại (những ngôi sao như Nwafor Obina, Leandro hay Lee Nguyễn và cả đại bộ phận những cầu thủ người nước ngoài đã và đang chơi bóng tại 2 giải đấu V-League và hạng Nhất), nhưng rõ ràng Philani là sự khác biệt quá lớn. Mọi kế hoạch về chiến thuật chuẩn bị trận đấu hay thậm chí là cả một chiến lược, ở B.BD, đều bắt đầu với cái tên Philani. Khi đội bóng đất Thủ gửi hồ sơ xin nhập tịch cho “Phi” thì cũng có nghĩa rằng họ muốn Philani vĩnh viễn thuộc về nơi này.

Sự thật là từ lãnh đạo, đến các HLV, đồng đội và cả CĐV, đều xem Philani là người hùng. Và trong một cuộc họp “nội các” không chính thức (giữa lãnh đạo và “Hội đồng cầu thủ”, rồi hội CĐV, người ta đã tính chuyện dựng tượng Philani đặt ở ngay mặt tiền khán đài A của sân Bình Dương. Đây là điều xưa nay hiếm ở VN. Hạnh phúc vì điều đó, nhưng tự hào thì không, hoặc chưa tới mức đấy. Philani chỉ thực sự tự hào về xứ sở, với nguồn cội của chính mình.

“Zulu là một dân tộc rất mạnh mẽ. Trong lịch sử của người Zulu chúng tôi, có vị vua Saga Zulu, với sức mạnh và quyền lực của mình, người đã từng đánh bại tất cả để trị vì đất nước. Tôi đến từ Begville, và quê tôi không hiện đại, nó mang nhiều dáng vẻ của châu Phi hơn”, cựu tiền đạo tuyển U20 QG Nam Phi, người từng có thời gian chơi bóng ở Soweto, trong màu áo CLB lừng danh Nam Phi, Orlando Pirates, đã từng chia sẻ trong bài phỏng vấn của PV TT&VH như thế.

“Ai là cầu thủ nước ngoài hay nhất trong mắt anh?”, rất nhanh, Tshamala (tiền đạo ĐT.LA) trả lời: “Philani”. “Tiền đạo nào khiến những các trung vệ như anh cảm thấy ái ngại?”, Huy Hoàng, Phước Tứ, Minh Đức, Phước Vĩnh, Đại Đồng, Anh Tuấn…, đều đồng thuận: “Philani”. Một người Phi châu chơi bóng và thành danh ở VN suốt hơn nửa thập niên, nhưng chưa một lần dính scandal. Philani nổi như cồn và được biết đến nhiều hơn nhờ tài năng trên sân bóng và sự mẫu mực trong sinh hoạt, chứ không phải các cụm từ như “ngựa chứng” hay thứ gì đó đại loại thế. Philani là thế và việc dựng tượng (nếu có) ở đất Thủ, ai xứng đáng hơn anh?!

TÙY PHONG

1. Kesley Huỳnh Alves đã trở thành quá khứ, Amaobi, Trường Giang đến rồi đi, B.BD vẫn còn đó những công thần như Quang Thanh, Vũ Phong, Thế Anh hay Anh Đức, Hữu Thắng…, nhưng khi được hỏi, ai mới là cầu thủ số 1 ở đất Thủ, tất cả đều đồng thuận, người đó phải là Philani. Trong mắt các đồng nghiệp VN cũng như nước ngoài, Philani có một vị thế rất đáng nể. Anh là số 1 của B.BD. Philani cũng là cầu thủ lớn tuổi nhất còn đứng trong đội hình chính của đội bóng đất Thủ (Philani sinh vào tháng 5/1979, tức sắp bước qua tuổi 32).

2. B.BD là CLB thứ 2 mà Philani từng chơi bóng trong suốt sự nghiệp của mình (sau Orlando Pirates). Sau khi rời Orlando, có người khuyên anh nên đến Âu châu để lập nghiệp và nuôi mộng khoác áo ĐTQG. Nhưng "Phi" đã chọn Việt Nam, với B.BD, từ năm 2005 đến nay. Mùa giải 2008, khi Adelaide (một CLB thuộc A-League) gặp lại B.BD ở AFC Champions League, Bruce Djite, cầu thủ từng có thời gian chơi cho FC Twente (Hà Lan), muốn "Phi" trở thành một phần của Alelaide trong tương lai gần. Nhưng đồng nghiệp của Bruce Djite, Nathan Burns, thì muốn đưa "Phi" gia nhập SK Brann ở Na Uy (CLB cũ của anh này) và chơi các trận đấu ở đấu trường châu Âu. Tất cả những điều ấy, nói lên đẳng cấp của tiền đạo người Nam Phi.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm