HLV Trần Văn Phúc: “Tôi xem bóng đá VN mà cứ thon thót”

06/04/2011 12:54 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Sau 9 vòng đấu, Eximbank V-League 2011 đang diễn ra vô cùng phức tạp, nhất là những tiếng còi của đội ngũ cầm cân nảy mực. TT&VH phỏng vấn chuyên gia Trần Văn Phúc, và nhận ra rằng dù đã “gác kiếm quy ẩn” nhưng ông vẫn còn đau đáu với bóng đá nước nhà.

* Suốt mấy ngày qua, câu chuyện trọng tài “bẻ còi”, bị dọa giết tràn lan các mặt báo. Rất nhiều ý kiến cho rằng năng lực của trọng tài Việt Nam (TTVN) có vấn đề. Ông nghĩ sao về chất lượng tiếng còi ở các mùa giải  qua?

- Thú thực, xem bóng đá VN, kể cả các ĐTQG, tôi cứ thon thót. Sự phập phù và quá nhiều chuyện rắc rối đã khiến tôi có phản xạ như thế.

Tôi đã trải qua đủ mọi thăng trầm với quả bóng suốt nửa thế kỷ. Mọi góc sáng,  tối từ bóng đá bao cấp rồi lên chuyên, tôi đều thấy cả. Nhiều học trò của tôi khi giã từ sự nghiệp thi đấu để làm trọng tài, họ mới bảo cầm còi ở ta khó lắm thầy ơi.

Theo tôi nghĩ, các TTVN đã có sự tiến bộ nhất định. Tuy thế, phong độ của họ không ổn định, bản lĩnh lại kém nên chưa được tin tưởng, các đội thì bất phục. Trong cuộc sống cũng vậy, anh không tạo cảm giác tin tưởng cho người ta thì khó mà được tôn trọng. Hành động “bẻ còi” của TT Nguyễn Đức Vũ đúng luật đấy, nhưng không thể chấp nhận được vì đi đến quyết định cuối cùng sao mà gượng gạo quá.

* Kể từ sau biến cố 2005, TTVN có 6  năm để hoàn thiện mình, nhưng họ vẫn bảo rằng còn quá ít thời gian để nâng cấp chuyên môn.

- Tôi thấy chủ tịch HĐTT QG Nguyễn Văn Mùi rất giỏi nhưng anh ấy cần có sự hỗ trợ thêm của các thành viên trong HĐTT QG. Thực trạng TT kém cũng là bức tranh chung của một nền bóng đá nước nhà. Có ý cho rằng cần phạt nặng khi TT sai sót để làm gương, nhưng phạt rồi lấy người đâu mà cầm còi. Nói bổ sung lực lượng trẻ kế cận, nhưng 1 TT đủ năng lực làm ở V-League phải qua nhiều công đoạn và thời gian. Mà anh em trong nghề chủ yếu tới với nghề bằng khát khao và làm rất nhiều công việc khác nhau. Tôi nhìn nhận thế này, dạy cầu thủ của mình có ý thức chuyên nghiệp khó ra sao, thì nâng cấp TT cũng khó như thế.

HLV Trần Văn Phúc cho rằng bóng đá VN đang có những phát triển theo kiểu nghịch lý

Theo tôi, TT bị kêu là do sự phát triển quá nhanh của bóng đá VN. Ví dụ, các đội bỏ tiền đầu tư cho đội bóng nhiều quá, nên họ rất cay cú các quyết định của TT, kể cả đúng lẫn sai. Độ vênh này sẽ còn diễn ra dăm năm nữa, có nghĩa chúng ta còn tiếp tục nghe kêu réo về TT dài dài.

* Ông nghĩ sao về những án kỷ luật của bộ phận hành pháp bị cho là có phần kỳ quặc, thiếu công bằng, thậm chí nhìn mặt mà phạt ?

- Đấy là vấn đề muôn thuở mất rồi. Người dân Á Đông cả nể, hay bị tình cảm chi phối lý trí. Do đó, sự thiên vị sau những bản án là chuyện dễ hiểu,  góp phần làm giải đấu thêm loạn. Đình Tùng ném áo không chịu thi đấu vì phản ứng TT là  sai, Tùng lẽ ra phải chịu án phạt để tự điều chỉnh và làm gương cho người khác. Tôi vốn dạy dỗ cậu ấy từ năm cầu thủ này mới 15 tuổi. Dù thế,  nếu tôi là ban Kỷ luật, tôi vẫn phạt Tùng đúng luật, chứ không bỏ lọt tội. Rồi trường hợp treo giò hết mùa với cầu thủ Ngọc Tùng là quá phũ phàng, không giúp cầu thủ ấy và nhiều cầu thủ khác biết sợ. Theo tôi, trong các án phạt dành cho các đội bóng và TT, phải công bằng thì các đội mới đỡ ấm ức mà tôn trọng luật chơi chung.

* Dường như văn hóa coi bóng đá đang xuống cấp, khi những hình ảnh buồn còn xảy ra trên khán đài. Sau vụ trưởng BTC sân Gò Đậu tát khán giả vì tội chửi đội bóng, tới lượt BTC sân Hàng Đẫy tăng giá vé để chống “hooligan” Hải Phòng?

- Bóng đá VN vốn có những phát triển theo kiểu nghịch lý như trên. Khán giả vốn được coi là thượng đế và các đội bóng cố gắng lôi CĐV tới sân. Thế mà, BTC sân Hàng Đẫy  vốn ế ẩm lại đưa ra ý tưởng cùn và nông cạn tới vậy. Tôi đồng ý với khẳng định của bầu Hiển, là phải yêu sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả Hải Phòng. Chứ một tấm vé 200.000 đồng, cộng với tiền di chuyển, ăn uống, có người mất đứt cả tháng lương. Nhưng họ không nề hà mà sẵn sàng lặn lội tới sân. Điều đáng quý ấy lại che mờ bởi những tính toán đi trái lợi ích của người hâm mộ chân chính. Cần mở rộng cửa để khán giả vào sân, chứ không phải kiểu cấm bạo động kiểu như thế. Khán giả quậy, anh không kiểm soát được là do anh kém.

* Bóng đá VN đang thiếu những “kiến trúc sư”, những vị  đầu lĩnh. Cụ thể,  các CLB rất thiếu các GĐKT, GĐĐH có năng lực và  tâm với nghề. Ông nghĩ thế nào?

- Bóng đá đi lên theo hướng doanh nghiệp hóa, nên vai trò ông bầu được hiểu lầm là tiên quyết. Phải một thời gian nữa, các đội mới thấm thía được việc không có những chiến lược gia giỏi chẳng khác gì như  người đi trên dây, khó tránh khỏi mất thăng bằng. Có điều, cũng như HLV giỏi, các GĐKT và GĐĐH tài ba hiếm lắm. Kiểu như anh Nguyễn Văn Vinh thời ở HA.GL, anh Trần Văn Đường (B.BD) hay Phạm Phú Hòa (ĐT.LA) không nhiều đâu.

* Quan điểm của ông về chủ nhân cái ghế HLV trưởng của U23 QG và ĐTVN?

- Theo tôi, chuyện lương thưởng cao không là vấn đề lớn nhất với bóng đá VN lúc này. Nếu VFF biết cách và thực sự có biểu hiện làm mới mình, không thiếu doanh nghiệp sẵn sàng giúp đỡ. Điểm cốt tử là HLV mới có phù hợp với cá tính và đặc trưng lối chơi của bóng đá VN đang có hay không. Tôi nghĩ dùng HLV nội cũng tốt thôi, vì có nhiều HLV trẻ có khả năng để nắm giữ ĐTVN. Nhưng về lâu dài, một HLV ngoại sẽ là thích hợp hơn, bởi họ có được chuyên môn tốt và cả những cách tân giúp bóng đá VN phát triển và đạt thành công hơn, như HLV Calisto đã từng làm rất tốt thời gian trước. Nhưng trong thời gian gấp rút tới đây, công việc cần giao cho một HLV nội đảm đương cũng là cách hay để tận dụng nội lực và sự đồng cảm. Tôi nói thế bởi không ai hiểu cầu thủ Việt bằng HLV Việt. Malaysia từng tin tưởng HLV Rajagobal và đã thành công. Chẳng lẽ bóng đá VN lại thiếu nhân tài làm được chuyện đó? Cứ thử trước đi mới biết thành công hay thất bại được chứ. Tất nhiên, để chinh phục đỉnh cao hơn, thì tôi nghĩ bóng đá Malaysia cần HLV ngoại.

* Xin cảm ơn ông và chúng ta sẽ còn gặp nhau ở dịp khác!

MỘC MIÊN (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm