Tiền đạo Nguyễn Việt Thắng: “Có lúc tôi như bị ma ám”

03/04/2011 09:03 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Sáu tháng trôi qua vô vị vì không để lại dấu ấn gì đáng kể, nhất là không có bàn thắng, Việt Thắng có phần bị lãng quên. Tới khi tung cú vô-lê đẹp mắt ấn định chiến thắng 2-0 trước Vicem Hải Phòng, tiền đạo của The Vissai Ninh Bình (V.NB) cởi áo rồi chạy băng băng quanh sân, như trút bỏ tảng đá chồng chất trên người. Thắng “bế” coi bàn thắng đó là cột mốc để làm mới lại mình, và “dọa” sẽ bùng nổ dữ dội trong những vòng đấu tới.

Tôi đã rơi vào trầm cảm

* Kể từ bàn mở tỷ số trong chiến thắng 3-0 trước Kuwait ở Cúp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tới tận bây giờ người hâm mộ mới thấy Việt Thắng ghi bàn. Vì sao mất gần 6 tháng anh mới trở lại chính mình?

- Thú thực, nhìn lại hành trình khủng khiếp đã trôi qua, tôi cũng thấy kỳ lạ trước sự tịt ngòi của mình, như bị ma ám vậy. Tất nhiên, nếu công bằng tôi cũng gặp một số bất lợi. Tính từ tháng 2 tới giờ, V.NB mới đá tròn 10 trận. Do chấn thương gối, tôi mới ra sân đá chính được 5 trận. Trong điều kiện đó, cảm giác không gian và trái bóng chưa tốt, tôi cũng không dám vận động mạnh.

Mà cái số của tôi dường như bị vận đen ám ảnh hay sao ấy. Vì tính ra, xà ngang rồi cột dọc từ chối 5 lần chứ đâu có ít. Ức chế đôi khi lên tới tận đỉnh, tôi trầm cảm và tự đay nghiến mình: “Thắng ơi, mày bị làm sao vậy”. Trách mình nhiều, lại thương đồng đội, áy náy tới độ không dám nhìn vào mắt anh em và ban huấn luyện sau mỗi trận mình bỏ lỡ nhiều cơ hội. Nhất là với huấn luyện viên Nguyễn Văn Sỹ, tôi ngại nhất vì chưa đáp ứng được sự tin tưởng và động viên của anh ấy. Nhưng rồi tôi tự an ủi rằng tiền đạo hàng đầu thế giới như Rooney còn tới 11 trận tịt ngòi, chẳng lẽ Việt Thắng mới 5 trận không ghi bàn đã nhụt chí. Giờ mọi thứ cũng dần tốt hơn, khi tôi có bàn thắng đầu tiên ở V-League 2011. Thú thật, tôi còn lâng lâng với bàn thắng này.

* Đúng là một bàn thắng đẹp, nó “cứu” anh rất nhiều...

- Thời gian tập trung ở đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2010, tôi đã bị đứt dây chằng chéo gối. Kể từ đó, tôi chủ yếu tập trung hồi phục thể lực. Trở lại sau chấn thương, chuyện lấy lại ngay phong độ và thể lực ngay là không thể. Mãi tới vòng 6, tôi mới dám tháo băng nẹp đầu gối và chính thức có được sự sung mãn nhất trước trận gặp V.HP. Cú vô-lê tung lưới thủ môn Xuân Việt, tôi luyện rất nhiều ngoài sân tập. Bóng tới trước mặt nên tôi ra chân theo bản năng. Sự khao khát lập công, đôi chân được thả lỏng hoàn toàn giúp tôi thực hiện bàn thắng đẹp ấy.

Bàn thắng đầu tiên ở mùa giải mới là cú đề-pa tinh thần và tôi tin sẽ chơi bùng nổ ở những vòng tới.

Tôi khoái Tùng “con”

* Anh nghĩ sao khi Đình Tùng vẫn ghi bàn đều đặn ở một đội bóng không mạnh như Thanh Hóa. Còn anh, được ưu đãi rất nhiều khi được bố trí đá cắm ở V.NB, dưới là 6 “Tây” hỗ trợ - trường hợp hiếm của các đội bóng ở V-League hiện tại?

- Mỗi đội bóng lại có một cảnh khác nhau, cầu thủ cũng có tố chất riêng. Tôi đánh giá Đình Tùng là chân sút có khả năng chơi đột biến cực cao. Không cần nhiều bóng hay cơ hội, Tùng “con” vẫn thể hiện được năng lực chơi bóng độc lập. Đó là của “hiếm” và chúng ta cũng không nên so sánh giữa Việt Thắng với Đình Tùng. Còn về V.NB, tôi không phủ nhận đấy là một tập thể mạnh nhưng chúng tôi đang loay hoay đi tìm sự kết nối và kiến tạo tìm bản sắc.

* Vị trí và lối chơi nào sẽ phát huy hết khả năng của anh?

- Từ mùa giải 2003, Việt Thắng đã làm việc với huấn luyện viên Calisto tại Đồng Tâm Long An. Tính tới khi làm việc ở đội tuyển Việt Nam, mối quan hệ thầy - trò đã được 8 năm. Lối chơi của thầy “Tô” đã ăn vào máu và tôi có được ngày hôm nay cũng nhờ thầy. Theo đó, tôi quen với những pha phối hợp đập - nhả trước cầu môn đối phương rồi mới xoay người ghi bàn, như thời ở “Gạch”. Nhưng thời gian qua, đội toàn chơi kiểu chuyền dài để tôi cắm mặt đua tốc độ, khiến tôi không thể tỏa sáng vì sức rướn chưa tốt.

* Ngoài anh, những đồng đội khác ở đội tuyển Việt Nam như Quang Hải, Anh Đức, Sỹ Mạnh đều đang chật vật trong việc thể hiện mình. Theo anh, vì sao các chân sút nội lại khởi đầu kém ấn tượng ở V-League năm nay đến vậy?

- Tôi không biết các đồng đội khác ra sao, nhưng ở một môi trường mới, một lối chơi mới, không dễ gì để các tiền đạo nội so sánh với các ngoại binh. Ngay những vị trí tốt nhất, chân sút ngoại đều nắm giữ cả. Khi đẩy lệch vị trí, chơi không đúng “gu” lối đá, tôi cũng mất thời gian để thích nghi. Phải tới mấy vòng đấu, tôi và các tiền đạo khác mới có thể lấy lại phong độ và sự tự tin cần thiết. Tóm lại, môi trường thi đấu ảnh hưởng cực lớn đến năng lực chơi bóng của mỗi người.

* Còn những tiền đạo nào anh muốn đá cặp nhất khi có cơ hội? Về trung vệ, anh “ngán” đối diện với ai nhất?

- Có lẽ hiện tại, mẫu tiền đạo Đình Tùng khiến tôi muốn đá cặp nhất. Ngoài ra, còn kể tới Văn Quyết, Ngọc Duy (Hà Nội T&T), bởi họ còn trẻ, tài năng và chơi bóng đầy nhiệt huyết. Tiền đạo ngoại đáng sợ nhất hẳn là Samson của Đồng Tháp. Còn mẫu trung vệ như Huy Hoàng của Sông Lam Nghệ An khiến tôi nể nhất, tôi rất ngán anh bạn này.

Thế hệ tôi đã hoàn thành sứ mệnh

* Sau chức VĐ AFF Cup 2008, anh có nghĩ thế hệ của anh, Như Thành, Minh Phương, Huy Hoàng... đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử với bóng đá Việt Nam?

- “Tre” chưa già, thì “măng” đã mọc. Chúng tôi coi chức vô địch AFF Cup 2008 là cột mốc khẳng định đội tuyển Việt Nam xứng đáng giành ngôi vị số 1 khu vực. Nhưng lứa trẻ với Thành Lương, Tấn Trường, Trọng Hoàng, Văn Quyết, Ngọc Duy, Đình Tùng... rất đáng chờ đợi. Bởi họ có năng lực chuyên môn, thể lực, kỹ thuật... tốt hơn so với thế hệ chúng tôi. Họ đủ sức cáng đáng trọng trách nặng nề mà bóng đá Việt Nam sẽ đối mặt trong những năm tới. Tôi không những hy vọng mà còn tin họ sẽ thỏa cơn khát vàng SEA Games 26 tới đây tại Indonesia.

* Nhưng đội tuyển Việt Nam cần thêm những điểm mới gì để vô địch AFF Cup và nhất là đấu trường SEA Games?

- Tôi thấy rằng huấn luyện viên Calisto để lại một lối chơi có bản sắc riêng, phù hợp với thể hình, thể trạng của cầu thủ Việt Nam. Nếu một huấn luyện viên ngoại mới xuất hiện, chắc chắn họ sẽ bảo thủ và muốn lối chơi của đội tuyển Việt Nam sẽ gần như thay đổi hoàn toàn. Mình đã có được cái nền tốt, mà phá đi vô tội vạ như vậy, có phải là hợp lý? Cho nên, cần chọn một huấn luyện viện nội đã thấm nhuần triết lý của ông Calisto, để tiếp tục duy trì và phát triển thêm một bước mới là hay hơn. V-League bây giờ không thiếu huấn luyện viên nội tài năng, nhưng VFF cũng cần tin tưởng giao trọng trách cho họ.

Tiền đạo Nguyễn Việt Thắng

Riêng đội tuyển Việt Nam muốn thống trị sân chơi Đông Nam Á, thì cần phải có định hướng khoa học và rõ ràng. Ngay cá tính và lối chơi cần giữ nguyên và phát huy những mặt mạnh mình đang có. Nhất là phát huy nội lực, sẵn sàng trao cơ hội cho cầu thủ trẻ thể hiện và thay thế đàn anh. Làm được thế, tôi tin bóng đá Việt Nam sẽ có đội hình mạnh là điều chắc chắn.

Tôn trọng nhau, sao khó thế với bóng đá Việt Nam

* Đồng Tâm Long An đang gặp khó ở V-League, anh suy nghĩ gì về sự sa sút của đội bóng cũ?

- Những năm đá cho “Gạch” để lại cho tôi nhiều cảm xúc và tình cảm nhất. Nhưng sự chuẩn bị trong 2 năm qua, dường như đội bóng có quá ít sự đầu tư chất lượng. Việc đội bóng đứng áp chót trên bảng xếp hạng phản ánh đúng chất lượng những tân binh họ đưa về. Đó là thực tế đau lòng cho một đội bóng từng làm mưa, làm gió ở giải đấu quốc nội. Ai không xót khi nhìn đội bóng giúp mình có được ngày hôm nay suy sụp tới như vậy. Nhưng bóng đá hay cuộc sống là vậy, nếu mình đứng lại sẽ tự nhiên bị loại ra khỏi vòng sinh tồn. Nhưng tôi tin bầu Thắng sẽ có cách đưa đội thoát khỏi vòng xoáy.

* Còn về đường đua vô địch, anh nghĩ những ứng viên nào sáng giá nhất?

- Nhìn qua bề dày lực lượng, tham vọng và cả khả năng tài chính, SHB.Đà Nẵng và Sông Lam Nghệ An là 2 ứng viên hàng đầu. TĐCS.Đồng Tháp thiếu một chữ “tham vọng”, khi họ vẫn bị cơ chế, khó khăn ở hậu trường ràng buộc. Còn lại, các đội bóng tôi nghĩ khó có cơ hội lắm.

* Thời gian này, những sự vụ về trọng tài xảy ra liên tục. Anh nghĩ sao về giới “cầm cân, nảy mực” Việt Nam?

- Thời trẻ, tôi cũng hay đôi co, cãi cọ với các trọng tài lắm. Nhưng giờ mình cũng đã 30 tuổi rồi, nhìn lại mới thấm thía nhiều điều. Dù gì, trọng tài quyết định tình huống, có cãi tới mấy thì cũng chẳng thay đổi được gì. Tốt nhất là có lời phàn nàn vì sao anh lại cắt còi là được. Chứ còn kiểu rượt trọng tài, đá “chỗ hiểm”… thì không nên. Bởi thế, cầu thủ tự làm xấu mình trước giới cầm còi cũng có được điều gì. Song trọng tài Việt Nam cũng cần thật sự vững vàng trong lúc cầm còi, để cầu thủ thực sự phục. Chưa phục và tôn trọng, thì chuyện va chạm giữa cầu thủ - trọng tài mới thường diễn ra theo chiều hướng xấu như vậy.

* Cảm ơn anh về cuộc trao đổi và chúc Việt Thắng sẽ bùng nổ, thực sự chín chắn ở cái tuổi “tam thập nhi lập”!

Mộc Miên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm