Lê Phước Tứ: “Tôi đẹp, tôi có quyền”

18/01/2011 12:45 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Chi tiết bản hợp đồng không được tiết lộ, nhưng với trên dưới 10 tỷ đồng cho 3 năm phục vụ SG.XT, Phước Tứ đang là cầu thủ đắt nhất làng bóng đá Việt, tính theo giá trị một bản hợp đồng. Khiêm tốn và khá kiệm lời, trung vệ đội trưởng SG.XT chia sẻ với TT&VH.

“Thành thật, tôi cũng không muốn người ta nhắc cái tên mình quá nhiều, như một cầu thủ đắt nhất, cầu thủ tiền tỷ…. Cầu thủ tiền tỷ ấy còn có thể bị bị “soi” nữa. Tôi chơi bóng và chỉ hưởng đúng với thành quả, sức lao động của mình. Tất nhiên, khi giá trị của Phước Tứ được người khác đánh giá đúng mức thì đó phải là sự hạnh phúc lớn lao”, trung vệ ĐTQG, bản hợp đồng đình đám nhất mùa bóng 2011, Lê Phước Tứ cho biết.

Mừng cho chúng tôi và mừng cho BĐVN

* Giá cầu thủ “leo thang” chóng mặt trên thị trường chuyển nhượng, anh nghĩ gì khi có ý cho rằng, đó là giá ảo và không tương xứng với năng lực chơi bóng của cầu thủ VN?

- Mỗi người một quan điểm, nhưng theo tôi, chúng ta nên mừng vì cầu thủ bây giờ đã có thể sống được và sống tốt với nghề đá bóng. Một sự phát triển theo tôi là rất bình thường, bởi bóng đá thế giới cũng đi theo quy luật đó. Chúng ta cũng nên mừng vì một nhẽ khác nữa, khi BĐVN được sự quan tâm đặc biệt của những ông bầu, những đơn vị kinh tế. Giá cầu thủ có đôi khi được quyết định bởi những nhà tài phiệt, nhưng như thế cũng không hẳn là điều xấu. Họ tạo nên một môi trường cạnh tranh cần thiết và sự đầu tư nghiêm túc của họ là gói kích cầu quá lý tưởng cho sự phát triển của một nền bóng đá. Thế thì phải chứng minh cho nhà đầu tư thấy, bóng đá có thể mang lại những lợi ích to lớn. Đấy là mối quan hệ tương hỗ.


Phước Tứ khi còn khoác áo LS. Thanh Hoá

Cầu thủ phải luôn giữ được một ý niệm nghiêm túc với nghề, phải có động lực phấn đấu, và lao động cật lực để đạt được mục tiêu đề ra… Tôi tin nghề sẽ không phụ người, trừ phi người phụ nghề.

* Nếu được quyền “định giá cầu thủ”, anh có đặt cho Phước Tứ một bản hợp đồng với giá trị cao nhất?

- Tại sao không nhỉ (cười)?! Có thể thấy, từ hồi Minh Phương, Trường Giang, Trung Kiên, đến sau này Công Vinh, Hồng Sơn, Việt Thắng, Như Thành, Quang Hải…, họ đều là những cầu thủ tốt nhất VN, chứ bản thân những bản hợp đồng đắt giá không quyết định điều đó. Cầu thủ không tự tạo ra những cột mốc chuyển nhượng, mà bản thân những bản hợp đồng nói lên phần nào giá trị của cầu thủ. Sự thật là người ta không bỏ ra cả một đống tiền, để mua về những cầu thủ có năng lực chơi bóng tầm tầm. Tôi là người biết ý thức giá trị bản thân. Nó cũng đã được kiểm chứng rồi và nếu tôi không tin vào mình, thì có thể khiến ai tin vào mình nữa?!

Tôi chọn và tôi chịu trách nhiệm

* Anh có cảm thấy sức ép, khi mình đang được coi như cầu thủ đắt nhất BĐVN?

- Sức ép là một phần không thể thiếu của bóng đá mà (cười). Tôi cảm thấy cũng bình thường thôi, bởi đã bao năm sống với sức ép rồi. Có khi còn khủng khiếp hơn nhiều. Người ta bỏ ra rất nhiều tiền để mua mình về không phải để làm cảnh. Sẽ có những đòi hỏi cao hơn mức bình thường và công việc của những người như chúng tôi là lao động cật lực, cống hiến, phục vụ tiêu chí của đội bóng. Điều quan trọng nhất là phải luôn có niềm tin vào bản thân. Một tuyển thủ QG còn mang cả những trọng trách khác nữa: đảm bảo thương hiệu cho tuyển thủ. Thế thì luôn phải chơi bằng khả năng tốt nhất, ở bất cứ nơi đâu mình đến, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

* Rời V-League trong màu áo LS Thanh Hóa, anh chấp nhận về chơi giải hạng Nhất, đó có phải là sự đi xuống về môi trường cạnh tranh?

- Thực ra, tôi đã có kế hoạch chia tay LS Thanh Hóa từ năm ngoái, thời điểm mà những người Thể Công cũ như chúng tôi vào xứ Thanh theo dạng biệt phái. Sau khi có những tiếp xúc với người của HN T&T, tôi đã gật đầu sẽ về chơi cho đội bóng này và vẫn ở V-League, tại Thủ đô. Chỉ cho đến khi Quảng Nam.Xuân Thành vào cuộc, với sự nghiêm túc, tôi thấy cần thay đổi quyết định. Dù hợp đồng giữa tôi và HN T&T vẫn chưa ký, nhưng tôi cũng cần thông báo cho người của họ. Không có vấn đề gì, bởi tôi muốn về chơi cho đội bóng quê hương.

Có đôi chút ngỡ ngàng khi Quảng Nam.Xuân Thành “chuyển hộ khẩu” vào Sài Gòn và tôi đã thoáng nghĩ lại. Nhưng không còn kịp nữa, bởi đó không phải là phần việc của mình. Cuộc đời là những chuyến đi, và công việc của cầu thủ là đá bóng, chăm sóc cuộc sống cho mình, cho người thân.

Nơi nào sáng đèn thì mình về

* Từ Hà Nội vào TP.HCM, Phước Tứ đã không ghé chân ở đất Quảng Nam như dự tính ban đầu. Số phận như muốn Tứ phải gắn bó với các thành phố lớn?

- Tôi có những năm tuyệt vời trong màu áo Thể Công, một đội bóng có truyền thống bậc nhất. Tôi lên tuyển cũng là nhờ Thể Công và tôi có một sự nghiệp khá ổn như bây giờ, cũng từ cái tên này. Bạn sẽ không bao giờ được phép quên những giá trị cơ bản ấy. Phước Tứ cũng đã bắt đầu sự nghiệp ở Quân khu 5. Tôi thích cái tên gọi: “lính quân khu trên tuyển”. Dù cái tên Thể Công đã lùi vào dĩ vãng, hay Quân khu 5 đang phải lao đao, thì tôi vẫn bảo lưu những ký ức tốt đẹp ở trong tim. Thủ đô cho tôi những trải nghiệm trong cuộc sống, Quảng Nam là nơi Phước Tứ sinh ra… Quê hương luôn ở trong tim mỗi người, xứ Quảng ở trong tim tôi. Dường như Phước Tứ vẫn chưa đủ già để “lá rụng về cội”.


Phước Tứ (hàng đầu, ngoài cùng, bên phải) đeo băng thủ quân SG.XT trong trận gặp ĐT.LA ở vòng 1/8 Cúp QG 2011. Ảnh: V.V

* Cuộc sống ở Sài Gòn tráng lệ với Phước Tứ như thế nào?

- Đồng nghiệp và đồng đội trong giới chúng tôi, vẫn hay đùa câu cửa miệng: “Nơi nào sáng đèn thì ta về thôi”. Nó cũng không phải không có lý, khi những đòi hỏi về cuộc sống vật chất là có thật, bên cạnh môi trường thi đấu lý tưởng. Cầu thủ cũng là con người và có những nhu cầu về giải trí rất đỗi bình thường. Thành phố lớn và bóng đá ở đó, cho họ cuộc sống như thế. Không có những ngỡ ngàng với sự ồn ào, vội vã của Sài Gòn, bởi tôi đã quen điều đó từ những ngày còn khoác áo Thể Công, với nếp sinh hoạt của Thủ đô rồi.

Trên thực tế, SG.XT chẳng khác nào ĐTQG thu nhỏ. Tôi cảm thấy khá ổn, khi vẫn đang chơi cạnh rất nhiều những đồng đội trên tuyển. Lãnh đạo và BHL tin tưởng tuyệt đối vào chúng tôi và tất cả đều muốn SG.XT lên chơi ở V-League. Đó mới là sàn diễn lý tưởng và chúng tôi sẽ làm việc cật lực cho mục tiêu này. Phải tin vào bản thân rằng mình làm được!

* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!

Tùy Phong (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm