Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá VN Lê Hùng Dũng: Rất khó nói V-League đã lên giá

10/01/2011 07:17 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - V-League nhận được gói tài trợ của Eximbank lên tới 30 tỷ đồng/mùa và hợp đồng kéo dài trong 3 mùa. Sự kiện và con số này làm người ta liên tưởng như thể VFF vớ được ông khách sộp mới bán đất hương hỏa. Nhưng chợt thấy là ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF lại là ông Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank. Vậy thì 30 tỷ chảy về VFF là thực, nhưng có phải là con số ảo? TT&VH Cuối tuần trao đổi với ông Dũng.

* Liệu có thể nói là V-League của chúng ta đang lên giá khi năm trước là 12 tỷ thì năm nay là 30 tỷ?

- Lên giá hay không, tôi không nhận xét được chuyện ấy. Chỉ biết người ta đánh giá đây là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, người xem đông nhất, thời gian quảng bá dài nhất, nhiều thông tin đề cập nhất… Xét cho cùng thì khen, chê đủ kiểu nhưng đường nào cũng lên báo, mạng, truyền hình với thời lượng dài, không gian thì trải từ Bắc đến Nam. Với những người có nhu cầu quảng bá thương hiệu, thế là “ok” rồi.


Ông Lê Hùng Dũng (trái) nói rằng, dù ưu ái, nhưng nếu V-League 2011 không tốt thì Eximbank cũng xem xét lại hợp đồng. Ảnh: VSI

* Không lên giá, vậy hãy lấy trường hợp cụ thể là Eximbank, vì sao lại quyết định tài trợ cho V-League? Hỏi thật, có phải vì ông đang là Chủ tịch HĐQT Eximbank?

- Có thể cũng có phần đó. Nhưng cái chính vẫn là như tôi nói ở trên, V-League là kênh đầu tư hấp dẫn. Ở Eximbank, tôi chỉ nói với HĐQT thế này: Thứ nhất, các anh coi ở VN môn thể thao nào được yêu thích nhất, lượng người xem đông nhất, môn nào có thời gian kéo dài nhất, tới 8 tháng? Là bóng đá. Thứ hai, môn nào có thời lượng ti vi truyền hình trực tiếp dài nhất? Cũng bóng đá. Bóng chuyền cũng vậy nhưng người xem chỉ vài nghìn người là cùng, hết giải là xong. Cũng khó có thể tìm được chỗ để cho cả chục nghìn người xem. Như Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, tiếng là vậy nhưng cũng không thể quá vài nghìn.

* Dẫu sao với cương vị PCT VFF, cũng khó tránh khỏi người ta nghĩ ông Dũng ưu ái cho VFF? Mất bao lâu để ông thuyết phục được HĐQT Eximbank?

- Cũng không lâu lắm đâu. Tôi đề cập rồi trình bày như vậy, họ nghiên cứu ít tuần, hỏi bao tiền rồi “chốt” lại là xong thôi. Còn chuyện thiên vị, ưu ái hay không, cũng có người hỏi tôi rồi. Họ hỏi tôi ưu ái VFF không, tôi nói là có. Nói không ưu ái thì không được, vì trước chỉ tài trợ 12 tỷ, mà giờ tăng lên gần gấp 3. Trong khi chất lượng V-League không phải tăng tương ứng như số tiền. Dĩ nhiên cũng vì trước đây có thể người ta đánh giá thấp các tiêu chí như tôi nói, giờ đánh giá cao hơn thì sẵn sàng trả tiền cao hơn. Nhưng cái ấy không phải phần chính. Phần vai chính của tôi là đem tiền của Eximbank đi tài trợ, quảng cáo trong 1 năm. Tôi muốn nói rõ, hợp đồng là 3 năm nhưng không phải 3 năm thẳng tắp luôn, mà có các điều kiện đi kèm. Sau 1 năm đầu tư phải xem hiệu quả thế nào, nếu không tốt sẽ không làm nữa. Như thế ở đây chẳng có quan hệ cá nhân nào cả, mà là lợi ích của 2 tổ chức, VFF với Eximbank. Và trước hết là lợi ích của Eximbank. Chỉ có điều trường hợp này “rớt” vào 1 người là tôi. Tôi nắm lợi ích của Eximbank, thuyết phục HĐQT, và họ “OK”. Vậy thôi. HĐQT của Eximbank có tới 9 người, có cả 2 đại diện nước ngoài mà 1 trong 2 là ngân hàng vào loại top ten của Nhật Bản. Họ đâu có ngờ nghệch.


Mùa 2011, V-League có tới 7 CLB dính dáng tới ngân hàng, trong đó có Navibank (trái) và HA.GL. Ảnh: Quang Nhựt

* Nói là bình thường, nhưng V-League hiện nay không thể phủ nhận là ngày một nhiều các ngân hàng nhảy vào. Người ta thậm chí đã bắt đầu nhắc đến một “cuộc chiến ngân hàng” ở V-League rồi...

- Ở mình làm cái gì cũng thành phong trào mà. Nhưng tôi cho đó là sự phát triển bình thường trong xã hội. Ai cũng muốn sản phẩm của mình được nhiều người biết. Và kênh nào đem lại hiệu quả quảng bá cao thì người ta đầu tư.

* Thực ra, V-League trước đến giờ cũng đã đón khá nhiều nhà đầu tư rồi. Nhưng rồi người nọ rút, người kia rút?

- Một phần vì tiềm lực các “ông” ấy yếu, làm vài năm thì rút. Nhưng riêng với Tập đoàn Dầu khí VN thì không phải vậy. Người ta thấy việc tài trợ đạt yêu cầu với phân luồng thị trường của họ rồi thì họ đổi. Năm nay người ta thích cái này, sang năm thấy cái khác hay hơn thì đổi, cũng là chuyện bình thường.

* Xin cảm ơn ông!

Vĩnh Xuân (thực hiện)

Khi được hỏi về thực tế là dù V-League vẫn được tiếng là hấp dẫn nhất Đông Nam Á, nhưng hình ảnh chưa bao giờ vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ VN, ông Dũng cho rằng: “Các nhà đầu tư cũng đã có mấy người vươn ra nước ngoài được đâu. Với thị trường trong nước là tốt rồi. Đặt ra vấn đề ấy hiện nay theo tôi thấy là không hợp lý”.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm